Khát khao sinh con khỏe mạnh của những bệnh nhân nhiễm HIV
(Chinhphu.vn) - Khao khát có được đứa con khỏe mạnh luôn là ước mơ cháy bỏng của những người không may mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Hành trình tìm đến bến bờ hạnh phúc của họ không dễ, bởi họ phải đối mặt với rất nhiều trở ngại của bệnh tật.
Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển của y học, với việc tuân thủ quy trình điều trị, phụ nữ nhiễm HIV đều có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh, phát triển bình thường.
Ước mơ cháy bỏng của nhiều cặp đôi nhiễm HIV
Quen nhau khi cùng điều trị ARV tại cơ sở điều trị HIV/AIDS (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vũng Tàu) và nên duyên vợ chồng, anh N.V.H (sinh năm 1982) và chị N.T.K (sinh năm 1985) khao khát sinh ra những đứa con khỏe mạnh, không nhiễm HIV. Đây không chỉ là ước mơ cháy bỏng của riêng anh chị, mà đây cũng là mong của rất nhiều cặp đôi nhiễm HIV tại Vũng Tàu.
11 năm trước, anh H và chị K tần ngần bày tỏ ý định sinh con với điều dưỡng Nguyễn Thị Thêm, Phòng khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu. Điều dưỡng Thêm cầm hồ sơ xét nghiệm trên tay, khuyên anh chị tiếp tục điều trị đến khi các chỉ số ổn định nhất, sẽ sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Đến ngày chỉ số dưới ngưỡng lây nhiễm, chị Thêm tư vấn anh chị có thể có em bé. Khi có bầu, chị K rất hoang mang, lo lắng. Nhưng vốn đã quen với việc tư vấn cho các sản phụ nhiễm HIV, chị Thêm động viên chị K, việc quan trọng nhất lúc này là không suy nghĩ nhiều, và phải tuân thủ theo dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Suốt 9 tháng 10 ngày, anh chị H và chị K giữ gìn cẩn thận từng chút để giữ cho thai kỳ an toàn. Ngày cháu bé chào đời, sau 2 tháng uống thuốc dự phòng âm tính, anh chị vui mừng khôn xiết vì con hoàn toàn khỏe mạnh.
Cũng như gia đình anh H, chị K, anh V.V.Đ (sinh năm 1977) nhiễm HIV hơn 20 năm qua do đã từng tiêm chích ma túy. Tưởng là cuộc sống đã khép lại với mình, nhưng rồi anh tình cờ gặp được người yêu thương mình hết lòng. Với tình yêu tha thiết, anh chị cũng khao khát có được đứa con khỏe mạnh không mang bệnh. Vợ anh may mắn nhờ dự phòng tốt nên không nhiễm, tải lượng virus của anh Đ. ở ngưỡng an toàn nên anh chị được tư vấn để sinh con không mang bệnh. Đến nay, bé trai kháu khỉnh của anh chị đã được 2 tuổi. Hàng ngày anh Đ đi lái xe taxi kiếm tiền trang trải cho gia đình. Anh Đ chia sẻ, niềm hạnh phúc lớn nhất của anh là sau mỗi ngày làm việc vất vả, được nhìn đứa con thơ nô đùa bên gia đình là mọi mệt mỏi của anh tan biến.
Tuy nhiên, không phải sản phụ nào cũng được tư vấn từ ngay những ngày đầu. Có nhiều trường hợp đến khoa sản khám trước khi sinh mới phát hiện mình nhiễm HIV. Khi đó, quá trình tư vấn, hỗ trợ điều trị khó khăn hơn gấp bội vì tâm lý sản phụ luôn luôn bất an, thậm chí có người chỉ nghĩ tới cái chết. Câu chuyện của chị N.T.H (SN 1994, ngụ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) khiến người nghe không khỏi xót xa. Tin vui mang thai đứa con đầu lòng chưa được bao lâu thì vào thời điểm thai 6 tháng, chị nhận kết quả thông báo nhiễm HIV khi làm xét nghiệm định kỳ. Đau đớn, bàng hoàng, chị chỉ còn biết chia sẻ với chồng. Đáng buồn hơn, người chồng đổ lỗi do chị mang mầm bệnh nên đã chửi bới, đuổi chị ra khỏi nhà. Bệnh nhân đau lòng tới mức suy sụp, không ăn uống, thức trắng đêm, đồng thời lo lắng không biết con có bị nhiễm HIV không vì lúc này thai đã lớn.
Trong quá trình điều trị, chị H. được bác sĩ tư vấn phương pháp giữ an toàn cho thai nhi trong bụng và uống thuốc phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho đến khi sinh. Tháng 5/2022, chị sinh con. Bé sinh ra được tiếp tục cho uống một loại thuốc khác trong vòng 2-4 tuần để ngăn ngừa phơi nhiễm. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi sau đó con chị có kết quả xét nghiệm âm tính với HIV.
Một trường hợp khác của chị L.T.B.V. (SN 1982, ngụ TP. Vũng Tàu), hơn 20 năm sống chung với HIV, đến giờ chị V vẫn sống khỏe mạnh. Nhưng ít ai biết thời gian đầu chị đã suy sụp đến thế nào khi người chồng đầu tiên mất vì căn bệnh AIDS. Khi đó, bàng hoàng hơn là việc chị cũng nhận tin mình đã bị lây nhiễm. Con gái nhỏ vừa sinh cũng bị nhiễm HIV. Khi đó chị V đã nghĩ quẩn, thấy cuộc sống không còn ý nghĩa. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn của bác sĩ, chị V đã sử dụng thuốc ARV và đến nay cả hai mẹ con vẫn khỏe mạnh.
Sau này, chị V cũng có người thương. Người đó biết chị nhiễm HIV nhưng vẫn tự nguyện chung sống. Điều quý giá nhất đối với vợ chồng chị V là kết quả của tình yêu với 2 con, 1 trai 1 gái sinh ra khỏe mạnh, không lây nhiễm HIV từ mẹ do được điều trị dự phòng.
Tin vui trong bức tranh phòng, chống HIV/AIDS
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, số phụ nữ mang thai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được xét nghiệm HIV đạt 98%; qua đó đã phát hiện 12 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và được điều trị ARV 100%. Số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV là 12 trẻ (100%); trong đó, 11 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đủ thời gian làm xét nghiệm PCR trong vòng 2 tháng sau sinh, không có trẻ dương tính HIV. 100% người nhiễm HIV sinh con "sạch" trên địa bàn tỉnh. Đây chính là thông tin vui trong bức tranh phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bác sĩ Trương Sỹ Chiến, Trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS của Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu cho hay, nếu trước đây trong số 10 sản phụ nhiễm HIV mang thai thì sẽ sinh được 7 em bé "sạch", còn 3 trường hợp sẽ dương tính thì nay 100% sản phụ sinh con đều không nhiễm HIV.
Nhờ dự án EPIC, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được hỗ trợ rất nhiều về phác đồ điều trị, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ trang thiết bị, kinh phí hoạt động. Bệnh nhân ngoài được hỗ trợ thuốc ARV, còn được xét nghiệm miễn phí, cung cấp thuốc bổ, khẩu trang, thậm chí cả tiền đi lại. Thuốc điều trị ngày càng ít tác dụng phụ hơn, thuận tiện hơn nên dễ dàng cho bệnh nhân trong điều trị. Nhờ đó, nhiều khách hàng yên tâm tham gia điều trị.
Quản lý hồ sơ của hơn 30 sản phụ nhiễm HIV sinh con trong những năm gần đây, điều dưỡng Nguyễn Thị Thêm hạnh phúc chia sẻ, có tới 20 em bé được sinh ra an toàn từ cặp vợ chồng đều đồng nhiễm HIV. Thậm chí có rất nhiều sản phụ nhiễm HIV sinh con thứ 2, thứ 3 đều an toàn, không bị nhiễm.
Bác sĩ Bùi Văn Doanh, Phụ trách điều trị HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV. Nếu không được điều trị sớm thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con rất cao. Thuốc ARV có tác dụng ngăn sự nhân lên của virus HIV, từ đó làm giảm số lượng virus HIV trong cơ thể bệnh nhân và giảm khả năng lây truyền cho người khác.
Đối với những bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đúng thời điểm, đúng phác đồ và tuân thủ đầy đủ các yếu tố trong điều trị, thì tỷ lệ lây nhiễm này chỉ còn từ dưới 2-5% trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Do đó, việc tiếp cận sớm các dịch vụ rất có ý nghĩa đối với các bà mẹ mang thai và đứa con mà họ đang mang trong bụng.
Thạc sĩ, bác sĩ Cao Kim Thoa, Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tính trên cả nước, những năm trước, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con những năm 2011-2012 có khoảng 2-3% lây từ mẹ sang con. Bây giờ tỷ lệ này gần như về 0.
Các sản phụ nhiễm HIV khi có bầu đều được sử dụng thuốc ARV dự phòng và theo dõi chặt quá trình tuân thủ điều trị đến khi sinh. Sinh con xong, trẻ sẽ được uống thuốc dự phòng trong 2 tháng, sau đó làm xét nghiệm PCR khẳng định.
Đây là một thành tựu rất lớn của việc triển khai dự án hỗ trợ các cặp vợ chồng nhiễm HIV sinh con an toàn, giảm thiểu lây nhiễm trong cộng đồng.
Thùy Chi