Khẩn trương chẩn đoán và điều trị bệnh lao ở người nhiễm HIV

25/03/2022 07:31

(Chinhphu.vn) - Nhân Ngày Thế giới Phòng chống Lao 2022, UNAIDS kêu gọi các quốc gia cần khẩn trương trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vì tử vong do lao ở những người nhiễm HIV đã tăng lên sau nhiều năm giảm dần.

Khẩn trương chẩn đoán và điều trị bệnh lao ở người nhiễm HIV - Ảnh 1.

Khẩn trương chẩn đoán và điều trị bệnh lao ở người nhiễm HIV. Ảnh minh họa, nguồn PSI

Theo UNAIDS, bệnh lao (TB) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người nhiễm HIV, chiếm khoảng một phần ba số ca tử vong liên quan đến AIDS trên toàn cầu. Các nỗ lực phối hợp và mở rộng nhằm ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị hai căn bệnh này thời gian qua (từ năm 2006 đến năm 2019) đã giúp giảm 68% số ca tử vong do lao ở những người sống chung với HIV. Tuy nhiên, trong Báo cáo toàn cầu về bệnh lao năm 2021 , Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố rằng bệnh lao tử vong ở những người nhiễm HIV lần đầu tiên tăng sau 13 năm, từ 209.000 ca vào năm 2019 lên 214.000 ca vào năm 2020.

Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành UNAIDS cho biết: "Sự gia tăng tử vong do lao ở những người nhiễm HIV là đáng báo động và chứng tỏ sự chưa bền vững của tiến trình phòng, chống, điều trị bệnh. Khi dịch COVID-19 xảy ra, sự chú ý của toàn cầu về HIV và lao đã thay đổi khi thế giới chỉ tập trung vào việc giải quyết đại dịch mới là COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc những người mắc HIV, lao và các bệnh khác bị xao nhãng. Do đó, cần phải có hành động khẩn cấp và tăng cường đầu tư để đưa mục tiêu chương trình được đi đúng hướng".

Theo bà Winnie Byanyima, người nhiễm HIV có nguy cơ mắc bệnh lao cao gấp 18 lần. Mặc dù khoảng 85% những người phát triển bệnh lao có thể được điều trị thành công, nhưng tỉ lệ điều trị thành công ở những người nhiễm HIV thấp hơn nhiều, vào khoảng 77%. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của việc mở rộng các nỗ lực phòng ngừa cũng như điều trị 2 căn bệnh này.

Hành động phòng ngừa và điều trị bệnh lao và HIV đã cứu sống nhiều người trong những năm gần đây. Từ năm 2018 đến năm 2020, khoảng 7,5 triệu người nhiễm HIV được điều trị dự phòng lao, vượt qua mục tiêu toàn cầu là 6 triệu người. Tuy nhiên, theo bà Giám đốc Điều hành UNAIDS, thế giới cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết những bất bình đẳng đang còn tồn tại khiến lây lan bệnh HIV và lao.

Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (Quỹ Toàn cầu) là nhà tài trợ quốc tế hàng đầu cho các chương trình chống lao; tuy nhiên, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình giảm bệnh lao và HIV trên toàn  cầu. Từ năm 2019 đến năm 2020, số người được điều trị lao ở các quốc gia mà Quỹ Toàn cầu đầu tư đã giảm khoảng 1 triệu người. Năm nay, ở lần bổ sung thứ bảy, Quỹ Toàn cầu đang kêu gọi thêm 18 tỉ đô la Mỹ để cứu sống 20 triệu người và đưa thế giới trở lại hướng tới chấm dứt HIV, lao và sốt rét.

UNAIDS hiện đang tiếp tục làm việc với các đối tác để đạt được các mục tiêu về HIV/lao đặt ra cho năm 2025 , bao gồm bảo đảm 90% người nhiễm HIV được điều trị dự phòng lao và giảm 80% tử vong do lao ở người nhiễm HIV (tính từ mốc năm 2010). Để thực hiện được điều này, Quỹ Toàn kêu gọi các quốc gia và các tổ chức tài trợ tham gia vào quá trình đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mở rộng dịch vụ cũng như áp dụng các chiến lược mới để những người có nguy cơ được tiếp cận những dịch vụ dự phòng và điều trị.

Giang Oanh

}
Top