Lạng Sơn: Tập trung can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm đối tượng di biến động
(Chinhphu.vn) - Những năm qua, bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được kiểm soát, số lượng tử vong ngày càng giảm. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt trong nhóm đối tượng di biến động và nguy cơ cao nhiễm HIV.
Tình hình lây nhiễm mới HIV có xu hướng gia tăng
Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh có 3.145 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 937 trường hợp còn sống; 154/200 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV.
Giai đoạn 2019 - 2023, trung bình mỗi năm toàn tỉnh phát hiện 30,6 trường hợp nhiễm HIV mới, giảm 13,8 trường hợp so với bình quân giai đoạn 2014 - 2019 (44,4 trường hợp/năm). Mặc dù số người nhiễm trung bình hằng năm giảm so với giai đoạn trước, nhưng trong giai đoạn này, số người nhiễm mới lại tăng qua từng năm.
Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong những năm gần đây, tỉ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao đã giảm đáng kể và tỉ lệ chung trong cộng đồng được kiểm soát ở mức 0,21% (mục tiêu dưới 0,3%). Tuy nhiên, do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc tiếp cận xét nghiệm đối với nhóm nguy cơ cao và người bệnh tiếp cận với xét nghiệm tải lượng virus nên tình hình lây nhiễm mới HIV có xu hướng gia tăng, chuyển dịch nguồn lây, lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và xuất hiện nhiều ở nhóm người đi làm ăn xa, công nhân ở các khu công nghiệp.
Ghi nhận ở huyện Cao Lộc cho thấy, năm 2023, toàn huyện phát hiện 6 trường hợp dương tính với virus HIV, trong đó có 4 trường hợp là người dân đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, cả 4 trường hợp này đều bị nhiễm qua quan hệ tình dục. Cùng với Cao Lộc, tại một số huyện như Hữu Lũng, Văn Lãng, Tràng Định... cũng có đối tượng nhiễm mới là người dân đi làm công nhân ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh.
Đại diện Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng cho biết: Trong năm 2023, chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm đối với hơn 1.600 trường hợp và phát hiện 6 trường hợp dương tính với virut HIV, đều là công nhân trở về từ các khu công nghiệp.
Trên thực tế, trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện thì tỉ lệ người lây qua đường tình dục trên địa bàn tỉnh tăng lên một cách đáng lo ngại, từ 66,7% năm 2022 lên 92,7% năm 2023, trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm người đi làm ăn xa, công nhân ở các khu công nghiệp, không có đủ kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS.
Ông Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trước thực trạng số ca lây nhiễm HIV có xu hướng gia tăng ở nhưng người đi làm ăn xa, Trung tâm đã chủ động tham mưu Sở Y tế tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã tăng cường phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xét nghiệm HIV (thực hiện hằng tháng và cao điểm vào tháng 6 và tháng 12). Đồng thời, áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm cho những đối tượng có nguy cơ cao, tập trung vào những gia đình có người đi làm ăn xa.
Theo đó, các cơ sở y tế đã tăng cường tuyên truyền, chuẩn bị đầy đủ test nhanh xét nghiệm HIV và tư vấn xét nghiệm HIV cho các đối tượng có nguy cơ cao. Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ sở y tế đã phối hợp tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm cho trên 6.820 lượt người, phát hiện 5 trường hợp nhiễm HIV đưa vào quản lý, điều trị thuốc ARV, nâng tổng số bệnh nhân hiện đang quản lý điều trị ARV lên 823 người.
Đại diện Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc cho biết, trong năm 2023, Trung tâm đã tiến hành xét nghiệm HIV cho trên 700 trường hợp. Năm nay, để phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại nhất là ở đối tượng người đi làm ăn xa, trung tâm đã và đang tăng cường tuyên truyền, xét nghiệm HIV cho các đối tượng có nguy cơ cao, tập trung vào nhóm gia đình, đối tượng đi lao động ngoại tỉnh về địa bàn và các thời điểm thích hợp...
Tăng cường truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng
Trong thời gian tới, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động huy động cộng đồng, tăng cường phối hợp trong phòng, chống HIV/AIDS; thường xuyên can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao, nhất là người đi làm ăn xa, làm công nhân ở các khu công nghiệp.
Trong đó, các cơ sở y tế tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn nắm bắt danh sách những người đi làm ăn xa, làm công nhân ở các khu công nghiệp để đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao hiểu biết về HIV và vận động sử dụng các biện pháp can thiệp dự phòng như: cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí; phụ nữ mang thai phải khám thai định kỳ và làm xét nghiệm HIV... Từ đó, hạn chế nguồn lây, giảm số người mới nhiễm HIV, từng bước tiến tới mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông, đẩy mạnh công tác truyền thông phù hợp đến từng đối tượng.
Để phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả, truyền thông luôn đóng vai trò rất quan trọng, vì thông qua truyền thông góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về các nguy cơ, sự lây lan và các biện pháp phòng tránh, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời tăng kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, HIV tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong cả các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Vì vậy khoa đã tham mưu đơn vị tăng cường truyền thông, đặc biệt chú trọng đến các nhóm đối tượng đích, đến cộng đồng với hình thức đa dạng.
Trước tiên, các cấp, ngành, đoàn thể đã lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS vào các lĩnh vực sức khỏe và xã hội khác trong các sự kiện truyền thông, các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi… Nội dung truyền thông tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, việc truyền thông được chú trọng ở những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: người sử dụng ma túy, người bán dâm, bạn tình của người nhiễm HIV… Từ năm 2023, Sở Y tế tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức 4.331 cuộc truyền thông trực tiếp với trên 171.950 lượt người tham gia.
Song song với đó, những năm gần đây, ngành y tế đã đa dạng hóa phương thức truyền thông cho phù hợp với tình hình mới, đăng tải thông tin, thông điệp về HIV/AIDS qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Theo đó mỗi năm, các cơ sở y tế cập nhật, đăng tải hơn 100 bài viết tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên mạng xã hội thu hút hàng nghìn lượt người quan tâm, chia sẻ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 cơ sở xét nghiệm sàng lọc HIV bao gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn và 11 trung tâm y tế huyện, thành phố. 200/200 trạm y tế xã, phường thị trấn đều có cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS. Khi nghi ngờ có nguy cơ lây nhiễm HIV, người dân cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, làm xét nghiệm miễn phí và áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời.
Việc tăng cường tuyên truyền, chủ động xét nghiệm và nâng cao hiệu quả điều trị sẽ từng bước đẩy lùi HIV/AIDS, giúp người bệnh duy trì sức khỏe tốt, hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Thùy Chi