Hiểu đúng về giảm thời hạn cai nghiện bắt buộc
(Chinhphu.vn) - Thời hạn cai nghiện bắt buộc được miễn giảm của Nghị định 116/2021/NĐ-CP là ít hơn so với thời hạn được miễn giảm của Nghị định 221/2013/NĐ-CP và quy định miễn giảm cũng khác. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, việc quy định như trên không gây bất lợi cho học viên cai nghiện.
Ngày 21/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (gọi tắt là Nghị định 116), có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Tại Khoản 1 Điều 58 Nghị định 116/2021/NĐ-CP, có quy định về điều kiện giảm thời hạn cai nghiện bắt buộc: Giảm thời hạn từ 01 đến 03 tháng đối với người đã chấp hành một nửa thời gian cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, có ít nhất 03 tháng gần nhất được xếp loại từ khá trở lên quy chế quản lý, đánh giá kết quả học tập, cai nghiện tại cơ sở;
Giảm thời hạn từ 03 đến 06 tháng đối với người đã chấp hành một nửa thời gian cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, lập công, có ít nhất 03 tháng gần nhất được xếp loại từ khá trở lên theo quy chế quản lý, đánh giá kết quả học tập, cai nghiện tại cơ sở.
Như vậy, theo quy định nêu trên trường hợp nếu một người cai nghiện bắt buộc tốt, được xem xét để giảm thời gian cai nghiện bắt buộc sẽ được giảm tối đa 6 tháng nếu đã chấp hành được một nửa thời gian cai nghiện bắt buộc.
Trong khi đó, tại Điều 19 của Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, quy định: Học viên đã chấp hành một nửa thời gian quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại (tối đa lên tới 12 tháng).
Như vậy thời gian được miễn giảm của Nghị định 116 là ít hơn so với thời hạn được miễn giảm của Nghị định 221 và quy định miễn giảm cũng khác.
Theo Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), việc quy định như trên không gây bất lợi cho học viên cai nghiện mà nhằm mục đích bảo đảm học viên cai nghiện được chấp hành đầy đủ quy trình cai nghiện gồm 5 bước: Tiếp nhận, phân loại; Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; Giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách; Lao động trị liệu, học nghề và Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Thực tiễn cũng cho thấy, việc thực hiện công tác cai nghiện theo văn bản pháp luật cũ quy định thời gian cai nghiện được miễn giảm nhiều dẫn đến tình trạng một số học viên không chấp hành đủ quy trình đã được ra khỏi cơ sở cai nghiện. Khi trở về địa phương sau một thời gian ngắn, hầu hết họ đều sử dụng ma túy trở lại đến tỷ lệ tái nghiện của địa phương rất cao, gây lãng phí ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác này.
Vì vậy quá trình xây dựng Nghị định 116, trên cơ sở khảo sát thực tiến, các bộ, ngành đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề này, đồng thời xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và quy định như hiện nay là phù hợp, thể hiện tính ưu việt và nhân văn của pháp luật Việt Nam đối với công tác cai nghiện, quản lý sau cai.
Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người nghiện, gia đình, người thân của người nghiện; đặc biệt là các học viên tại các cơ sở cai nghiện giúp họ hiểu và nhận thức đầy đủ vấn đề, từ đó chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Hoàng Giang