Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang – ‘Cánh tay nối dài’ hỗ trợ hệ thống y tế trong phòng, chống HIV

15/06/2024 08:56

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang giảm mạnh, vai trò của các Mạng lưới tổ chức cộng đồng ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính hiện nay Việt Nam phát hiện khoảng 250.000 người đang sống chung với HIV. Đáng lưu ý, 80% các trường hợp nhiễm HIV mới thuộc nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM). Đáng báo động tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm này tăng rõ rệt trong những năm gần đây. Giám sát trọng điểm năm 2022 chỉ ra tỉ lệ hiện nhiễm trong nhóm này là 12,5% tăng nhanh so với năm 2012 chỉ là 4%. Một số địa phương người nhiễm HIV mới được phát hiện có tới hơn 50% là nhóm MSM và MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hằng năm trong thời gian tới.

Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang – ‘Cánh tay nối dài’ hỗ trợ hệ thống y tế trong phòng, chống HIV- Ảnh 1.

Xét nghiệm sàng lọc HIV trong cộng đồng. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Thời gian qua, ngành y tế đã đạt được nhiều thành quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Điển hình, Việt Nam là quốc gia triển khai tốt các hoạt động can thiệp giảm hại do HIV/AIDS gây ra: Phân phát và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt gần đây tập trung nhiều các can thiệp cho nhóm MSM. Mỗi năm, hàng chục triệu bơm kim tiêm và bao cao su được cấp phát miễn phí.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu số người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone cũng đã được mở rộng ở tất cả các tỉnh, thành phố. Hiện đã có hơn 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng methadone. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) cho hơn 40.000 khách hàng. Điều này giúp giảm đáng kể việc lây nhiễm HIV trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Thời điểm cao nhất đỉnh dịch (vào những năm 2000) tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy ở nước ta khoảng xấp xỉ 30% thì đến nay chỉ còn khoảng hơn 10%.

Trong công tác xét nghiệm sàng lọc HIV: Đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV; bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 28 tỉnh/thành phố trên cả nước. Mỗi năm có tới hơn 1 triệu test HIV được triển khai, không chỉ ở hệ thống y tế mà ở cả cộng đồng và do chính các tổ chức cộng đồng thực hiện…

Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự tham gia của cả hệ thống chính trị, ngành y tế, còn có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội. Nhờ hoạt động tích cực, trong suốt hơn 30 năm qua các tổ chức xã hội ở Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, các tổ chức xã hội đã tích cực trong vận động, hoàn thiện chính sách nhằm nâng cao năng lực cũng như hiệu quả triển khai các công tác phòng, chống dịch: Ở cấp độ quốc tế và khu vực, các tổ chức xã hội tham gia vào các diễn đàn khu vực và quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS, góp thêm tiếng nói trong nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu toàn cầu về tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ về HIV và thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững.

Tại An Giang, hiện có khoảng 7.700 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng. Tại tỉnh An Giang, năm 2023, toàn tỉnh phát hiện 560 người mắc HIV, 158 trường hợp tử vong do AIDS. Dịch HIV đang gia tăng tại đây, đặc biệt ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới. HIV đang gia tăng nhanh trong nhóm MSM trẻ, ở độ tuổi 15-30.

Bên cạnh những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của ngành y tế An Giang thì cộng đồng xã hội cũng đã có nhiều đóng góp để chung tay giảm thiểu số ngườinhiễm mới HIV trong nhóm MSM tại An Giang. Là một trong những tấm gương tiêu biểu hoạt đồng vì cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Trương Hoàng Bảo Ngọc - Trưởng Ban điều hành Mạng lưới cộng đồng LGBT đầu tiên ở tỉnh An Giang – nhóm tổ chức xã hội hoạt động vì cộng đồng (CBO) đã có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

LGBT là tên viết tắt các chữ cái đầu của một cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và người chuyển giới (Transgender).

Hành trình vượt qua định kiến trở thành người có ích cho xã hội

Là một người rất năng động và nhiệt tình với công việc. Hiện Ngọc là "thủ lĩnh" Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang - một địa chỉ hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe, việc làm cho người LGBT ở địa phương. Ngọc cũng là Fouder Team Community You&Me – một nhóm cộng đồng lãnh đạo trẻ.

Để có thể làm công tác cộng đồng, hỗ trợ cho những người ở giới tính thứ ba được quyền sống và làm việc, được sống với giới tính thật của mình Bảo Ngọc đã phải vượt qua rất nhiều định kiến trong xã hội lẫn trong gia đình.

Ngọc sinh ra trong một gia đình công giáo, bố mẹ làm kinh doanh. Là con trai, nhưng từ nhỏ, Ngọc chỉ thích chơi búp bê, chơi cùng bạn nữ. Khi đi học, Ngọc cũng không thích chơi với các bạn nam. Đặc biệt, Ngọc chỉ muốn đi vệ sinh ngồi như các bạn nữ và rất ngại đi vệ sinh với các bạn nam, dù chính em cũng chẳng hiểu tại sao.

Thấy Ngọc có vẻ ngoài yếu đuối và ẻo lả, mọi người cứ hay gọi Ngọc "bê đê", "bóng". "Lúc đấy, Ngọc rất ghét ai gọi mình như thế. Vì Ngọc thấy những người bị gọi là "bê đê", là "bóng" đều bị kỳ thị, bị cô lập và phải sống lang thang, cô đơn" - Ngọc tâm sự.

Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang – ‘Cánh tay nối dài’ hỗ trợ hệ thống y tế trong phòng, chống HIV- Ảnh 2.

Bảo Ngọc (áo trắng) tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng MSM. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Học cấp 2, cũng là vào tuổi dậy thì, Ngọc hoảng sợ khi thấy mình chỉ thích con trai, thay vì thích con gái. Ngọc sợ gia đình, thầy cô và mọi người biết. Ngọc đành cố thử tiếp xúc gần với con gái nhưng mọi thứ vẫn vô nghĩa… Thấy con trai ẻo lả, nhiều biểu hiện như con gái, cho rằng con đua đòi mới thế, nên ba mẹ đã đánh Ngọc rất nhiều.

Học xong cấp 3, Ngọc đã có một mối tình "thử" với một bạn đồng tính nam. Nhưng, Ngọc nhận ra rằng, Ngọc chỉ yêu "trai thẳng". Ngọc muốn được sống như một người con gái, để có thể thổ lộ tình cảm với những bạn "trai thẳng".

Bước vào tuổi 20, Ngọc quyết định để tóc dài và mặc đồ nữ, để thực hiện khát khao được sống đúng với giới tính thật của mình. Bị ba mẹ đánh đập, Ngọc bỏ nhà đi và nỗi buồn sâu đậm đến mức, nhiều năm liền Ngọc không liên lạc với gia đình. Cuộc sống của Ngọc bắt đầu hoàn toàn thay đổi.

Để kiếm sống, Ngọc phải bươn chải từ Nam ra Bắc, làm đủ nghề, từ phục vụ, bán hàng, nhân viên spa, quán karaoke, quán bar… miễn có tiền và được sống hạnh phúc.

Nhưng có lần đi máy bay từ Hà Nội về TPHCM, Ngọc đã bị giữ lại kiểm tra gần 2 giờ chỉ vì ảnh và tên trên giấy tờ tùy thân khác với hình dáng bên ngoài. Vì thế, hiện Ngọc đã đổi tên trên giấy tờ từ Trương Hoàng Thành thành Trương Hoàng Bảo Ngọc, nhưng giới tính vẫn là nam, do Luật Chuyển đổi giới tính chưa được thông qua…

Những tháng ngày lang thang, Ngọc gặp một số người cùng cảnh, nên đã gom lại sống chung để hỗ trợ lẫn nhau, rồi tạo thành một cộng đồng LGBT An Giang từ năm 2015.

Ngọc tâm sự, với những người ở giới tính thứ ba gặp rất nhiều trở ngại từ sự kỳ thị từ ở gia đình lẫn xã hội, nên họ luôn phải nỗ lực rất lớn vì cần phải lo được cho bản thân rồi mới nghĩ tới việc lo cho nhiều người khác.

Những năm qua, Ngọc và các bạn của Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang đã nỗ lực để làm được điều này và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ, phòng chống HIV/AIDS tới nhiều người khác. Từ năm 2015, Ngọc gặp một số người cùng hoàn cảnh và tâm lý nên đã cùng nhau tạo nên mạng lưới để hỗ trợ lẫn nhau, rồi tạo thành một cộng đồng LGBT An Giang.

Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang xác định mục tiêu mong muốn tạo ra một cộng đồng hiểu biết về HIV, được nâng cao năng lực, được trao quyền và hỗ trợ trong dự án dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV, Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP+) triển khai hoạt động khảo sát nhu cầu này nhằm xác định những vấn đề xung quanh sự hiểu biết về HIV mà cộng đồng những người sống với HIV đang gặp phải.

Năm 2023, nhóm đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ cộng đồng, như chuỗi hướng nghiệp "Trái giới, Trái ngành" lồng ghép các kiến thức tính dục an toàn cho các bạn LGBT trẻ tuổi ở huyện Tịnh Biên, Tân Châu và thành phố Long Xuyên. Nhóm của Bảo Ngọc còn kêu gọi gây quỹ "Đem yêu thương đến trẻ em vùng biên giới" hỗ trợ các em bé nghèo tại khu vực biên giới.

Từ tháng 8/2023, với sự hỗ trợ từ Phòng khám Đa khoa Mỹ Thạnh, Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang đã có một văn phòng đại diện nho nhỏ làm địa chỉ hỗ trợ, tư vấn các vấn đề về sức khỏe cho người LGBT.

Ngọc chia sẻ để có được một văn phòng đại diện như ước mơ, hàng tháng, Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang tổ chức họp mặt để hỗ trợ lẫn nhau, nhất là những người không có nhà. Biết các bạn LGBT thường bỏ học sớm do bị kỳ thị, nên Mạng lưới thường tổ chức hướng nghiệp cho các bạn trẻ.

Hằng tháng, Mạng lưới cũng tổ chức trao đổi chủ đề về phòng, chống HIV/AIDS, mời đại diện CDC tỉnh An Giang hay Trung tâm y tế thành phố Long Xuyên, những người có chuyên môn đến chia sẻ kiến thức về y tế. Vì vậy, nhóm LGBT đều có kiến thức tốt để tránh lây nhiễm HIV trong bối cảnh HIV từ nhóm MSM đang là nguy cơ lớn nhất.

Bảo Ngọc cho hay, nhóm tổ chức nhiều chương trình vui chơi gắn với nội dung phòng, chống HIV/AIDS cho CBO các tỉnh miền Tây. Điều mừng nhất là với nỗ lực tự khẳng định của từng thành viên, gia đình nhiều bạn LGBT đã không chỉ thông cảm mà còn tham gia và hỗ trợ cho hoạt động của Mạng lưới. Tuy nhiên, Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang cũng gặp nhiều khó khăn, khi không có tư cách pháp nhân, không kết nối được với các doanh nghiệp xã hội và rất khó để truyền thông về cách sử dụng thuốc PrEp dự phòng HIV ở các khu công nghiệp, vùng sâu, biên giới.

Nhờ những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, chịu khó học hỏi, làm việc, Ngọc đã có được công việc và vị trí tốt, kinh tế ổn định. Ngọc còn dành nhiều thời gian để hoạt động vì cộng đồng vì Ngọc muốn chia sẻ, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống, tham gia công tác vì cộng đồng để hướng tới đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS.

Ngọc hạnh phúc chia sẻ: "Giờ đây gia đình hỗ trợ em rất đắc lực để giúp em hoàn thành tốt sứ mệnh vì cộng đồng. Bố mẹ em rất tự hào vì những nỗ lực của em. Bố mẹ em thường đến ủng hộ các sự kiện do em tổ chức và bố mẹ cũng chính là chỗ dựa tinh thần để em quên hết mệt mỏi mỗi khi làm việc vất vả".

Mở rộng mạng lưới các tổ chức xã hội vì cộng đồng

Bác sĩ Dương Anh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh An Giang nhận định, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trở lại vì địa bàn rộng, có đường biên giới dài, giáp ranh với nhiều tỉnh, nên việc kiểm soát, giám sát vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, trong 2 năm qua, An Giang còn xảy ra tình trạng thiếu sinh phẩm xét nghiệm HIV do công tác đấu thầu, mua sắm chậm, làm ảnh hưởng đến hoạt động xét nghiệm tìm ca nhiễm mới và điều trị dự phòng PrEP, cũng như điều trị HIV.

Xác định còn rất nhiều khó khăn trong phòng, chống dịch, bác sĩ Dương Anh Linh bày tỏ, quan trọng nhất trong thời gian tới là CDC tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. CDC tỉnh cũng đang nỗ lực tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho cộng đồng MSM, tiếp cận viên, đồng đẳng viên; mở rộng mạng lưới các CBO.

An Giang là địa phương có 2 khu công nghiệp với khoảng 20 nghìn công nhân, nhưng việc tiếp cận nhóm các bạn trẻ tại các khu công nghiệp chưa khả thi do CDC tỉnh chưa có được sự kết nối được với các doanh nghiệp. CDC An Giang đang đề xuất can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại các khu công nghiệp cho những người công nhân, lao động nhằm ngăn chặn lây nhiễm mới HIV trong nhóm này….

Một trong những thách thức với tỉnh này đó là hiện An Giang chưa huy động được sự tham gia mạnh mẽ của y tế tư nhân, nhà thuốc, doanh nghiệp xã hội, đồng đẳng viên vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong khi nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị hạn chế. Những khó khăn trên là thách thức rất lớn để An Giang đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Theo đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, Việt Nam không thể bỏ qua vai trò của mạng lưới CBO. Sự hợp tác chặt chẽ, khả năng truyền thông và vận động chính sách, cùng với tiềm năng thích ứng trong bối cảnh mới là những thế mạnh giúp các CBO trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng, chống HIV/AIDS quốc gia. Các CBO có thể tiếp tục duy trì các dịch vụ thiết yếu như tư vấn xét nghiệm, chăm sóc hỗ trợ, và giám sát dịch ngay cả khi nguồn lực bị hạn chế. Hiện nay, các CBO không chỉ là cầu nối giữa cộng đồng và dịch vụ y tế, mà còn là chìa khóa để Việt Nam đạt được và duy trì thành quả kiểm soát dịch HIV một cách bền vững.

Kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 cho thấy sức mạnh của mạng lưới CBO. Khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng, nhiều người có HIV gặp khó khăn trong việc tiếp cận thuốc ARV. Các mạng lưới CBO đã nhanh chóng huy động tình nguyện viên, phối hợp với cơ sở y tế địa phương để cung cấp thuốc tận nhà cho bệnh nhân. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời này, hàng nghìn người nhiễm HIV đã không bị gián đoạn điều trị trong thời gian giãn cách.

Bên cạnh đó, mạng lưới CBO còn có thể huy động sự tham gia của khu vực tư nhân và nguồn lực xã hội hóa, tạo ra một hệ sinh thái đa dạng và bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, các tổ chức cộng đồng tại Việt Nam hiện ngày càng có vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình ứng phó với đại dịch HIV/AIDS, chung tay góp phần kiểm soát bệnh dịch HIV/AIDS. Sự hình thành và hoạt động của các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng thực sự đã góp phần thúc đẩy phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường hiệu quả của các hoạt động chăm sóc, điều trị, tư vấn, truyền thông trong cộng đồng, trở thành cầu nối hoạt động thực tiễn trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. 

Các nhóm cộng đồng, mạng lưới và doanh nghiệp xã hội, không chỉ cung cấp các dịch vụ can thiệp giảm hại, như: Truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chuyển gửi khách hàng tiếp cận dịch vụ thích hợp… thời gian gần đây các tổ chức xã hội còn cung cấp các dịch vụ khác như: Tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá nhằm hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Đặc biệt, nhiều tổ chức cộng đồng lớn mạnh đã thành lập doanh nghiệp xã hội và có tư cách pháp nhân. Các phòng khám tư nhân do các doanh nghiệp xã hội lập ra có ưu thế vượt trội, kết nối và trợ giúp được rất nhiều khách hàng e ngại dịch vụ y tế công.

Thùy Chi

hiv
}
Top