Nâng cao kiến thức, kỹ năng về điều trị PrEP và thuốc ARV
(Chinhphu.vn) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức tập huấn về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và thuốc điều trị ARV cho nhân viên hỗ trợ cộng đồng…
ThS. Lương Quốc Bình, Phó trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mạn tính, CDC TPHCM cho biết, nhân viên hỗ trợ cộng đồng (tiếp cận cộng đồng) là những người thực hiện các hoạt động về tiếp cận nhóm khách hàng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, truyền thông về HIV/AIDS, cung cấp các vật phẩm giảm tác hại như bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm cho khách hàng có hành vi nguy cơ cao.
Những người có hành vi, nguy cơ cao lây nhiễm HIV bao gồm những người sử dụng ma túy, mại dâm, đồng giới nam, chuyển giới nữ, bạn tình người nguy cơ cao, bạn tình người nhiễm HIV… Để phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng, nhân viên hỗ trợ cộng đồng sẽ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, kết nối khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm khẳng định HIV và kết nối vào chăm sóc điều trị HIV/AIDS…
Bên cạnh đó, giới thiệu, chuyển gửi khách hàng chưa nhiễm HIV tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV - PrEP; lập bản đồ địa dư và quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn thực hiện… là cầu nối giữa người nhiễm và các dịch vụ dành cho cho người nhiễm HIV, thực hiện hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm... dưới sự chỉ đạo, điều phối, hỗ trợ của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố.
Nhân viên tiếp cận cộng đồng là những người hiểu rõ các ngôn ngữ, dấu hiệu, sở thích và văn hóa của các nhóm để có thể hiểu và tiếp cận thuận lợi hơn… có vai trò quan trọng trong việc hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Tại khóa tập huấn, các học viên đã được cung cấp các kiến thức cơ bản về HIV; quy trình kết nối, chuyển gửi khi có kết quả xét nghiệm HIV có phản ứng; các phác đồ điều trị ARV, quy trình điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV cho khách hàng; tác dụng phụ của thuốc ARV- tương tác giữa thuốc ARV và các thuốc khác; điều trị dự phòng cho người nhiễm HIV; các bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, học viên cũng được nâng cao kiến thức về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; tư vấn tuân thủ điều trị tại cộng đồng và quy trình, thủ tục xử lý thẻ bảo hiểm y tế hiện hành bao gồm thủ tục chuyển tuyến trong khu vực công/tư, các trường hợp thẻ bảo hiểm y tế hết hạn, mất hồ sơ, không có thẻ bảo hiểm y tế.
Về điều trị PrEP, khóa học cung cấp cái nhìn tổng quan của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV; quy trình điều trị PrEP; đánh giá, sàng lọc được các hành vi nguy cơ của khách hàng; tư vấn cho khách hàng trước sử dụng PrEP; các xét nghiệm cần được thực hiện cho khách hàng PrEP trước và trong quá trình sử dụng PrEP; các hình thức PrEP và các phác đồ điều trị PrEP…
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 9/2023 có trên 51.500 người nhiễm HIV đang được quản lý tại TPHCM, trong đó hơn 47.600 người đang được điều trị thuốc kháng virus HIV. Hiện trên địa bàn thành phố 45 cơ sở điều trị ARV. TPHCM là một trong 7 tỉnh, thành phố được Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các tổ chức quốc tế hỗ trợ hoàn thành Mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Đối với mục tiêu 95-95-95, TPHCM đã đạt 93% so với mục tiêu 95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ. 92,4% so với mục tiêu 95% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục. 98,4% so với mục tiêu 95% số người điều trị ARV kiểm soát được tải trọng virusở mức ổn định.
Thùy Chi