Mô hình nhân văn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng

31/01/2024 13:25

(Chinhphu.vn) - "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” là một trong 3 mô hình hiệu quả, mang tính nhân văn mà Hà Nội đang triển khai để quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

Mô hình nhân văn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng- Ảnh 1.

Cán bộ tư vấn, hỗ trợ cho người nghiện và gia đình tại Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng thuộc xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội - Ảnh: Thúy Hằng

Trên địa bàn xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) có 36 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người quản lý sau cai, người đang điều trị bằng thuốc thay thế, người có nghi vấn sử dụng ma túy, người có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó 33 đối tượng có mặt tại địa bàn.

Từ kết quả rà soát trên, UBND xã Thanh Liệt nhận thấy việc thành lập Điểm tư vấn là cần thiết bởi lẽ mô hình khi được phép thành lập và đi vào hoạt động sẽ mang tính chất nhân văn, giúp đỡ các đối tượng tham gia vừa được hỗ trợ, kết nối, tư vấn các dịch vụ để thực hiện các biện pháp cai nghiện vừa có thể chung sống cùng gia đình, nhận được sự động viên, khích lệ từ người thân, là động lực để họ quyết tâm cai nghiện thành công, góp phần giảm tải cho cơ sở cai nghiện ma túy tập trung và tăng cường công tác hỗ trợ các dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng.

Tháng 7/2022, Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) được thành lập.

Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã Thanh Liệt, Điểm tư vấn luôn được chú trọng tuyên truyền tại các hội nghị giao ban tại UBND xã, họp thôn, tổ dân phố; các hội nghị triển khai nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy xã, qua phương tiện truyền thanh xã.

UBND xã Thanh Liệt đã xây dựng kế hoạch hoạt động của Điểm tư vấn từng năm và phân công nhiệm vụ cho từng ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, các thôn, tổ dân phố.

Trước thực tế đối tượng ngại đến Điểm tư vấn, căn cứ vào danh sách đối tượng quản lý, lãnh đạo UBND xã đã giao cho Trưởng Công an xã phối hợp với Ban Chủ nhiệm Điểm tư vấn, Đội Công tác xã hội tình nguyện và các hội đoàn thể vận động, mời các khách hàng đến Điểm tư vấn.

Đến nay, đã có 19 đối tượng đến với Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng xã Thanh Liệt. Trong đó có 5 đối tượng năm 2022 và 14 đối tượng được tư vấn năm 2023. Bên cạnh đó, Điểm tư vấn còn tư vấn, hỗ trợ đối tượng tìm việc làm trên địa bàn xã...

Triển khai mô hình tới 36 xã, phường, thị trấn

Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn TP.Hà Nội, tổng số xã, phường, thị trấn áp dụng triển khai mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý tại cộng đồng là 36 xã, phường, thị trấn. Trong đó, số xã, phường mới thành lập mô hình trong giai đoạn 2021 - 2023 là 22 đơn vị.

Các điểm tư vấn cung cấp kịp thời nhiều dịch vụ hỗ trợ giảm tác hại cho người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy tại cộng đồng; đồng thời chuyển gửi nhiều trường hợp đến các dịch vụ hỗ trợ xã hội chuyên sâu (điều trị cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy; điều trị thay thế bằng thuốc Methadone; xét nghiệm HIV, viêm gan B, C...).

Đối với những trường hợp có tình trạng sức khỏe tốt, quyết tâm tránh xa ma túy và có nhu cầu việc làm, họ được kết nối để tiếp cận với cơ hội việc làm, học nghề, vay vốn để tự tạo việc làm...

Các Điểm tư vấn được đặt tại Trạm Y tế của xã, phường, thị trấn, thành phần tham gia Ban chủ nhiệm Điểm tư vấn có Phó chủ tịch UBND cấp xã - Chủ nhiệm Điểm và các ban, ngành, đoàn thể: Y tế, Công an, Tư pháp, Văn hoá - Xã hội, đại diện Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện, bên cạnh đó có sự hỗ trợ của cán bộ tư vấn các Cơ sở cai nghiện ma tuý của Thành phố.

Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.Hà Nội cho biết, đối với các địa phương triển khai mô hình Điểm tư vấn, Sở LĐTB&XH chỉ đạo các Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2, 5, 6, 7 cử cán bộ tư vấn của cơ sở tham gia hỗ trợ trực tiếp tại các Điểm tư vấn về chuyên môn nghiệp vụ; tiếp đón, tư vấn, hỗ trợ khách hàng toàn bộ các nội dung về điều trị, cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện ma tuý của Thành phố.

Đồng thời chỉ đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tổ chức khoá tập huấn cơ bản và nâng cao cho toàn bộ các thành phần tham gia mô hình; phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức các hội nghị truyền thông tại cộng đồng giới thiệu về mô hình...

Các Điểm tư vấn sau khi được thành lập đã tổ chức lễ ra mắt đồng thời tiếp cận, vận động khách hàng đến Điểm tư vấn để được tư vấn, hỗ trợ các nội dung liên quan đến điều trị, cai nghiện ma tuý và hoà nhập cộng đồng. 

Trong giai đoạn 2021 - 2023, các Điểm tư vấn duy trì tư vấn hỗ trợ cho 1.603 lượt khách hàng cũ. Một số Điểm tư vấn tổ chức giao ban, sinh hoạt nhóm khách hàng lồng ghép với sinh hoạt Câu lạc bộ B93 như các phường thuộc quận Cầu Giấy, phường Ngọc Thuỵ (quận Long Biên), các phường Hàng Buồm, Chương Dương, Phúc Tân, Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm),...

Qua đó nắm bắt tình hình, nhu cầu của khách hàng, chia sẻ, động viên, tư vấn cho khách hàng về chăm sóc sức khoẻ, việc làm, giấy tờ tuỳ thân… Ban chủ nhiệm các Điểm tư vấn gặp gỡ khách hàng tại nhà hoặc tư vấn qua điện thoại, zalo, duy trì hỗ trợ thường xuyên cho khách hàng cũ, củng cố mối quan hệ gần gũi, tin tưởng của khách hàng.

Đối với hoạt động phát triển khách hàng mới, các Điểm tư vấn đã thống kê, rà soát, lập danh sách người sử dụng ma tuý trái phép, người nghiện, sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn; phát triển tổng số 269 người tham gia vào mô hình.

Trong hoạt động tư vấn, các điểm tư vấn tổ chức tư vấn cho 2.124 lượt khách hàng, trong đó, tư vấn tâm lý 607 lượt; tư vấn dịch vụ hỗ trợ tư pháp, giấy tờ tuỳ thân 172 lượt; tư vấn chăm sóc sức khoẻ 934 lượt; học nghề, việc làm 156 lượt; tư vấn điều trị cai nghiện, quản lý sau cai 336 lượt.

Đối với công tác hỗ trợ, chuyển gửi, các Điểm tư vấn đã tiếp nhận, sàng lọc sức khoẻ tâm thần và mức độ sử dụng các chất gây nghiện cho 71 người; khám và điều trị bệnh thông thường tại Trạm y tế cho 128 người; hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế cho 73 khách hàng là người sau cai nghiện có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ gia hạn thẻ cho 57 người; chuyển gửi 49 người cai nghiện ma tuý tự nguyện; 27 người xét nghiệm HIV, 18 người điều trị viêm gan B,C, hỗ trợ pháp lý 4 người; hỗ trợ tạo việc làm cho 14 người; hỗ trợ khách hàng có hoàn cảnh khó khăn 37 suất lương thực và kinh phí điều trị Methadone cho 6 người; hỗ trợ 01 người vay vốn với số tiền 60 triệu đồng để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp tục tham mưu cho UBND TP ban hành các kế hoạch về triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý hàng năm, trong đó tập trung chỉ đạo các địa phương xây dựng, duy trì và triển khai hiệu quả hoạt động của các mô hình quản lý sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư trú.

Đối với mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện ma tuý tại cộng đồng, Sở LĐTB&XH Hà Nội cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH hỗ trợ hướng dẫn cho TP. Hà Nội xây dựng khung định mức kinh tế - kỹ thuật cho mô hình.

Hoàng Giang

}
Top