Mạng lưới tổ chức cộng đồng - Chìa khóa để kiểm soát dịch HIV bền vững
(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang dần giảm và chuyển giao sang nguồn lực trong nước vào năm 2030, vai trò của các mạng lưới tổ chức cộng đồng (CBO) ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Các CBO không chỉ là cầu nối giữa cộng đồng và dịch vụ y tế, mà còn là chìa khóa để Việt Nam đạt được và duy trì thành quả kiểm soát dịch HIV một cách bền vững.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa các CBO trong mạng lưới
Một trong những yếu tố then chốt giúp các mạng lưới CBO phát huy hiệu quả là sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức thành viên. Thông qua mạng lưới, các CBO có thể chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, và nguồn lực với nhau, từ đó nâng cao năng lực tổng thể của toàn hệ thống.
Điền hình như Mạng lưới người nhiễm HIV Việt Nam (VNP+), một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 2009, hiện có hơn 300 nhóm/câu lạc bộ thành viên trên cả nước. VNP+ đóng vai trò kết nối, hỗ trợ kỹ thuật và vận động chính sách cho các nhóm/CLB người nhiễm HIV địa phương. Nhờ sự hợp tác này, các thành viên của VNP+ đã nâng cao năng lực tư vấn xét nghiệm, chăm sóc hỗ trợ và giám sát dịch, qua đó góp phần quan trọng vào thành công của chương trình phòng chống HIV quốc gia.
Một ví dụ khác là Mạng Lưới Quần Thể Đích Trẻ Việt Nam ( VYKAP ) ra đời ngày 15/9/2016 quy tụ hơn 30 thành niên nòng cốt tại các vùng Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Trung Bộ, Đông Nam Bộ, và Tây Nam Bộ. Thông qua các hoạt động phối hợp như tổ chức sự kiện truyền thông chung, chuyển gửi khách hàng, hay hỗ trợ kỹ thuật qua lại, các thành viên VYKAP đã mở rộng phạm vi tiếp cận đến nhiều nhóm đối tượng trẻ, đặc biệt là thanh niên nguy cơ cao như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, và người bán dâm, người có H+ trẻ tuổi.
Mạng lưới CBO - Trung tâm thông tin và vận động chính sách
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ trực tiếp, các mạng lưới CBO còn đóng vai trò quan trọng trong truyền thông và vận động chính sách. Với sự am hiểu sâu sắc về cộng đồng, các CBO có thể cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời về tình hình dịch HIV tại địa phương, những khó khăn và nhu cầu của nhóm nguy cơ cao.
Mạng lưới người sử dụng ma túy Việt Nam (VNPUD) là một ví dụ tiêu biểu. Được thành lập năm 2012, VNPUD hiện có 23 tổ chức thành viên tại 21 tỉnh thành. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ giảm hại như trao đổi bơm kim tiêm, phát bao cao su, VNPUD còn tích cực tham gia đối thoại chính sách, góp ý xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống ma túy và HIV/AIDS. Tiếng nói của VNPUD đã góp phần thay đổi nhận thức của xã hội và chính quyền về người sử dụng ma túy, thúc đẩy các chính sách dựa trên quyền và bằng chứng như điều trị Methadone.
Tương tự, Mạng lưới nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới Việt Nam (VNMSM-TG), thành lập năm 2013, cũng đã có những đóng góp đáng kể trong việc giảm kỳ thị với người đồng tính, song tính và chuyển giới. Với 90 tổ chức thành viên bao phủ trên 30 tỉnh thành, VNMSM-TG đã tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời tham gia tích cực vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến quyền cho cộng đồng song tính, đồng tính và chuyển giới (LGBT). Nhờ những nỗ lực vận động không mệt mỏi của VNMSM-TG và các tổ chức đồng minh, những chính sách về điều trị HIV hay PrEP được triển khai phù hợp, trọng tâm và đáp ứng nhu cầu cộng đồng.
Tăng cường năng lực cho CBO - Yếu tố then chốt để phát huy vai trò của mạng lưới
Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng của mạng lưới, việc tăng cường năng lực cho các CBO là hết sức cần thiết. Nhiều CBO, đặc biệt tại các địa phương có nguồn lực hạn chế, vẫn thiếu các kỹ năng cơ bản về quản lý tài chính, lập kế hoạch, và chưa có tư cách pháp nhân để tiếp cận nguồn vốn.
Trong những năm gần đây, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ như USAID, UNAIDS, UNDP,… triển khai nhiều khóa tập huấn nâng cao năng lực cho các mạng lưới thành viên CBO. Các khóa học tập trung vào các chủ đề như quản trị tổ chức, huy động nguồn lực, xây dựng đề xuất dự án, và cung cấp dịch vụ thân thiện với người có HIV và nhóm nguy cơ cao. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều CBO đã từng bước hoàn thiện và trở thành những đối tác đáng tin cậy trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Điển hình, Mạng lưới CBO khu vực đồng bằng sông Cửu Long (MCN), được thành lập năm 2021, gồm 12 tổ chức thành viên. Sau khi được Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the Children) và Liên Hiệp Các Tổ Chức Hữu Nghị TP Cần Thơ hỗ trợ thành lập và hỗ trợ kỹ thuật, các thành viên MCN đã nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV, đặc biệt là xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng và tự xét nghiệm HIV. Nhờ đó, MCN đã góp phần quan trọng vào việc tăng tỉ lệ xét nghiệm HIV và phát hiện nhiễm mới tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long - vùng có tỉ lệ lây nhiễm HIV mới nổi cao tại Việt Nam.
Tiềm năng của mạng lưới CBO trong bối cảnh chuyển giao
Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước chuyển giao trách nhiệm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS từ các nhà tài trợ quốc tế sang nguồn lực trong nước, mạng lưới CBO hứa hẹn sẽ trở thành trụ cột không thể thiếu của hệ thống. Với sự linh hoạt và mối liên hệ mật thiết với cộng đồng, các CBO có thể tiếp tục duy trì các dịch vụ thiết yếu như tư vấn xét nghiệm, chăm sóc hỗ trợ, và giám sát dịch ngay cả khi nguồn lực bị hạn chế.
Kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 cho thấy sức mạnh của mạng lưới CBO. Khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng, nhiều người có HIV gặp khó khăn trong việc tiếp cận thuốc ARV. Các mạng lưới CBO đã nhanh chóng huy động tình nguyện viên, phối hợp với cơ sở y tế địa phương để cung cấp thuốc tận nhà cho bệnh nhân. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời này, hàng nghìn người có HIV đã không bị gián đoạn điều trị trong thời gian giãn cách.
Bên cạnh đó, mạng lưới CBO còn có thể huy động sự tham gia của khu vực tư nhân và nguồn lực xã hội hóa, tạo ra một hệ sinh thái đa dạng và bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều doanh nghiệp xã hội do cộng đồng dẫn dắt đã tham gia vào cung cấp dịch vụ HIV thân thiện và chất lượng cao cho cộng đồng, các phòng khám cộng đồng, nhà thuốc với mô hình One Stop Shop cung cấp dịch vụ đa dạng trong một điểm đến giúp gia tăng chất lượng can thiệp và trợ giúp cộng đồng.
Để hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, Việt Nam không thể bỏ qua vai trò của mạng lưới CBO. Sự hợp tác chặt chẽ, khả năng truyền thông và vận động chính sách, cùng với tiềm năng thích ứng trong bối cảnh mới là những thế mạnh giúp các CBO trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng, chống HIV/AIDS quốc gia.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có sự chung tay từ Nhà nước và các bên liên quan trong việc xây dựng năng lực và tạo môi trường thuận lợi để mạng lưới CBO phát triển. Có như vậy, Việt Nam mới có thể tận dụng sức mạnh của cộng đồng để kiểm soát dịch HIV một cách toàn diện và bền vững.
Nam Tống