Hơn 960 nghìn người tránh được HIV nhờ các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS

26/11/2022 15:05

(Chinhphu.vn) - Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tại lễ Mít tinh Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống AIDS năm 2022 được tổ chức ngày 26/11, tại Bắc Ninh.

Hơn 960 nghìn người tránh được HIV nhờ các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Lễ mít tinh. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, ước tính có khoảng 242.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, số xét nghiệm đang báo cáo hiện mắc là 220.580 người. Tích luỹ từ năm 1990 đến nay, đã có 112.368 người tử vong do HIV/AIDS.

Mặc dù 2 năm vừa qua phải đối phó với đại dịch COVID-19, nhưng từ trung ương đến các địa phương đã nỗ lực triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trong năm qua Bộ Y tế cùng các địa phương đã nỗ lực triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhất là tăng cường cung cấp các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm, điều trị HIV để bảo đảm độ bao phủ cao nhất cũng như cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt nhất.

"Chúng ta cũng đã nỗ lực huy động nguồn lực tài chính trong nước nhất là thông qua Quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách địa phương cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS thông qua kế hoạch bảo đảm tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại từng địa phương", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Nhờ những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian qua, Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao kết quả đã đạt được trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS, với nhiều mô hình, sáng kiến được coi là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế chỉ tính riêng giai đoạn từ 2001 đến nay việc triển khai các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã cứu được hơn 960 nghìn người không bị nhiễm HIV.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan lưu ý, xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục. Người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ và nhiễm HIV trong nhóm tuổi trẻ tăng nhanh trong những năm gần đây. 

"Năm 2022, có tới 50% số ca nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm dưới 29 tuổi. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được báo cáo là nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam. Hiện có những địa phương báo cáo có 60% - 80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm qua là thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, đặc biệt là để ngăn chặn dịch AIDS quay trở lại và để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

"Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS", Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.

Với kỳ vọng sớm chấm dứt đại dịch AIDS, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, cần sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó giới trẻ, thanh niên cần chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới. 

Hơn 960 nghìn người tránh được HIV nhờ các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh 3.

Ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Châu Á – Thái Bình Dương khẳng định những thành công trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm mà các quốc gia trong và ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể học hỏi. Ảnh: Thùy Chi

Tại lễ mít tinh, ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Châu Á – Thái Bình Dương khẳng định những thành công trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm mà các quốc gia trong và ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể học hỏi.

"Điển hình, Việt Nam đã đạt kết quả vô cùng ấn tượng, đạt 95% độ bao phủ bảo hiểm y tế cho những bệnh nhân HIV/AIDS, gần 90% số người điều trị ARV được chi trả từ nguồn bảo hiểm y tế, và hơn 95% những người điều trị ARV được xét nghiệm tải lượng HIV thường xuyên đã đạt được tải lượng dưới ngưỡng ức chế", ông Taoufik Bakkali nói.

Tuy vậy, theo ông Bakkali, quá trình chuyển đổi điều trị HIV sang nguồn bảo hiểm y tế vẫn còn một số phức tạp, đòi hỏi sự thích ứng và điều chỉnh của cả con người và hệ thống, để có thể thực hiện và duy trì bền vững được mục tiêu 95-95-95 trong xét nghiệm và điều trị HIV.

Bên cạnh đó, một số vấn đề mới nổi như việc sử dụng các loại ma túy mới cũng tạo ra nguy cơ về lây nhiễm HIV và các vấn đề sức khỏe khác, cần đến sự phối hợp đa ngành và môi trường chính sách thuận lợi hơn nữa để có thể đáp ứng hiệu quả. Do đó, những thành quả đã đạt được cần được củng cố vững chắc hơn nữa để tránh trường hợp dịch HIV tái bùng phát như đã thấy ở một vài quốc gia trong khu vực.

Thùy Chi

Top