Mở rộng điều trị, củng cố năng lực toàn diện phòng, chống HIV/AIDS

26/04/2024 15:58

(Chinhphu.vn) - Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng. Đồng thời, việc bảo đảm nguồn lực tài chính, nhân lực cũng là yếu tố quyết định thành công của kế hoạch phòng, chống HIV, tiến tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Theo ước tính của Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 249.000 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng. Trong năm qua, Việt Nam ghi nhận 13.445 trường hợp nhiễm HIV mới và 1.623 ca tử vong liên quan đến AIDS. 

Tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm được kiểm soát dưới 3%, nhưng tỉ lệ này ở nhóm nghiện chích ma túy là 9,03% và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng đáng báo động, từ 6,7% năm 2014 lên 12,47% năm 2022.

Mở rộng điều trị, củng cố năng lực toàn diện phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 1.

Việt Nam cũng dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Ảnh: Tống Nam

Năm 2023, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ dự phòng, xét nghiệm đến chăm sóc, điều trị. Độ bao phủ các dịch vụ này liên tục được mở rộng và nâng cao chất lượng. Nhiều mô hình, sáng kiến mới đã được áp dụng để phù hợp với bối cảnh dịch HIV thay đổi.

Cụ thể, cả nước đã triển khai tư vấn xét nghiệm HIV cho hơn 2,7 triệu lượt người, phát hiện 18.700 trường hợp dương tính. Gần 85.000 người nghiện chích ma túy được tiếp cận chương trình bơm kim tiêm an toàn, hơn 98.000 người thuộc nhóm nguy cơ cao được phát miễn phí bao cao su và chất bôi trơn.

Việt Nam cũng dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) với 67.183 khách hàng được điều trị PrEP trong năm 2023, đạt 122% so với chỉ tiêu đề ra. Đến cuối năm 2023, cả nước có 178.928 bệnh nhân đang điều trị ARV, cao hơn kế hoạch là 178.000 người.

Về thực hiện Chiến lược 95-95-95, Việt Nam đạt 88% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm; 80% trong số này được điều trị ARV và 98,3% người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Trước hết, dịch HIV đang lây lan nhanh trong nhóm thanh niên trẻ, đặc biệt là nam quan hệ đồng giới, song chưa có biện pháp can thiệp hiệu quả cho nhóm đối tượng này.

Điều đáng lưu tâm là dịch HIV đang lan rộng nhanh trong nhóm thanh niên trẻ tuổi từ 15-30, đặc biệt là nam giới quan hệ đồng giới. Tại một số địa phương, tỉ lệ người nhiễm HIV là MSM chiếm tới 50-70% số ca nhiễm mới được phát hiện. Nguyên nhân chính là do hành vi quan hệ tình dục không an toàn, di biến động giữa các địa phương và thiếu các biện pháp can thiệp hiệu quả cho nhóm MSM.

Bên cạnh đó, tình hình nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng nhưng chưa có giải pháp can thiệp, dự phòng và điều trị đặc thù. Nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương cũng đang thiếu hụt trầm trọng.

Đáng lưu tâm, việc cung ứng thuốc ARV điều trị HIV gặp nhiều khó khăn do vấn đề về đấu thầu, mua sắm. Một số thuốc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam, ảnh hưởng đến công tác dự phòng lây nhiễm cho trẻ em.

Ngoài ra, tính bền vững của nguồn lực tài chính cũng là một trong những trở ngại quan trọng hướng đến chấm dứt dịch AIDS vào 2030. Việc phụ thuộc vào tài trợ quốc tế và sự suy giảm của các nguồn tài chính trong nước đặt ra thách thức lớn cho tính bền vững của các chương trình và hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong tương lai

Tập trung giải pháp trọng tâm: Tăng cường can thiệp, mở rộng điều trị

Để đạt được mục tiêu đề ra, Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS, năm 2024 ngành y tế tập trung những các nhóm giải pháp chính sau:

Đổi mới công tác truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV

Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về HIV/AIDS, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và nhóm nguy cơ cao. Đồng thời, tăng cường truyền thông tạo nhu cầu tiếp cận các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là cho nhóm thanh niên trẻ và MSM.

Mở rộng điều trị, củng cố năng lực toàn diện phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 2.

Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức & giảm kì thị trong cộng đồng (Trong ảnh, Truyền thông do DNXH Xuân Hợp thực hiện tại Đồng Nai). Ảnh: Tống Nam

Công tác can thiệp giảm hại sẽ đa dạng hóa các mô hình cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí cho các nhóm nguy cơ cao. Đặc biệt, Kế hoạch đặt mục tiêu đạt 71.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) ít nhất một lần trong năm 2024, tăng gần 30% so với năm 2023.

Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV

Kế hoạch 2024 nhấn mạnh việc đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng, lưu động và tự xét nghiệm. Ưu tiên xét nghiệm HIV cho nhóm MSM, đặc biệt là MSM trẻ tuổi tại các trường học và khu công nghiệp. Triển khai nhiều mô hình xét nghiệm tự nguyện, tích hợp trong các cơ sở y tế, giáo dục để tiếp cận tốt hơn các nhóm nguy cơ. Nâng Tỉ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV lên 90%.

Nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS

Đối với công tác điều trị, Việt Nam tiếp tục thực hiện điều trị ARV sớm, thúc đẩy điều trị ARV trong ngày và điều trị ARV nhanh. Đồng thời, mở rộng điều trị HIV/AIDS trong các trại giam, trường giáo dưỡng và cơ sở cai nghiện để đảm bảo duy trì điều trị liên tục. Kế hoạch cũng đề cập đến việc triển khai sàng lọc, chuyển tiếp và quản lý các bệnh không lây nhiễm ở người bệnh HIV.

Về phối hợp HIV/Lao, mục tiêu đặt ra là 92% bệnh nhân đồng nhiễm HIV/Lao được điều trị đồng thời ARV và điều trị Lao. Ngoài ra, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương mở rộng điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV và bệnh nhân điều trị Methadone.

Tăng cường năng lực hệ thống và đảm bảo nguồn lực

Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 cũng chú trọng tới việc củng cố và tăng cường năng lực hệ thống các tuyến, bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính cho công tác này.

Về nhân lực, Bộ Y tế sẽ kiện toàn tổ chức và đảm bảo đủ nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác này.

Về tài chính, Bộ Y tế sẽ bố trí ngân sách trung ương để triển khai các nhiệm vụ, hoạt động năm 2024, đảm bảo tính bền vững của công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, đôn đốc các địa phương phê duyệt Kế hoạch đảm bảo tài chính nhằm chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 và bố trí kinh phí theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp xã hội và nhóm cộng đồng trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình trong bối cảnh ngân sách nhà nước bị cắt giảm.

Với Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 toàn diện, Việt Nam một lần nữa thể hiện quyết tâm trong cuộc chiến chống lại đại dịch HIV/AIDS. Các giải pháp can thiệp, điều trị và nâng cao năng lực hệ thống được kỳ vọng sẽ kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt trong nhóm thanh niên và MSM - những nhóm nguy cơ cao hiện nay.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn rất lớn khi dịch HIV/AIDS đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới trong nhóm MSM trẻ tuổi gia tăng nhanh. Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng. Đồng thời, việc bảo đảm nguồn lực tài chính, nhân lực cũng là yếu tố quyết định thành công của kế hoạch phòng, chống HIV, tiến tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Nam Tống

Top