Hà Nội: Lập hồ sơ đưa hơn 1,4 nghìn người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc
(Chinhphu.vn) - Các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao về công tác cai nghiện của Hà Nội đã hoàn thành theo đúng tiến độ, 30/30 địa phương đạt và vượt 100% chỉ tiêu cai nghiện ma túy bắt buộc trở lên, 9 địa phương vận động được từ 45 người trở lên đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập của Thành phố; có 11/30 quận, huyện thực hiện việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, tại cộng đồng.
Trong năm 2023, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã linh hoạt, chủ động trong công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.
Sở đã tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết HĐND Thành phố số 06/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 (phụ lục 09), Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 (phụ lục 02) về quy định một số nội dung chi và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố, trong đó quy định chính sách nội dung, mức chi chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ quản lý sau cai nghiện ma túy; quy định chế độ hỗ trợ và mức đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội; chế độ hỗ trợ cho người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trình UBND Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023; tham mưu xây dựng Đề án trình UBND Thành phố quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập...
Các kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Thành phố đều được địa phương cụ thể hóa bằng chỉ tiêu, nhiệm vụ để triển khai thực hiện tại cấp huyện, cấp xã, đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn Thành phố.
Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, năm 2023, đối với cai nghiện ma túy bắt buộc, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tích cực rà soát, lập hồ sơ, gửi Tòa án Nhân dân cùng cấp xem xét, ra quyết định đưa 1.470 người vào cai nghiện bắt buộc, đạt 122,5% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã đã đưa 1.343 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tăng 285 người so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, các cơ sở cai nghiện ma túy đã xác định tình trạng nghiện ma túy cho 1.019 người; tiếp nhận mới 35 người vào điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; tổ chức dạy nghề cho 700 chỉ tiêu, đạt 100% kế hoạch năm.
Tính đến ngày 14/12, tổng số học viên đang quản lý tại các Cơ sở cai nghiện ma túy của Hà Nội là 2.773 người.
Đối với cai nghiện ma túy tự nguyện, các đơn vị, địa phương đã vận động, đưa 1.020 người vào cai nghiện tự nguyện, đạt 106.25% kế hoạch năm. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố có 3 cơ sở cai nghiện tự nguyện (Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng, Viện sức khỏe tâm thần-Bệnh viện Bạch Mai; Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ cai nghiện-Viện châm cứu Trung ương) đã cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện cho 934 người, đạt 93.4% kế hoạch năm.
Trong công tác quản lý sau cai nghiện ma túy, các quận, huyện, thị xã đã duy trì và phát triển được 465 mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú (bao gồm: 98 Câu lạc bộ B93, 36 mô hình Điểm tư vấn, 330 mô hình Tình nguyện viên và 01 mô hình khác), trong đó: Duy trì triển khai hoạt động 289 mô hình xây dựng năm 2021, 2022; phát triển 176 mô hình năm 2023, trong đó: 171 xã, phường, thị trấn phát triển mới, đạt 166% chỉ tiêu Thành phố giao. Các địa phương cũng đã hỗ trợ, vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho 189 người
Ngoài ra, lực lượng Tình nguyện viên vẫn duy trì thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Tổ chức giao ban định kỳ, phân công từng thành viên Đội rà soát, bám sát địa bàn được phân công theo dõi và quản lý, giúp đỡ, tiếp cận, tư vấn đối tượng nghiện, đối tượng sau cai nghiện.
Trong năm 2023, Đội Công tác xã hội tình nguyện đã tiếp cận tư vấn trực tiếp cho 71.449 lượt người; vận động 694 người đi cai nghiện tự nguyện tại các Cơ sở cai nghiện; tiếp tục duy trì quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người có nguy cơ cao mắc nghiện tại địa phương được phân công năm 2022 và tiếp nhận, phối hợp với các ban, ngành quản lý giúp đỡ 1.503 người đi cai nghiện tại các cơ sở về trong tháng; cung cấp 188 tin liên quan đến tệ nạn xã hội; tuần tra, rà soát địa bàn 11.357 lượt, buổi phòng ngừa phát sinh tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm.
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ, điều trị, cai nghiện ma túy
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2024, thành phố đặt chỉ tiêu vận động 1.200 người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện cắt cơn, tư vấn tâm lý, hỗ trợ xã hội cho 1.000 người tự nguyện đăng ký tham gia điều trị. Lập 1.700 hồ sơ và đề nghị Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Các địa phương hỗ trợ vay vốn, học nghề, hỗ trợ tìm việc làm với các hình thức phù hợp cho 230 người hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ, điều trị, cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; quản lý chặt chẽ người cai nghiện ma túy bảo đảm an ninh trật tự trong cơ sở cai nghiện ma túy và trên địa bàn. Kết nối chặt chẽ với địa phương đảm bảo 100% học viên hết thời gian cai nghiện ma túy về nơi cư trú được quản lý sau cai nghiện ma túy...
Hoàng Giang