Lan tỏa kiến thức phòng, chống HIV/AIDS đến với công nhân qua ứng dụng số

16/03/2023 08:09

(Chinhphu.vn) - Qua hơn 2 tháng triển khai, chuỗi sự kiện Safe-Zone đã giúp cho hàng nghìn công nhân lao động trên địa bàn TPHCM, đặc biệt là thanh niên có thêm hiểu biết, kiến thức và chuẩn bị tốt kỹ năng phòng tránh HIV/AIDS, bảo đảm an toàn tình dục, chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, người thân và cộng đồng.

Lan tỏa kiến thức phòng, chống HIV/AIDS đến với công nhân qua ứng dụng số - Ảnh 1.

Đông đảo công nhân hào hứng đăng ký tham gia chương trình "Safe Zone – Yêu an toàn". Ảnh: Thùy Chi

Trước thực trạng nhóm công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp ở TPHCM có dấu hiệu nhiễm HIV ngày càng tăng, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn, từ đầu tháng 1/2023 đến nay, nhiều chuỗi hoạt động sự kiện can thiệp Safe-Zone với chủ đề "Yêu an toàn" đã diễn ra sôi nổi tại TPHCM.

Với ứng dụng công nghệ kỹ thuật, bắt kịp xu hướng hiện đại, Trung tâm công tác xã hội công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM đã phối hợp với Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống Life và các tổ chức cộng đồng khác, đã tiếp cận hàng nghìn công nhân, mang kiến thức phòng, chống HIV/AIDS len lỏi trong các nhà máy, xóm trọ.

Đây là cơ hội cho những công nhân, người lao động tiếp cận trực tiếp, tìm hiểu các thông tin về căn bệnh HIV/AIDS, được cấp phát miễn phí những kit test xét nghiệm và các dụng cụ an toàn tình dục khác.

Anh Bùi Duy Tùng, cán bộ truyền thông và vận động chính sách - Tổ chức Life cho biết, các chuyên gia, bác sĩ không chỉ truyền tải những thông điệp về HIV/AIDS đơn thuần, mà thay vào đó là lồng ghép kiến thức chuyên môn với phương pháp tuyên truyền tinh tế, trực quan, sáng tạo và có tính tương tác cao như trò chơi, đố vui trúng thưởng, thực hành theo hướng dẫn và tiết mục lô tô vui nhộn…

Công nhân và người lao động cũng được hướng dẫn tải ứng dụng D.Heatlh 2.0 trên thiết bị điện thoại thông minh, để có thể dễ dàng kết nối các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV và chuyển gửi điều trị PrEP, ARV một cách chủ động, riêng tư, miễn phí. Bên cạnh đó, tích hợp cửa hàng dịch vụ tư vấn sức khỏe "một cửa" trực tuyến để khách hàng có nhu cầu có thể tương tác.

Anh Tùng cho biết, ứng dụng D.Health được giới thiệu đến đối tượng công nhân là trong một tính năng mới đó là có thể đặt hàng kit test tự xét nghiệm HIV với giá 0 đồng. Tức là công nhân có thể tự đặt hàng trên app, chúng tôi sẽ chuyển đến. Khách hàng nào cần sự hỗ trợ về hướng dẫn sử dụng, đọc kết quả hoặc các hướng dẫn tiếp theo thì các tổ chức cộng đồng cũng sẵn sàng để hỗ trợ.

Lan tỏa kiến thức phòng, chống HIV/AIDS đến với công nhân qua ứng dụng số - Ảnh 3.

Công nhân lao động nhiệt tình tham gia giao lưu, trả lời các câu hỏi trong chương trình. Ảnh: Thùy Chi

Ông Sa Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển cộng đồng Minh Quân (gọi tắt là Dome M for M) cho biết, các tổ chức cộng đồng như "Dome M for M" sẽ giới thiệu những thông tin, dịch vụ miễn phí mà các tổ chức dựa vào cộng đồng đang cung cấp tại TPHCM.

Sau các buổi sinh hoạt, các công nhân sẽ đến sử dụng dịch vụ nếu có nhu cầu. Các thao tác trên app được cải tiến, tinh giản linh hoạt để phù hợp với nhiều đối tượng, công nhân dễ dàng tiếp cận hơn.

Chị Bùi Nhung, nhân viên Công ty Vissan cho biết, để giúp cho công nhân lao động, đặc biệt là thanh niên có thêm hiểu biết, kiến thức và chuẩn bị tốt kỹ năng phòng tránh HIV/AIDS, bảo đảm an toàn tình dục, chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, người thân và cộng đồng, chị Nhung mong muốn có nhiều hơn những chương trình nâng cao kiến thức trong tương lai.

Bên cạnh đó, mở rộng hơn, qua các kênh Zalo, Facebook để có thể tiếp cận được với nhiều người hơn, có thêm kiến thức cho bản thân phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Lan tỏa kiến thức phòng, chống HIV/AIDS đến với công nhân qua ứng dụng số - Ảnh 4.

Bàn truyền thông tuyên truyền tại sự kiện. Ảnh: Thùy Chi

Qua những sự kiện này chị Nhung biết được địa chỉ để khi bản thân hay bạn bè, người thân nếu nhiễm HIV thì sẽ đến để khám. Do lo làm kiếm tiền nên trước đây chị Nhung ít tìm hiểu thông tin. Nhờ những chương trình thế này mà chị, bàn bè và các đồng nghiệp có cơ hội được tiếp cận, nâng cao kiến thức về HIV và các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm công tác xã hội Công đoàn, thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, sau những buổi truyền thông ở các khu trọ, nhà máy, đã có các công nhân gọi điện chia sẻ về tình huống nhiễm HIV của họ sau khi tự test tại nhà.

Cũng theo ông Huy, chuỗi hoạt động không chỉ dừng lại ở các buổi sinh hoạt trực tiếp, mà có ứng dụng số để công nhân có thể duy trì tìm hiểu kiến thức trên đó. Đối với những công nhân đã phát hiện bị lây nhiễm nhưng rất sợ sự kỳ thị và e ngại, thông qua mã QR, công nhân truy cập được kịp thời, tìm được địa chỉ để đến nhận cấp phát thuốc miễn phí.

Mô hình can thiệp Safe-zone là chương trình có ý nghĩa cần được nhân rộng và cần thêm sự chung tay của các cơ quan, ban ngành địa phương liên quan và các đối tác doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp. Từ đó lan tỏa những thông tin kiến thức sức khỏe bổ ích cần thiết cho người lao động, để họ chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, tiếp cận dịch vụ y tế định kỳ nhằm bảo vệ cho gia đình, cộng đồng.

Đặc biệt, mô hình cung cấp chia sẻ cho đông đảo đối tượng đích những công cụ ứng dụng công nghệ để họ có thể nâng cao hiểu biết và tiếp cận dịch vụ sức khỏe liên quan đến HIV một cách chủ động, hiệu quả và thường xuyên hơn.

Thùy Chi

Top