Lâm Đồng: Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới

20/07/2023 08:42

(Chinhphu.vn) - Tỉnh Lâm Đồng đề xuất, kiến nghị tăng cường năng lực trong hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến, bảo đảm nguồn nhân lực và nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiến tới chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn vừa làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.

Lâm Đồng: Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới - Ảnh 1.

Điều trị cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TT KSBT Lâm Đồng

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong 2 năm qua, các sở, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các chương trình hành động. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế xây dựng kế hoạch chuyên môn cụ thể để khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, số người nhiễm HIV tích luỹ phân bố khắp cả 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó ở thành phố Đà Lạt (585ca), huyện Đức Trọng (329 ca), Lâm Hà (220 ca), thành phố Bảo Lộc (181 ca)…

Số ca nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn đang ở giai đoạn tập trung trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là trong nhóm nghiện chích ma túy (31%), quan hệ tình dục khác giới (9.39%), bắt đầu xuất hiện ở các nhóm đối tượng khác như nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM: 6,72%), nhóm phụ nữ có thai (4,94%), nhóm phụ nữ bán dâm chiếm 1.67%.

Công tác hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con tiếp tục được triển khai hoạt động tại 3 phòng khám chuyên khoa HIV tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng.

Tổng số bệnh nhân hiện đang được điều trị thuốc kháng HIV là 968 bệnh nhân, trong đó có 12 trẻ em. Hiện tại 3 phòng khám chuyên khoa HIV tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng đã thực hiện khám thông tuyến bảo hiểm y tế, số bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế là 859/900 bệnh nhân chiếm 95,4%.

Mặc dù đã được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cũng như việc triển khai một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, nhưng số người nhiễm HIV/AIDS mới vẫn còn phát hiện hằng năm, dịch HIV/AIDS vẫn tập trung ở các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao và tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ làm lây lan HIV ra cộng đồng.

Năng lực cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Chưa triển khai được phòng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) tại tỉnh Lâm Đồng…

Ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Ban Tuyên giáo trung ương đã ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng chống HIV/AIDS sau 2 năm thực hiện chỉ thị 07 của Ban bí thư. Ông mong muốn, trong thời gian tới các cấp chính quyền Lâm Đồng sẽ tập trung chỉ đạo các cấp các ngành phối kết hợp thực hiện các mục tiêu đề ra trong công tác phòng chống HIV;

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất ở các tuyến cơ sở để giảm tải người bệnh chuyển tuyến;  đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức  về công tác phòng chống HIV/AIDS,  góp phần cùng với cả nước tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.

Từ thực tế tại địa phương qua 2 năm thực hiện Chỉ thị số 07- CT/TW của Ban Bí thư, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất, kiến nghị với đoàn kiểm tra Trung ương một số nội dung; trong đó, có việc tăng cường năng lực trong hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến, bảo đảm nguồn nhân lực và nguồn kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiến tới chấm chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí xét nghiệm tải lượng virus HIV cho bệnh nhân đang điều trị ARV tại các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội triển khai các dự án phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Lâm Đồng.

Hỗ trợ trang thiết bị, vật tư cho các cơ sở điều trị Methadone; nâng cấp các cơ sở cấp phát thuốc (Trung tâm Y tế Đạ Tẻh, Lâm Hà và Bệnh viện Y học Cổ truyền Bảo Lộc) thành cơ sở điều trị thay thế Methadone và mở thêm các điểm cấp phát mới để nhiều bệnh nhân tham gia chương trình.

Thùy Chi

 

hiv
}
Top