Để kỳ thị, phân biệt đối xử không còn là rào cản trong cung cấp dịch vụ HIV
(Chinhphu.vn) - Ông Eamonn Murphy, Giám đốc UNAIDS khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh, kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV là những rào cản quan trọng trong cung cấp dịch vụ HIV. Việc xóa bỏ tất cả các hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV là nền tảng để đạt được các Mục tiêu và chỉ tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030, bao gồm cả việc chấm dứt dịch bệnh AIDS.
Từ ngày 4-7/6, tại Thái Lan, Văn phòng Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phối hợp với Mạng lưới người sống với HIV châu Á -Thái Bình Dương (APN+) và Nhóm y tế và HIV của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Trung tâm khu vực Bangkok tổ chức hội thảo khu vực Đông Nam Á về kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV "Tiến bộ, thách thức và cơ hội trong môi trường tư pháp".
Hội thảo có sự tham gia của đại biểu đến từ Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Hội thảo nhằm đánh giá tiến độ, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về hiệu quả chiến lược nhằm giải quyết sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan bao gồm những người sống chung với HIV, các nhóm quần thể đích và các bên liên quan trong ngành tư pháp.
6,5 triệu người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhiễm HIV
Bác sĩ Ye Yu Shwe, Tổ chức UNAIDS khu vực châu Á-Thái Bình Dương đưa ra một con số báo động với khoảng 6,5 triệu người trong khu vực nhiễm HIV, chiếm tỉ lệ 16% toàn cầu. Tỉ lệ nhiễm mới có giảm đi trong 10 năm qua, nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm của khu vực là tỉ lệ người nhiễm HIV mới tăng lên trong nhóm dân số trẻ tuổi và trong nam giới có hành vi quan hệ tình dục đồng giới.
Trong số 79% ca nhiễm mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có đến 76% là tuổi trẻ, thế hệ thanh niên (số ca nhiễm mới trong độ tuổi 15-24 tuổi chiếm 50%). Trong đó, 43% ca nhiễm HIV mới xảy ra trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Mỗi ngày có khoảng 300 nam giới MSM nhiễm HIV; 15 người chuyển giới nhiễm HIV; 50 người hoạt động mại dâm và 80 người sử dụng ma túy nhiễm HIV.
Giám đốc UNAIDS khu vực châu Á-Thái Bình Dương Eamonn Murphy cho biết, diễn biến của dịch HIV/AIDS đã có nhiều sự thay đổi ở các nước trong khu vực. Có nhiều nước, tỉ lệ nhiễm mới đang gia tăng và đặc biệt là gia tăng cao trong nhóm trẻ dưới 25 tuổi.
Hiện nay, có khoảng 20% người ở các quốc gia trong khu vực nhiễm bệnh chưa được trang bị đầy đủ thông tin, chưa tiếp cận dịch vụ xét nghiệm và số người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị còn thấp. Khoảng 16% người dân ở khu vực Đông Nam Á được chẩn đoán nhiễm nhưng không được điều trị là tỉ lệ cao trên thế giới, chỉ sau khu vực châu Phi.
Theo ông Eamonn Murphy, mục tiêu 10-10-10 đầy tham vọng nhằm xóa bỏ các rào cản pháp lý và chính sách từ chối hoặc hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ, bất bình đẳng giới và bạo lực cũng như kỳ thị và phân biệt đối xử nêu rõ rằng đến năm 2025, chưa đến 10% số người nhiễm HIV và các nhóm dân số nguy cơ cao còn bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Điều này có nghĩa là cần phải đạt được tiến bộ để xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong hoạt động ứng phó với HIV.
Để phân biệt đối xử với người nhiễm HIV chỉ là quá khứ
Bà Kathryn Johnson, cố vấn luật pháp của UNDP khu vực Đông Nam Á chia sẻ, định kiến của xã hội, chuẩn mực đạo đức truyền thống làm cho những người sống với HIV bị xa lánh, cô độc. Do đó, để giảm phân biệt, kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV, vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông rất quan trọng.
Bà Kathryn Johnson mong muốn các đơn vị báo chí, truyền thông cần có nhiều những bài truyền thông, vận động hơn nữa về chính sách, pháp luật, tham gia vào công cuộc đấu tranh chống phân biệt, kỳ thị đối xử cả về vấn đề giới tính, đa dạng giới và xu hướng tính dục…
Giám đốc UNAIDS khu vực châu Á-Thái Bình Dương Eamonn Murphy cho rằng, để kỳ thị, phân biệt đối xử chỉ còn là quá khứ, cần phải giải quyết cả các vấn đề xã hội và sức khỏe nhằm hỗ trợ cho các nhóm nguy cơ cao, nâng cao chất lượng dịch vụ do Chính phủ và các dự án phát triển toàn cầu cung cấp, tạo nên sức mạnh tập thể để đạt được mục tiêu này.
Đối với Việt Nam, cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động truyền thông và tuyên truyền về chính sách pháp luật, thu hút sự tham gia của toàn xã hội để góp phần thúc đẩy việc giảm kỳ thị, phân biệt đối xử.
UNAIDS cho rằng, giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV sẽ đóng góp rất lớn để đạt được tầm nhìn chiến lược về không còn ca nhiễm HIV mới; không còn tử vong do AIDS; không còn phân biệt đối xử.
Theo đó, phải tối ưu hóa những dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV để tất cả người sống chung HIV có thể tiếp cận dịch vụ, từ đó giúp giảm việc HIV tiếp tục lây lan.
Bên cạnh đó, phải gỡ bỏ các rào cản để những người trẻ có thể tham gia nhiều hơn và có ý nghĩa hơn nữa trong quá trình giảm lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ, hỗ trợ giúp đỡ người sống chung với HIV, để có thể đạt được các mục tiêu quốc gia và cam kết với quốc tế về dự phòng và điều trị HIV.
Chúng ta phải giúp những người sống với và chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV được tiếp cận công bằng và bình đẳng đến các dịch vụ phòng chống HIV, không để ai bị bỏ lại phía sau trong dự phòng và điều trị, hoàn thiện khung pháp lý để có các biện pháp chế tài đầy đủ đối với những hành động mang tính kỳ thị, phân biệt đối xử.
Ngoài ra, cần phải có sự hỗ trợ về tài chính được phân bổ rộng khắp, bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh lý khác liên quan đến HIV.
Tại hội thảo, các nhà báo ở 6 quốc gia tham dự đã đồng thuận về cách sử dụng từ ngữ, thuật ngữ trên truyền thông, báo chí về người sống chung với HIV và các nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV; tránh sử dụng những từ ngữ gây tác động tiêu cực với những cộng đồng này. Điều này đòi hỏi phải có sự tham gia đồng hành của chính các cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi HIV, các tổ chức phòng, chống HIV/AIDS, báo chí và các đối tác liên quan.
Thùy Chi