Bình Dương: Nâng cao hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhờ mô hình thí điểm mua sắm dịch vụ
(Chinhphu.vn) - Chương trình thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại Bình Dương không chỉ nhằm mục tiêu cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho các nhóm có nguy cơ cao mà còn hướng đến việc đa dạng hóa các đơn vị cung cấp dịch vụ, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Sáng kiến thí điểm mang tính đổi mới
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống lại đại dịch HIV/AIDS, đặc biệt là thông qua các sáng kiến và dự án thí điểm mang tính đổi mới. Một trong số những dự án thí điểm tiêu biểu và có ý nghĩa đặc biệt là dự án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2022-2024, trong đó có tỉnh Bình Dương triển khai rất hiệu quả.
Trong giai đoạn thí điểm, tỉnh Bình Dương đã chủ động chọn phương thức đấu thầu chào hàng cạnh tranh rút gọn, ký kết hợp đồng mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trọn gói với Doanh nghiệp xã hội (DNXH) Kết nối Trẻ. Điều này phần nào giảm bớt gánh nặng nguồn lực của ngành y tế công lập, đồng thời phát huy năng lực tiếp cận nhóm đối tượng khó tiếp cận của các tổ chức xã hội.
Trong khoảng thời gian 2 tháng thực hiện, DNXH Kết Nối Trẻ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tất cả các chỉ tiêu về xét nghiệm sàng lọc HIV, chuyển gửi làm xét nghiệm khẳng định, kết nối điều trị ARV và PrEP đều hoàn thành 100% so với cam kết. Trong đó, đơn vị đã tiến hành được 250 xét nghiệm sàng lọc, 26 ca chuyển gửi làm xét nghiệm khẳng định HIV, kết nối điều trị ARV cho 24 ca và kết nối điều trị PrEP cho 46 ca.
Đặc biệt, tỉ lệ thanh toán cho đơn vị này đạt 96% tổng giá trị hợp đồng ký kết, phần nào thể hiện sự cởi mở, đồng hành của chính quyền tỉnh Bình Dương với các tổ chức xã hội dân sự trong nỗ lực chung phòng, chống đại dịch HIV/AIDS.
Ths.Bs Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương chia sẻ: "CDC Bình Dương luôn nhìn nhận vai trò quan trọng của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là khả năng tiếp cận nhóm đối tượng khó tiếp cận mà lực lượng y tế công lập gặp khó khăn. Chính vì vậy, thí điểm mua sắm dịch vụ này là một mô hình mới mà chúng tôi ủng hộ".
Theo Bs Nguyễn Kiều Uyên, sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội và chính quyền sẽ tiếp tục được thúc đẩy, với quan điểm vì mục tiêu chung là đẩy lùi bệnh AIDS và bảo đảm cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn hiện hữu cần phải tháo gỡ.
Những trở ngại cần vượt qua
Một trong những khó khăn lớn nhất mà tỉnh Bình Dương gặp phải là khoảng thời gian triển khai hợp đồng ngắn, chỉ từ 24/7/2023 đến 30/9/2023 . Điều này khiến tổ chức Kết Nối Trẻ gặp không ít thử thách trong việc hoàn thành các chỉ tiêu về hỗ trợ tuân thủ điều trị 3 tháng cho khách hàng điều trị ARV và PrEP.
Cụ thể, trong khi đơn vị này đã hỗ trợ đạt 100% chỉ tiêu khách hàng ARV (24 ca), thì tỉ lệ đạt được với khách hàng PrEP chỉ là 41% (19/46 ca). Đơn vị đã phải xin gia hạn thanh toán đến hết 31/12/2023 cho các trường hợp chưa hoàn thành hỗ trợ này.
Bên cạnh yếu tố thời gian, tỉnh Bình Dương cũng gặp trở ngại không nhỏ liên quan đến hệ thống chính sách, quy định pháp lý cho lĩnh vực này. Theo đó, năm nay 2024, theo kế hoạch ban đầu, tỉnh dự định áp dụng phương thức đấu thầu cạnh tranh theo quy định của Luật Đấu thầu mới có hiệu lực từ đầu năm 2024. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các văn bản hướng dẫn cụ thể vẫn chưa được ban hành, khiến việc triển khai phương thức đấu thầu gặp khó khăn.
"Chúng tôi đã tính toán thực hiện đấu thầu nhưng gặp vướng mắc về mặt quy trình, thủ tục khi Luật mới ra đời nhưng văn bản hướng dẫn thi hành vẫn chưa kịp ban hành" - Bà Đỗ Thị Diễm Hằng – Cán bộ phụ trách chương trình Thí điểm HĐXH (CDC Bình Dương) chia sẻ.
Không chỉ vậy, tỉnh còn vấp phải một số khó khăn do một số văn bản pháp lý liên quan đã hết hiệu lực nhưng chưa được thay thế kịp thời. Điển hình như Thông tư 19/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn thẩm định trong lựa chọn nhà thầu đã hết hiệu lực từ đầu năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản mới thay thế.
Trước tình hình trên, tỉnh Bình Dương đã phải chuyển sang phương thức đặt hàng theo đơn giá cố định với các tổ chức xã hội để đảm bảo tiến độ đề án thí điểm. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn mang tính tạm thời và chỉ phù hợp với quy mô nhỏ. Nếu áp dụng phương thức này với quy mô lớn, sẽ gặp không ít khó khăn, thậm chí khó đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng. Qua đây cũng là kêu gọi các bộ, ngành liên quan sớm tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc mở rộng áp dụng các mô hình như thí điểm trên.
Cần nguồn lực lớn hơn để mở rộng triển khai
Bên cạnh những khó khăn về cơ chế, chính sách, nguồn lực hạn hẹp cũng là một trong những thách thức lớn mà tỉnh Bình Dương phải đối mặt.
"Nguồn ngân sách của tỉnh rất hạn hẹp trong khi nhu cầu can thiệp phòng, chống dịch lại rất lớn. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn các đơn vị tài trợ như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ hay các tổ chức phi chính phủ quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn về kinh phí" - Ông Tống Văn Nam – Giám đốc DNXH Kết Nối Trẻ cho biết.
Bất chấp những khó khăn, thách thức, tỉnh Bình Dương vẫn quyết tâm vượt qua và tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức xã hội. Điều này được thể hiện qua kế hoạch cụ thể cho năm 2024 với chỉ tiêu tăng gấp đôi so với năm 2023.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, tỉnh sẽ gấp rút triển khai các hoạt động như phê duyệt kế hoạch, đánh giá xét chọn và ký kết hợp đồng với các tổ chức xã hội đủ năng lực. Thời gian thực hiện hợp đồng cũng sẽ được kéo dài hơn, từ tháng 4 đến tháng 9/2024 để tạo điều kiện thuận lợi.
Bên cạnh đó, công tác tập huấn, nâng cao năng lực cũng sẽ được chú trọng để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các bên trong quá trình cung cấp dịch vụ. Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết một khóa tập huấn cho các tổ chức tham gia về quy trình thực hiện và quản lý hợp đồng đã được lên kế hoạch vào tháng 4 tới.
Mô hình đầy triển vọng này vẫn đang trong giai đoạn đầu thí điểm và chưa tránh khỏi những "khó khăn" nhất định. Tuy nhiên, với quyết tâm của chính quyền địa phương và tinh thần đồng hành của các tổ chức xã hội, giai đoạn mới sẽ là cơ hội để hoàn thiện và phát triển bền vững mô hình, hướng tới mục tiêu chung chấm dứt đại dịch HIV/AIDS một cách hiệu quả.
Nam Tống