Món ăn tinh thần của học viên cai nghiện
(Chinhphu.vn) - Cùng với việc điều trị, cai nghiện cho học viên, các cơ sở cai nghiện ma túy còn quan tâm đến việc nâng cao đời sống tinh thần cho học viên, trong đó, phải kể đến việc đọc sách.
Tháng 9/2021, Thư viện tỉnh Bắc Kạn thành lập mô hình thư viện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. Sau 2 năm đi vào hoạt động, Thư viện Cơ sở cai nghiện ma túy đã phát huy vai trò và trở thành người bạn gắn bó hằng ngày đối với các cán bộ và học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy. Hiện Thư viện có gần 1.000 cuốn sách các loại. Hằng năm, Thư viện tỉnh đã chuyển đổi, bổ sung các cuốn sách phù hợp với nhu cầu đọc của cán bộ và học viên.
Cùng với nguồn sách được Thư viện tỉnh hỗ trợ, trao tặng, Thư viện Cơ sở cũng đã bổ sung nhiều cuốn sách có giá trị về các lĩnh vực: Pháp luật, lịch sử, kinh tế, văn hóa, giáo dục tâm lý, các loại tạp chí Lao động xã hội, bản tin về phòng chống tệ nạn xã hội...
Tại Lào Cai, cùng với việc thực hiện 5 giai đoạn trong điều trị, cai nghiện cho học viên theo phác đồ quy định hiện nay, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Lào Cai đã chú trọng xây dựng phòng đọc thư viện cho các học viên đến tìm hiểu, nghiên cứu, thao khảo các loại sách thuộc nhiều lĩnh vực để học viên được tiếp cận những kiến thức mới trong sách báo và coi “Văn hóa đọc” là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi học viên cai nghiện tập trung sau những giờ học tập, lao động tại Cơ sở.
Phòng Tư vấn - Giáo dục, truyền thông được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm quản lý phòng đọc thư viện. Số lượng sách trong phòng đọc lúc nào cũng dao động từ 500 – 1.200 đầu sách, báo chí (trong đó Cơ sở phối hợp với thư viện tỉnh Lào Cai thường xuyên luân chuyển sách theo quý, mỗi quý từ 400 - 600 đầu sách thuộc tất cả các lĩnh vực).
Ngoài ra, Cơ sở còn đặt mua thêm báo, tạp chí cho học viên theo ngày, tuần, tháng, quý để học viên có thể đọc sau mỗi giờ lao động, học tập và cập nhật tình hình thời sự, tin tức về bóng đá, an ninh, ma túy.....
Hiện nay, Cơ sở đã chú trọng quan tâm đầu tư thêm nhiều cơ sở vật chất để phát triển phòng đọc thư viện được đa dạng hơn. Ngoài giờ lao động, học tập, học viên cai nghiện ma túy đều có thể đến phòng đọc sách để đọc. Hàng năm, Cơ sở cũng thường xuyên tổ ngày hội đọc sách, triển lãm sách, trưng bày sách cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể học viên được tham gia bởi vì sách đã góp phần không nhỏ hỗ trợ công tác giáo dục, rèn luyện, học tập của học viên và đây cũng là một kênh thông tin hữu ích giúp họ rèn luyện bản thân trong quá trình cai nghiện.
Tại Bắc Ninh, trong những năm qua, lãnh đạo Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Ninh cũng có chủ trương chỉ đạo và thực hiện tạo nguồn, hỗ trợ, cải tạo, tu sửa, sắp xếp Thư viện thân thiện. Hiện nay, số lượng sách trong phòng đọc có gần 6.000 cuốn sách bao gồm nhiều thể loại: Hướng nghiệp, giáo dục đạo đức, pháp luật, rèn luyện kỹ năng sống, tiểu thuyết, truyện ngắn, lịch sử, Khoa học, Tâm lý, Xã hội….
Ngoài ra, Cơ sở còn phối hợp với thư viện tỉnh Bắc Ninh thường xuyên luân chuyển sách theo quý, mỗi quý từ 300 - 500 cuốn sách thuộc tất cả các lĩnh vực để đáp ứng các đầu sách luôn mới, thông tin kịp thời… cho học viên.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Bắc Ninh chia sẻ, việc tạo điều kiện cho học viên Cai nghiện ma túy đọc sách đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ công tác giáo dục, rèn luyện, học tập của học viên và đây cũng là một kênh thông tin hữu ích để học viên học tập, rèn luyện bản thân trong quá trình cai nghiện. Giúp nhiều học viên tìm thấy những điều bổ ích từ sách, báo, để khi trở về với cộng đồng các học viên sẽ biết cân nhắc, điều chỉnh hành vi của mình sao cho đúng chuẩn mực để sớm từ bỏ ma túy.
Có thể thấy, thư viện sách tại các cơ sở cai nghiện ma túy rất đa dạng và đầy đủ về các lĩnh vực, các học viên sẽ được đọc sách tại thư viện hoặc mượn sách về phòng ở vào bất cứ lúc nào vào thời gian rảnh rỗi của mình. Nguồn tri thức mà sách mang lại giúp các học viên ở đây nhận ra được giá trị của bản thân mình, khơi dậy khát vọng sống, tạo niềm tin, động lực để vươn lên từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.
Việc duy trì hoạt động của thư viện cho học viên cai nghiện ma túy là một trong những hoạt động thiết thực nhằm cải thiện đời sống tinh thần, tạo điều kiện cho học viên có điều kiện cập nhật kiến thức. Bên cạnh việc điều trị, quản lý học viên, công tác dạy nghề, giáo dục lao động trị liệu thì văn hóa đọc sẽ định hướng tư tưởng, tình cảm, giáo dục ý thức pháp luật cho học viên trở thành người có ích khi kết thúc thời gian điều trị.
Hoàng Giang