Hiểm họa thuốc lá điện tử chứa ma túy

18/05/2024 08:26

(Chinhphu.vn) - Thuốc lá điện tử tuy không phải là ma túy nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nhất là tình trạng các đối tượng có thể lợi dụng đưa chất ma túy vào thuốc lá điện tử để rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng hoặc mua, bán trái phép các chất ma túy.

Hiểm họa thuốc lá điện tử chứa ma túy- Ảnh 1.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý triệt phá đường dây bơm ma túy vào thuốc lá điện tử tại quận Hoàng Mai, Hà Nội vào tháng 11/2023 - Ảnh: C04

Tốn hàng trăm triệu đồng khi điều trị ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy 

Theo báo cáo của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua, tỉ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng), đặc biệt là trong giới trẻ đã gia tăng nhanh chóng. 

Tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7%. Đây là con số đáng lo ngại.

Báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám chữa bệnh cho thất chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Riêng người dưới 18 tuổi có 71 ca, 10% trong số đó là nữ giới.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đánh giá, tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh...

Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng sẽ tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác như ma túy. 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đơn vị thường xuyên tiếp nhận các trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử vào điều trị, trong đó rất nhiều trường hợp là học sinh, thanh thiếu niên phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy trộn trong thuốc lá điện tử.

Cách đây không lâu, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 2 bệnh nhân trẻ (23 tuổi và 29 tuổi) đều ở Hà Nội, bị ngộ độc nặng sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.

Cụ thể, nam bệnh nhân 23 tuổi tại Thường Tín, Hà Nội có tiền sử hút thuốc lá điện tử 2 năm nay. Theo lời kể của người nhà, sau vài tiếng dùng thuốc lá điện tử được cho thêm hương liệu mới do người giao hàng giới thiệu, anh này lên cơn co giật, sùi bọt mép.

Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tuyến trước nhưng không đỡ, sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc. Xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân mang đến phát hiện chất ma túy cần sa tổng hợp là ADB-Butinaca.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân L.H.H (29 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) vào viện vì co cứng chân tay, rối loạn vận động. Bệnh nhân cũng sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử nhiều năm nay. Thời gian gần đây, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn vận động, run, vã mồ hôi, không điều khiển được động tác.

Theo bác sĩ Nguyên, phần lớn người dân và thanh thiếu niên quan niệm thuốc lá điện tử rất đơn giản, không có nicotine gây nghiện. Điều này hoàn toàn sai lầm. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy.

Hiện chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình từ trên 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Hồi đầu tháng 5, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đã tổ chức một phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tại đây, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhiều lần nhấn mạnh quan điểm "Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng" và nhất quán từ trước đến nay.

Trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm tương tự. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bảo đảm tính thống nhất.

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn

Thực tế, thời gian qua, lực lượng Công an đã phát hiện nhiều bài quảng cáo, rao bán thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu có chứa ma túy trên các trang mạng xã hội, bắt giữ nhiều vụ việc đối tượng mua bán thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), trong năm 2023, toàn quốc phát hiện, bắt giữ 442 vụ, 808 đối tượng có liên quan đến các loại ma tuý "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử... Trong đó, đã khởi tố 345 vụ án, hơn 600 bị can phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý dạng "núp bóng" (tăng gần 7 lần so với năm 2022).

Điển hình như tháng 11/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đấu tranh, khám phá thành công đường dây pha chế, sản xuất thuốc lá điện tử có tinh dầu cần sa tổng hợp xảy ra tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Kết quả cơ quan điều tra đã bắt, khởi tố 6 đối tượng, thu giữ 3.600 điếu thuốc lá điện tử, hơn 84 lít dung dịch ma tuý, hoá chất hoặc vụ phun tẩm, tạo ra hơn 250 kg ma tuý dạng "cỏ Mỹ" tại Nha Trang, Khánh Hoà…

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cảnh báo ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.

Hậu quả và tác hại sẽ rất lớn nếu nhiều người sử dụng thuốc lá điện tử có phun, tẩm chất ma tuý mà không hay biết. Dần dần hình thành số đông người sử dụng trái phép chất ma tuý khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Các đối tượng cho chất ma tuý vào tinh dầu thuốc lá điện tử hoạt động rất tinh vi. Để lôi kéo người sử dụng, ban đầu chúng cho người sử dụng dùng thử như thuốc lá điện tử thông thường. Khi người dùng đã “bị lệ thuộc”, có nhu cầu sử dụng thường xuyên, các đối tượng sẽ bán với giá thành cao hơn.

Chính vì vậy, lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy của Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển cần tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức phát hiện, điều tra triệt xóa các băng nhóm, tổ chức tội phạm ma túy lợi dụng việc mua bán thuốc lá điện tử để phạm tội về ma túy; phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ TT&TT phát hiện, xử lý các đối tượng lợi dụng tổ chức mua bán thuốc lá điện tử có chất ma túy trên không gian mạng, qua các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram…).

Bên cạnh đó, với phương châm "chủ động phòng ngừa là căn bản", chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng, nhà trường và gia đình cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, vận động các em học sinh, thanh thiếu niên nâng cao hiểu biết pháp luật và sự nguy hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử có tẩm ướp chất ma túy đối với sức khỏe. Qua đó giúp các em chủ động phòng ngừa, không sử dụng thuốc lá điện tử, các chất ma túy, chất gây nghiện và tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm.

Có thể nói, thuốc lá điện tử đang là mối lo ngại cho toàn xã hội với nhiều hệ lụy khôn lường. Đã đến lúc cả xã hội cùng chung tay để ngăn chặn loại hình gây nghiện mới nhiều nguy hại này. 

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện yêu cầu tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Theo đó, để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người sử dụng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Các Bộ: Tài chính, Công an, Quốc phòng, Công thương chỉ đạo lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực biên giới, đường mòn, lối mở; xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, các đối tượng đầu nậu, tập trung vào các đối tượng buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử để khởi tố, truy tố trước pháp luật; tăng cường quản lý thị trường nội địa để phát hiện các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng....

Nhiều quốc gia đã cấm hoặc quản lý chặt thuốc lá mới

Theo tổ chức WHO, trên thế giới đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn, gồm Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Có 3 quốc gia bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn điều trị theo phác đồ là Chile, Australia và Nhật. 88 quốc gia đưa thuốc lá điện tử vào diện quản lý, trong đó có 27 quốc gia thuộc khối liên minh châu Âu. Việc quản lý này được tiến hành chặt chẽ theo các biện pháp của Công ước khung (WHO FCTC).

Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia đã cấm, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei. Có 71 quốc gia đưa thuốc lá nung nóng vào diện quản lý, trong đó 27 quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu.

Hoàng Giang

}
Top