Long An: Gia tăng số người nhiễm mới HIV trong nhóm MSM
(Chinhphu.vn) - Trong 2 ngày (1-2/8/2022), Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức đưa đoàn phóng viên đi thực tế tại Long An nhằm tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng như huy động sự ủng hộ của người dân trong triển khai các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
Đoàn công tác do Ths. Bs. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn công tác có các phóng viên đến từ 15 cơ quan báo chí Trung ương.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh phát hiện 4.880 người nhiễm HIV (trong đó 1.578 người tử vong), số bệnh nhân còn sống đang quản lý tại cộng đồng là 3.889 (trong đó ngoại tỉnh là 620 người). Hiện địa phương có 3.003 người được đang được điều trị thuốc kháng ARV.
Nhận định tình hình dịch HIV/AIDS ở Long An cho thấy, dịch tập trung ở Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP Tân An. Xu hướng quan hệ tình dục đang là đường lây chính. So sánh về đường lây nhiễm HIV trong quan hệ tình dục không an toàn và tỉ lệ lây truyền qua đường máu cho thấy, tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm tình dục có chiều hướng gia tăng, tỉ lệ lây nhiễm qua đường truyền máu giảm.
Cụ thể, năm 2018, tỉ lệ lây nhiễm qua đường máu là 36,3% thì năm 2021 giảm xuống 5,3%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉ lệ này là 6,6%. Tỉ lệ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn tăng từ 63,4% vào năm 2018, năm 2019 là 79,2%, và năm 2021 là 94,7%. Đáng lưu ý, số người nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có chiều hướng gia tăng, năm 2018 số người nhiễm trong nhóm MSM là 16,2% thì năm 2021 tăng đến 69,9%. Riêng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, số người nhiễm HIV trong MSM được phát hiện là 67,9%.
Ths Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An cho biết, nguyên nhân những năm gần đây địa phương phát hiện ra lây nhiễm HIV tăng cao trong nhóm MSM là do nhóm này "ở ẩn", rất khó tiếp cận vì do lo sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Họ đã không lộ diện nên khó phát hiện ra bệnh. Nhưng những năm gần đây, nhờ được một số dự án tài trợ, hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tập trung vào nhóm này như dự án EPIC do PEPFA (Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS), dự án Quỹ toàn cầu, nên số người nhiễm HIV trong nhóm MSM đã "lộ diện" nhờ được nâng cao kiến thức, nhờ thực hiện các hoạt động, biện pháp can thiệp giảm hại…
Cụ thể, hiện Long An có 7 Phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC), trong đó có 4 cơ sở thuộc dự án EPIC; 8 cơ sở điều trị PrEP thì trong đó có 6 cơ sở được dự án tài trợ, ngoài ra dự án còn hỗ trợ điều trị lao, viêm gan C, cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV tại VCT, hoạt động tiếp cận cộng đồng và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
ThS. Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tại Long An, dự án EPIC được triển khai từ năm 2018 đã hỗ trợ nguồn lực cho Long An một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện các mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện) trong phòng, chống HIV/AIDS. Cơ bản đến tháng 6/2022, ngành y tế Long An đạt được các chỉ tiêu đã đặt ra, điển hình là chỉ tiêu PrEP và chỉ tiêu K=K đạt được theo tiến độ của dự án.
Đối với mục tiêu 95-95-95, ước tính đến tháng 6/2022, Long An đã triển khai thực hiện và đạt được tỉ lệ 88,4% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh; 91,9% bệnh nhân hiện đang được điều trị ARV và 98,3% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Về kết quả điều trị PrEP, tính đến tháng 6, số khách hàng hiện đang điều trị là 781 người.
Trong quá trình thực hiện dự án EPIC, Long An có nhiều thuận lợi do kế hoạch dự án hàng năm được xây dựng bám sát vào nhu cầu tình hình thực tế của tỉnh; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực; trang thiết bị; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật; triển khai nhiều mô hình/sáng kiến mới: PNS, SNS, cung cấp test tự xét nghiệm, đáp ứng y tế công cộng, trang web tự xét nghiệm…; chính sách chi trả các hoạt động theo hiệu suất điều trị HIV, tìm ca… Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn về một số gói mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, trang thiết bị triển khai chậm trễ do chưa có kinh nghiệm trong mua sắm đấu thầu; một số ít các hoạt động mới chưa được hướng dẫn cụ thể về chứng từ thanh quyết toán; chính sách về tài chính của dự án thay đổi hàng năm; thiếu nhân sự…
Để dự án EPIC đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An đề xuất, tiếp tục hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV và xét nghiệm tải lượng HIV qua BHYT; mở rộng hỗ trợ theo hiệu suất cho 100% OPC trên địa bàn; xem xét đấu thầu, mua sắm tập trung tại dự án EPIC trung ương và phân phối về tỉnh sử dụng…
Long An mong muốn được dự án EPIC tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong thời gian tới để tỉnh có thể mở rộng đối tượng hưởng lợi, hỗ trợ cho những người chưa thuộc đối tượng trong dự án, đồng thời để các đơn vị có hoạt động điều trị đều được hỗ trợ nhằm tăng hiệu quả hoạt động điều trị HIV và giảm thiểu số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Long An.
Thùy Chi