WHO kêu gọi các nước chú trọng chấm dứt bệnh lao
(Chinhphu.vn) - Trước Ngày Thế giới Phòng chống Lao (24/3), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước đầu tư khẩn cấp các nguồn lực để tích cực hỗ trợ, chăm sóc, điều trị nhằm tiến tới chấm dứt bệnh lao.
Đại dịch COVID-19 đảo ngược thành quả phòng chống lao
WHO cho biết tổng chi ngân sách toàn cầu cho chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh lao trong năm 2020 giảm xuống còn 5,3 tỷ USD, so với mức 5,8 tỷ USD năm 2019.
Con số này cũng thấp hơn 50% so với mục tiêu 13 tỷ USD mỗi năm đề ra vào năm 2022. WHO nhấn mạnh, bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu thế giới, chỉ sau dịch bệnh COVID-19.
Mỗi ngày, hơn 4.100 người chết vì lao và gần 30.000 người mắc phải căn bệnh vốn có thể phòng ngừa cũng như điều trị khỏi này. Đại dịch COVID-19 cũng làm gián đoạn khả năng tiếp cận các dịch vụ thăm khám, điều trị bệnh lao.
Giám đốc Chương trình phòng chống lao toàn cầu của WHO, bà Tereza Kasaeva, cho biết số ca tử vong vì bệnh lao đã tăng lần đầu tiên vào năm 2020 sau hơn một thập kỷ và tình hình "tiếp tục có vẻ ảm đạm".
Năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ước tính khoảng 63% người dưới 15 tuổi mắc lao không được tiếp cận hoặc không được ghi nhận chính thức đã tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán và điều trị căn bệnh này. Gần 67% trẻ dưới 5 tuổi đủ điều kiện không được điều trị dự phòng lao. Cũng trong năm 2020, hơn 1,1 triệu người dưới 15 tuổi mắc bệnh lao; 226.000 trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên đã tử vong vì căn bệnh này.
Các quốc gia hãy đầu tư nguồn lực để phòng, chống lao
Trước tình hình trên, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc của WHO kêu gọi: "Các quốc gia cần phải đầu tư khẩn cấp để phát triển và mở rộng khả năng tiếp cận với các dịch vụ và công cụ tiên tiến nhất để ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh lao, nhằm cứu sống hàng triệu người mỗi năm, đồng thời thu hẹp bất bình đẳng và tránh thiệt hại lớn về kinh tế. Những khoản đầu tư này mang lại lợi nhuận lớn cho các quốc gia và các nhà tài trợ, giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe…".
Đại diện WHO cũng nhấn mạnh nguồn đầu tư lớn vào nghiên cứu COVID-19 với kết quả là điều chế và sản xuất được các loại vaccine an toàn, hiệu quả cũng như tìm được các biện pháp điều trị phù hợp, có thể tiếp thêm động lực cho cuộc chiến chống bệnh lao. Mặt khác, tổ chức này nhấn mạnh cần đầu tư khẩn cấp để phát triển, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ, cũng như công cụ cải tiến mới nhằm ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh lao, đặc biệt là bào chế các loại vaccine mới phòng lao.
Theo WHO, có như vậy mới có thể cứu sống thêm hàng triệu sinh mạng mỗi năm, cũng như thu hẹp bất bình đẳng và giảm đáng kể các thiệt hại về kinh tế.
Tiến sĩ Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình Chống Lao Toàn cầu của WHO cho biết: "Trẻ em và thanh thiếu niên bị lao đang bị tụt hậu so với người lớn trong việc tiếp cận với các dịch vụ phòng ngừa và chăm sóc bệnh lao. Các hướng dẫn của WHO ban hành ngày hôm nay giúp cho trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sớm hơn, dẫn đến kết quả tốt hơn và cắt giảm lây truyền. Ưu tiên hiện nay là nhanh chóng mở rộng việc thực hiện hướng dẫn trên khắp các quốc gia để cứu sống trẻ…".
Bà Kasaeva cũng nêu rõ thêm, vaccine BCG phòng lao đã có tuổi đời hàng thế kỷ. Do vậy, một vaccine mới sẽ đóng vai trò quan trọng. Hiện có 9 loại vaccine tiềm năng đang được nghiên cứu và phát triển cùng một loại vaccine mRNA khác đang được điều chế.
Bà Kasaeva cho biết thêm ngày càng có nhiều sự quan tâm đến việc phát triển vaccine phòng lao và nếu được đầu tư đúng mức và kịp thời, nhiều khả năng sẽ có ít nhất một vaccine phòng bệnh này ra đời trước năm 2025. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh thế giới hiện cần thêm khoảng 1,1 tỷ USD cho công tác nghiên cứu và phát triển các phương pháp chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh lao.
Giang Oanh