Ngăn ma túy tấn công vào các bản, làng

13/07/2022 18:02

(Chinhphu.vn) - Không chỉ là tệ nạn nhức nhối ở khu vực thành thị, ma túy đang len lỏi, tấn công đến những bản làng vùng sâu, vùng xa. Để phòng chống ma túy hiệu quả tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với việc tạo sinh kế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân...

Ngăn ma túy tấn công vào các bản, làng - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng bắt giữ 5 đối tượng, trong đó hầu hết là người dân tộc trong đường dây ma túy xuyên quốc gia vào ngày 27/6 tại Lào Cai - Ảnh: BĐBP cung cấp

Ma túy lây lan ngày càng phức tạp vào các bản, làng

Theo Ủy ban Dân tộc, 6 tháng đầu năm 2022, tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy ở một số địa phương vùng dân tộc thiểu số vẫn diễn biến phức tạp.

Thực tế thời gian qua cho thấy, các lực lượng chức năng tại nhiều địa phương đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn. Đặc biệt, một số vụ do người dân tộc thiểu số tham gia.

Mới đây, ngày 27/6, tại Km5, quốc lộ 4D thuộc thôn Giàng Thàng, xã Đồng Tuyển, TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai, các lực lượng nghiệp vụ của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BPBP) chủ trì, phối hợp với BĐBP các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Công an tỉnh Lào Cai triệt phá thành công một đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam để đi nước thứ ba, bắt giữ 5 đối tượng, thu 174.000 viên ma túy tổng hợp (khoảng 19,14kg), 2 xe ô tô.

Đáng chú ý trong chuyên án này, các đối tượng hầu hết là người dân tộc Mông, tuổi đời rất trẻ (có đối tượng 16 tuổi). Đó là: Sùng A Dũng (SN 2003), Vừ Trung Sơn (SN 2006), Lầu A Giàng (SN 2005), Ly Seo Chứ (SN 1993) đều là người dân tộc Mông. Ngoài ra, còn đối tượng Đỗ Trọng Quý (SN 1992) dân tộc Kinh. Tất cả đều trú tại tỉnh Điện Biên.

Là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc, Điện Biên là một trong những địa phương trọng điểm của cả nước về ma túy. Tội phạm ma túy "nóng" nhất ở tuyến biên giới, vùng giáp ranh với các tỉnh Bắc Lào như: Xã Na Ư, Mường Nhà, Pa Thơm, Thanh Hưng, Mường Pồn (huyện Điện Biên); Si Pha Phìn, Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ).

Qua công tác nắm tình hình tại khu vực biên giới của Lào đối diện với Điện Biên (bản Pa Hốc, huyện Mường Mày, tỉnh Phông Sa Ly; bản Na Luông, Huổi Ven, huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Pha Băng, Lào) giá heroin, ma túy tổng hợp có loại giảm 50% - 70% so với trước khi có dịch COVID-19, nguồn ma túy rất dồi dào. Do đó, các đối tượng người Lào đã mua bán heroin và ma túy tổng hợp từ khu vực "Tam giác Vàng" về tập kết ngay tại biên giới giáp tỉnh Điện Biên. Các đối tượng lợi dụng địa hình núi cao, vực sâu, băng qua các tuyến đường mòn trên tuyến biên giới để vận chuyển vào Điện Biên.

Một số đối tượng cầm đầu đường dây ở Điện Biên dùng thủ đoạn chia cắt việc vận chuyển ma túy, thuê nhiều nhóm khác nhau (nhóm này không biết nhóm kia). Đa số những người vận chuyển thuê là người dân tộc thiểu số, tuổi đời còn rất trẻ, thiếu việc làm, nhận thức còn hạn chế.

Bên cạnh việc hút thuốc phiện là hủ tục mang tính tập quán đã có từ lâu ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, số người sử dụng ma túy tổng hợp, heroine ngày càng tăng cao, gây tác hại nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Không chỉ ở các địa phương miền núi phía Bắc, tệ nạn và tội phạm ma túy cũng diễn biến phức tạp tại các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên.

Trước đây, trong các buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk, không có và rất ít tệ nạn ma túy. Nhưng những năm gần đây, tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy lây lan ngày càng phức tạp vào các buôn, làng.

Theo cơ quan chức năng, ở rất nhiều thôn, xã, vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, những năm qua, các hộ đồng bào dân tộc thiếu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào làm ăn kinh tế mang theo cả thói quen sử dụng thuốc phiện, dẫn đến tình trạng mua bán, hút hít thuốc phiện một thời gian dài và nhiều người dần chuyển sang mua bán, tổ chức sử dụng heroin, ma túy đá và các loại ma túy tổng hợp khác.

Công an huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, tình trạng thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số nghiện hút có chiều hướng gia tăng so với thời gian trước. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số, các thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số thường tụ tập, có một số đối tượng, phần tử xấu, phần tử nghiện thường lôi kéo thanh niên trong các buôn, làng chơi thử ma túy, dẫn đến tình trạng này gia tăng. Ở buôn này lôi kéo buôn kia sử dụng ma túy...

Hiện có khoảng 1.800 người nghiện ma túy cơ quan Công an Đắk Lắk nắm được, lập hồ sơ quản lý và hàng năm đề xuất áp dụng các biện pháp cai nghiện khác nhau. Trong đó, có rất nhiều người dân tộc thiểu số và ở vùng sâu vùng xa vi phạm.

Chỉ tính từ năm 2018 đến tháng 6/2022, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát giao thông và một số đơn vị liên quan của Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, bắt xử lý 1.160 vụ, với 1.697 đối tượng phạm tội về ma túy. Qua đó, đã thu giữ hơn 232 kg heroin, nhiều loại ma túy tổng hợp, ma túy đá, hàng chục ngàn cây cần sa tươi, nhiều cần sa khô, dụng cụ hút chích, hàng trăm điện thoại di động, hơn 50 xe ô tô, hàng loạt xe máy và hàng trăm triệu đồng tiền mặt cùng nhiều tang vật chứng liên quan.

Nhờ đó, đã góp phần kiềm chế sự gia tăng tệ nạn, tội phạm ma túy, các vụ án hình sự do người nghiện ma túy gây ra và ngăn ngừa bớt sự gieo rắc, lây lan ma túy vào các buôn, làng, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh tuyên truyền gắn với phát triển kinh tế- xã hội

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) , vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, trình độ nhận thức của đồng bào không đồng đều nên ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

"Cần có giải pháp căn cơ, đó là chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phải nâng cao đời sống, đầu tư đường xá, trường trạm, tạo việc làm cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và giải pháp rất quan trọng là vận động, tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên để bà con hiểu biết về pháp luật, không nghe theo đối tượng xấu đi vận chuyển ma túy", Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho hay.

Nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ và đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong công tác phòng, chống ma túy; ngăn chặn không để tệ nạn ma túy xâm nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cuối năm 2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã phê duyệt Dự án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025".

Công tác tuyên truyền, vận động sẽ được đổi mới nội dung, hình thức đa dạng, phong phú các hoạt động tuyên truyền để phù hợp với trình độ, lứa tuổi, tập quán từng vùng miền, đối tượng. Chú trọng phối hợp tuyên truyền ở các vùng trọng điểm, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Bên cạnh đó, các cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố cần triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc duy trì, phát huy và nhân rộng các mô hình, đề án, dự án làm kinh tế hiệu quả để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống gắn với công tác phòng chống ma túy và chống trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình tại các thôn, bản, ấp, khóm kịp thời phát hiện không để bọn tội phạm lợi dụng ẩn náu, kích động, dụ dỗ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sử dụng, vận chuyển, buôn bán ma túy.

Đặc biệt là phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người uy tín trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, tố giác những đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không để kẻ xấu lợi dụng, kích động nhân dân đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hoàng Giang

Top