“Mái ấm gia đình” của những trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi

20/01/2023 09:22

(Chinhphu.vn) - Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đóng tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì) là đơn vị duy nhất của TP. Hà Nội thực hiện chức năng nuôi dưỡng tập trung trẻ em nhiễm HIV có hoàn cảnh đặc biệt. Đây cũng được coi là “mái ấm gia đình” của nhiều trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi.

“Mái ấm gia đình” của những trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi - Ảnh 1.

Chương trình "Tết cho em" với nhiều trò chơi, hoạt động sôi nổi cho các trẻ nhiễm HIV tham gia tại cơ sở.Ảnh: Thùy Chi

Hơn 20 năm đồng hành với trẻ nhiễm HIV

Sau hơn 20 năm được giao nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ (từ năm 2001 đến nay), Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội đã trở thành mái ấm gia đình của hàng trăm trẻ nhiễm HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh thế kỷ bị mất nguồn nuôi dưỡng ngoài cộng đồng.

Trong những năm vừa qua, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội và trẻ em nhiễm HIV sinh sống tại đây luôn nhận được sự quan tâm về nhiều mặt của các cơ quan chức năng và người dân trong cộng đồng. Nhờ đó, những trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được học tập, sinh hoạt, vui chơi trong không gian khang trang, thân thiện, tiện ích. 100% trẻ trong độ tuổi được đi học theo chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp.

Về chăm sóc sức khỏe, các trẻ nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ thuốc điều trị bệnh, được đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại cơ sở chăm sóc 24/24 giờ, nên mọi loại bệnh đều được phát hiện, điều trị kịp thời.

Để thực hiện tốt hơn việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có HIV, đội ngũ cán bộ, nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, trực tiếp là những cán bộ Phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn quan tâm, yêu thương các cháu bằng tấm lòng của những người bố, người mẹ, bằng trách nhiệm của những người làm nghề công tác xã hội.

Việc chăm sóc cho trẻ nhiễm HIV, đặc biệt là trẻ sơ sinh nhiễm HIV vất vả hơn nhiều so với trẻ bình thường rất nhiều bởi sức đề kháng của trẻ yếu, thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, và khi mắc bệnh thường sẽ lâu khỏi hơn. Do đó khi cho trẻ ăn đòi hỏi các mẹ nuôi và cán bộ phải quan tâm, chịu khó và kiên trì hơn so với trẻ con thông thường. Ngoài ra, trẻ sơ sinh nhiễm HIV dễ nhiễm các bệnh ngoài da nên khi vệ sinh, điều trị và cho trẻ uống thuốc cũng phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ.

Hàng ngày, các trẻ được các mẹ nuôi (cán bộ nữ của cơ sở) chăm sóc rất chu đáo, cẩn thận. Có rất nhiều đêm các mẹ nuôi phải đồng hành, cả đêm thức trắng để chăm sóc trẻ khi trẻ bị ốm, bệnh. Thậm chí, khi phải nhập viện, các mẹ nuôi cũng theo cùng trẻ vào bệnh viện để chăm sóc trẻ. Do đó, họ được ví như người mẹ thứ hai, người mẹ dành tình thương yêu thực sự giành giật từng ngày sống của các em nhỏ trước tử thần. Bởi thêm một ngày các em được sống khỏe mạnh như thêm một món quà, thêm một niềm vui đối với những người mẹ nơi đây.

“Mái ấm gia đình” của những trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi - Ảnh 3.

Trao quà cho đại diện trẻ nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Chính vì những tình cảm trân quý của các mẹ nuôi mà có rất nhiều trẻ nhiễm HIV đã coi cơ sở này là gia đình, là nhà của mình. Nhiều trẻ khi trưởng thành, hòa nhập xã hội những nhiều trẻ vẫn về với Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội thăm những người bố, người mẹ thứ hai, thăm anh, chị, em đồng cảnh.

Gần 51 nghìn trẻ được khám và cấp thuốc nhiễm trùng cơ hội

Ông Hoàng Văn Luật, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cho biết, hiện tại cơ sở vẫn đang nuôi dưỡng và chăm sóc 56 người nhiễm HIV; trong đó có 36 trẻ và 20 người nhiễm HIV trên 18 tuổi.

Tại cơ sở, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc HIV là một hoạt động nằm trong chương trình theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học viên được Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội tổ chức thường niên. Trong năm 2022, cơ sở đã tổ chức khám chữa bệnh điều trị ARV cho 2.618 lượt trẻ, khám và cấp thuốc nhiễm trùng cơ hội cho 50.756 lượt trẻ. Hiện nay có 56 trẻ đang điều trị ARV, không có trẻ nào mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và các bệnh khác, sức khỏe trẻ ổn định, đủ điều kiện tham gia các hoạt động học tập, vui chơi.

Bên cạnh việc bảo đảm điều trị bền vững, công tác chăm sóc và thực hiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ tại cơ sở luôn được bảo đảm dưỡng chất cần thiết, hợp vệ sinh, thực đơn phong phú và đúng chế độ theo quy định.

“Mái ấm gia đình” của những trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Xuân Bắc tham gia Chương trình "Giáng sinh Trao yêu thương – Nhận hạnh phúc" với trẻ nhiễm HIV/AIDS tại cơ sở. Ảnh: Thùy Chi

Không gian sinh hoạt của trẻ cũng được quan tâm kỹ lưỡng, dọn dẹp vệ sinh hàng ngày gọn gàng sạch sẽ; thường xuyên cải tạo cảnh quan môi trường sống của trẻ nhằm đạt tiêu chí xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Hiện có 45 cháu đang đi học tại các nhà trường, trong đó 3 cháu học Phổ thông trung học, 15 cháu học Trung học cơ sở, 9 cháu học tiểu học, 5 trẻ học Đại học, cao đẳng và một số trường đào tạo nghề tại Hà Nội, 13 trẻ học nghề công tác xã hội do trường Cao đẳng Giao thông VTTW1 tổ chức đào tạo tại cơ sở.

Do những trẻ nhiễm HIV là những trẻ dễ bị tổn thương, do đó cơ sở tăng cường tập huấn, giáo dục về hành vi, tâm sinh lý, giới tính, các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ; phối hợp các tổ chức nước ngoài như PSPI và WWO cho trẻ tham dự các hoạt động dã ngoại, hội trại,... giúp trẻ hình thành, phát tiển nhân cách, hành vi các kỹ năng cộng đồng xã hội.

Đồng thời, tổ chức tư vấn, định hướng học nghề và làm nghề phù hợp cho số trẻ trên 18 tuổi đã tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nghiệp các cấp học; duy trì lớp hướng nghiệp, học nghề và làm nghề cho trẻ em từ 16 tuổi trở lên không tham gia học các cấp; tăng 8 cường tìm kiếm cơ hội và tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm hòa nhập cộng đồng; giúp trẻ năng động, hòa nhập và tự tin hơn trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn trẻ cách phòng chống dịch bệnh và tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh. Tập trung công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ thông qua các hoạt động rèn luyện thể chất, các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao, giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất, lẫn tinh thần.

Bảo đảm Tết ấm áp, tràn ngập yêu thương cho trẻ nhiễm HIV

Ông Hoàng Văn Luật cho biết, để các trẻ nhiễm HIV, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được sống vui, sống khỏe như những trẻ bình thường khác, cơ sở rất chú trọng tổ chức các sự kiện nhân dịp lễ, Tết, điển hình như Tết thiếu nhi, giáng sinh, Tết Nguyên đán. Điển hình, mới đây nhân dịp Giáng sinh, cơ sở cũng đã phối hợp tổ chức Chương trình "Giáng sinh Trao yêu thương – Nhận hạnh phúc" cho các trẻ nhiễm HIV/AIDS. Chương trình còn có sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến để chung vui cùng các em.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cơ sở cũng tổ chức rất nhiều hoạt động sôi nổi, lành mạnh cho trẻ tham gia như: Hoạt động gói bánh chưng; đón giao thừa; hoạt động du xuân và các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian tại cơ sở…

Các hoạt động nhằm tuyên truyền đến trẻ về phong tục, tập quán, bản sắc dân tộc Việt Nam về Tết Nguyên đán cổ truyền. Đồng thời, tạo không khí vui tươi phấn khởi, san sẻ yêu thương để tiếp thêm động lực cho trẻ tiếp tục sống vui khỏe, học tập tốt, hòa nhập với cộng đồng để cống hiến cho xã hội trong tương lai.

“Mái ấm gia đình” của những trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi - Ảnh 5.

Nhân dịp Tết Nguyên đán, trẻ được tham gia hoạt động học gói bánh chưng và nấu bánh chưng để đón Tết. Ảnh: Thùy Chi

Thông qua các hoạt động, cơ sở còn muốn tuyên truyền để nâng cao ý thức về trách nhiệm xã hội với những người yếu thế, đặc biệt là trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Trong đời sống, cùng với việc được nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị phục hồi sức khỏe, trẻ em nhiễm HIV rất cần sự kết nối với cộng đồng để giúp trẻ được thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em, được thụ hưởng các quyền được bảo vệ của trẻ em. Đây chính là chìa khóa để trẻ nhiễm HIV tự tin hòa nhập.

Mỗi trẻ nhiễm HIV khi đến với Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, nhưng tất cả được yêu thương, chăm sóc, giáo dục toàn diện giống nhau. Và chính điều này sẽ giúp cho các trẻ dần quên đi những nỗi buồn, và nhân niềm vui, hạnh phúc lên theo từng ngày từng tháng.

Thùy Chi

hiv
}
Top