Liên minh châu Âu ngăn chặn ma túy và đề xuất cho Việt Nam

18/08/2023 11:50

(Chinhphu.vn) - Với 27 quốc gia thành viên, Liên minh châu Âu (EU) có dân số trên 450 triệu người, với quy mô nền kinh tế khoảng 16.000 tỷ USD, chiếm 1/6 nền kinh tế thế giới. Đây là khu vực có nền kinh tế phát triển và ngày càng mở rộng quan hệ kết nối với phần còn lại của thế giới. Hiện tại EU đang có nhiều chính sách cởi mở hơn đối với vấn đề ma túy. Điều này đã và đang có những tác động nhất định đối với các quốc gia khác.

Liên minh châu Âu ngăn chặn ma túy và đề xuất cho Việt Nam - Ảnh 1.

Cảnh sát Séc thu giữ 646 kg cocain cất giấu trong lô chuối nhập khẩu từ Ecuador, ngày 13/8/2023

Tội phạm ma túy ở châu Âu gia tăng về quy mô, mức độ nghiêm trọng

Hiện nay, tình hình tội phạm ma túy ở châu lục này đang gia tăng về quy mô, mức độ nghiêm trọng, với phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. 

Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Cơ quan giám sát ma túy châu Âu, lượng ma túy bị thu giữ tại đây gia tăng trong giai đoạn 2011 - 2021. Năm 2021, toàn khối thu giữ số lượng kỷ lục 816 tấn nhựa cần sa và 256 tấn cần sa thảo mộc. Năm 2022, Cơ quan chức năng Pháp bắt giữ trên 37.000 đối tượng (tăng 4,7% so với năm 2021), thu giữ 158 tấn ma túy các loại, trong đó 75% số vụ bắt giữ được thực hiện trên các tuyến hàng hải. 

Tháng 3/2023, Cảnh sát Pháp phối hợp với Cảnh sát Hà Lan, Tây Ban Nha, Romania và Cơ quan hợp tác tư pháp châu Âu triệt phá đường dây tội phạm ma túy, rửa tiền, bắt giữ 22 nghi phạm cùng nhiều vật chứng liên quan. Năm 2022, Hà Lan bắt giữ 11.600 vụ, thu giữ 50 tấn ma túy, xét xử gần 12.000 bị cáo phạm tội về ma túy. Hà Lan hiện là "đại bản doanh" của các băng đảng kiểm soát nguồn cung ma túy đến từ Nam Mỹ.

Tội phạm ma túy có tổ chức hoạt động với quy mô lớn lan rộng từ khu vực Trung - Đông Âu sang Tây và Bắc Âu, tập trung ở các cảng biển lớn: Antwerp (Bỉ), Rotterdam (Hà Lan), Hamburg (Đức) và các cảng nhỏ ở Tây Ban Nha.

Các băng đảng tội phạm ma túy Nam Mỹ liên kết với "đồng nghiệp" ở bờ bên kia Đại Tây Dương làm gia tăng tình trạng bạo lực trong xã hội. Đối tượng tăng cường nghiên cứu, điều chế các chất ma túy mới, chất hướng thần có độ tinh khiết và hoạt lực cao dưới dạng bột hoặc viên nén khiến lực lượng chức năng và người sử dụng khó nhận biết, kiểm soát.

Các dạng heroin tổng hợp và tiền chất mới không nằm trong danh sách kiểm soát tiếp tục xuất hiện trên thị trường dược phẩm. Năm 2022, EU đã phát hiện, bổ sung 41 loại chất ma túy mới vào danh sách theo dõi, quản lý của Cơ quan giám sát ma túy châu Âu. Đáng chú ý, HHC (hexanhydrocannabinol) là cần sa bán tổng hợp được điều chế, mua bán và sử dụng thay thế cho cần sa hợp pháp ở nhiều nước trong khối.

Tội phạm lợi dụng tin nhắn mã hóa, công nghệ biến đổi gen tăng năng suất cây cần sa

Tội phạm ma túy lợi dụng hình thức viễn thông mã hóa để phạm tội gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh của các nước trong khối. Cảnh sát Đức đã mở cuộc cuộc điều tra về dịch vụ tin nhắn mã hóa EncroChat đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tội phạm ma túy lợi dụng công nghệ cao để hoạt động. 

Theo điều tra, với 16.000 địa chỉ email, 12 triệu tin nhắn, trên 200.000 hình ảnh và thông tin địa lý được gửi đi, Cảnh sát đã thực hiện 1.900 lệnh bắt giữ, thu giữ trên 500 khẩu súng, 9,5 tấn ma túy, đưa ra xét xử và kết án 600 đối tượng liên quan.

Đầu năm 2023, Cảnh sát châu Âu (Europol) phối hợp với Cảnh sát các nước truy quét hoạt động mua bán ma túy bất hợp pháp trên các trang "web đen" tại Mỹ, Brasil, Anh, Thụy Sỹ và các nước thành viên, bắt giữ 288 nghi phạm, thu giữ 850 kg ma túy các loại, 117 khẩu súng cùng nhiều vật chứng liên quan.

Đối tượng cất giấu ma túy trong container hàng hóa hợp pháp để vận chuyển vào các cảng ở châu Âu. Cocain bị thu giữ tại Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha chiếm ¾ khối lượng toàn EU, riêng tại cảng Antwerp (Bỉ) số cocain bị thu giữ đã tăng từ 91 tấn (năm 2021) lên 110 tấn (năm 2022).

Năm 2022, nổ ra xung đột Nga - Ukraine, đồng thời chính quyền Taliban ở Afghanistan ban hành chính sách cấm trồng cây thuốc phiện (nguồn cung heroin cho châu Âu) đã tác động đến nguồn cung và tuyến vận chuyển ma túy qua khu vực biển Đen, từ đó thúc đẩy xu thế nghiên cứu, sản xuất và sử dụng các loại ma túy tổng hợp và các tuyến đường khác thay thế. Đối tượng còn áp dụng công nghệ biến đổi gen tăng năng suất cây cần sa để bù lại số hàng bị thu giữ.

Trước tình trên, tháng 5/2023, Nghị viện châu Âu ra nghị quyết thành lập Cơ quan cảnh báo ma túy có chức năng giám sát sự gia tăng sử dụng ma túy bất hợp pháp, xây dựng đánh giá tác động của ma túy, nhất là các chất hướng thần mới tới sức khỏe và khuyến khích các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh trong khối. Kế hoạch hành động chung của được thông qua và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước trong và ngoài EU. 

Tháng 6/2023, Bỉ, Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và các nước Nam Mỹ thành lập liên minh chống tội phạm để chia sẻ thông tin, hợp tác chống nạn vận chuyển ma túy bất hợp pháp vào cảng biển lớn tại châu Âu. Từ năm 2021 đến nay, Bỉ huy động thêm lực lượng chức năng, lắp đặt hệ thống soi chiếu container ở cảng Antwept. Hà Lan cũng tăng thêm nhân sự, kinh phí cho hoạt động kiểm soát ma túy. Pháp tăng cường giám sát biên giới, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh bắt giữ đường dây ma túy hoạt động xuyên quốc gia.

EU điều chỉnh chính sách mới về ma túy, nhất là với cần sa (bao gồm kiểm soát cần sa bất hợp pháp, quy định sử dụng cần sa trong y tế, dược phẩm, mỹ phẩm). Séc, Đức, Luxemborg, Malta, Hà Lan xây dựng kế hoạch tiếp cận mới để điều chỉnh việc cung cấp cần sa cho mục đích giải trí, đồng thời giám sát chuỗi cung ứng gắn với xử lý nghiêm khắc đối với hành vi buôn lậu cần sa.

Liên minh châu Âu ngăn chặn ma túy và đề xuất cho Việt Nam - Ảnh 2.

Ma túy tổng hợp trà trộn trong kem đánh răng từ Pháp về Việt Nam

Nghiên cứu ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm

Tại Việt Nam thời gian qua, lực lượng chức năng thời gian qua đã triệt phá nhiều đường dây vận chuyển ma túy từ châu Âu về trong nước tiêu thụ qua tuyến đường hàng không, bưu điện chuyển phát nhanh. Điển hình là vụ 4 tiếp viên hàng không mang lô kem đánh răng từ Pháp về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, bên trong có chứa 11 kg ma túy tổng hợp (tháng 3/2023).

Các đối tượng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận tiếp viên hàng không, du học sinh, khách du lịch, lao động xuất khẩu hết hạn visa, người cư trú bất hợp pháp để trà trộn ma túy lẫn trong hàng hóa hợp pháp vận chuyển về nước.

Mặt khác, nước ta cũng chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm với nhiều nước châu Âu nên hoạt động chia sẻ thông tin, phối hợp đấu tranh chống tội phạm ma túy còn hạn chế.

Từ thực tế này, lực lượng chức năng nước ta cần đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ thông tin về hoạt động của tội phạm ma túy với Europol và Cảnh sát các nước EU để phối hợp đấu tranh bắt giữ. Các bộ, ngành cần nghiên cứu cơ chế đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm với các nước.

Với việc Cơ quan giám sát ma túy châu Âu bổ sung 41 chất ma túy mới vào danh mục theo dõi, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ quy định của EU, đánh giá tính chất, tác hại để bổ sung các chất này vào Danh mục các chất ma túy và tiền chất của Việt Nam.

Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp trang thiết bị soi chiếu hiện đại để kiểm soát người, hàng hóa ở sân bay, cửa khẩu, cảng biển quốc tế; kiểm soát chặt chẽ hành lý của thành viên tổ bay, thủy thủ tàu viễn dương, nhân viên công ty kinh doanh dịch vụ bưu điện chuyển phát nhanh nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời nguồn ma túy vận chuyển từ nước ngoài vào trong nước.

Kim Long

Top