‘Ngôi làng Ấn Độ hạnh phúc’ cho người nhiễm HIV
(Chinhphu.vn) - "Ngôi làng Ấn Độ hạnh phúc - Happy Indian Village" là nơi sinh sống của khoảng 110 cư dân. Những người sống trong khu này đều dương tính với HIV.
Ravi Kant Bapatle, 48 tuổi sống ở bang Maharashtra, Ấn Độ đã thành lập Ngôi làng hạnh phúc ở Ấn Độ sau khi chứng kiến cái chết của một đứa trẻ mồ côi nhiễm HIV. Bapatle đã quyết tâm xây dựng ngôi làng để giúp đỡ những trẻ em phải đối mặt với sự phân biệt đối xử khi mang trong mình căn bệnh nhiễm trùng.
Anh Bapatle được người dân khu này gọi với cái tên trìu mến là "Baba", Bapatle đã tận tâm phục vụ những người nhiễm HIV từ năm 2006 sau khi chứng kiến cái chết của một đứa trẻ mồ côi 7 tuổi nhiễm HIV bị người dân bỏ rơi và xa lánh.
"Cái chết của đứa trẻ đó làm tôi tan nát tận đáy lòng. Đứa trẻ bị bỏ rơi, cơ thể em đã bắt đầu thối rữa. Với sự giúp đỡ của bạn bè, tôi đã thực hiện những nghi thức tang lễ cuối cùng cho đứa bé", anh nhớ lại.
Trước khi bắt tay vào sứ mệnh cuộc đời mình, Bapatle là một nhà báo làm việc cho một tờ báo địa phương, đồng thời giảng dạy báo chí tại một trường cao đẳng địa phương.
Anh đã vấp phải nhiều sự phản đối về kế hoạch thành lập ngôi làng này. Nhưng may mắn, ông nội của một người bạn đã hiến tặng 6,5 mẫu đất cho Bapatle. Nhưng chính quyền làng từ chối cung cấp điện, nước cho anh.
Cuối cùng, chính quyền huyện đã can thiệp và cho phép anh được sử dụng các tiện ích. Sau đó, Bapatle đã xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản bao gồm đường sá, những túp lều nhỏ và mở một khu có tên là "Aamhi Sevak Sanstha" để phục vụ những người nhiễm HIV/AIDS.
"Ngôi làng Ấn Độ hạnh phúc có đến 70 trẻ em nhiễm HIV.Khi số trẻ em nhiễm HIV dưới sự chăm sóc của Bapatle ngày càng tăng, anh đã đăng ký cho chúng vào một trường công lập nhưng vấp phải sự phản đối của người dân địa phương vì sợ rằng virus sẽ lây sang con cái họ.
Bapatle cho biết trường học đã đóng cửa gần 4 tháng do sự phản đối của người dân địa phương. Những túp lều và cây cối trong khuôn viên đều bị đốt cháy và hư hại.
Nhưng Bapatle không bỏ cuộc và sự kiên trì của anh đã được đền đáp sau khi chính quyền quận, các tổ chức xã hội và bác sĩ thuyết phục người dân địa phương rằng những đứa trẻ sống tại khu bảo tồn không phải là mối nguy hiểm cho cộng đồng.
Khi những đứa trẻ dưới sự chăm sóc của Bapatle lớn lên, anh cần bảo đảm sức khỏe lâu dài cho chúng. Anh quyết định xây dựng một "ngôi làng" cho cư dân ở đó. Để tài trợ cho việc mua thêm 16 mẫu đất rưỡi để thành lập Làng Ấn Độ Hạnh phúc, Bapatle đã thành lập một đoàn văn nghệ gồm những đứa trẻ đi biểu diễn ở các bang khác nhau của Ấn Độ để gây quỹ.
Ngày nay, mảnh đất từng cằn cỗi đã trở thành một không gian xanh tươi, rải rác những khu vườn tươi tốt và những túp lều dành cho các cặp vợ chồng nhiễm HIV. Nhiều người dân ở đây thực hiện các hoạt động trồng trọt để có thể tự cung tự cấp và kiếm sống.
Trong số đó có Rani, hiện 28 tuổi, là một trong những đứa trẻ đầu tiên đến thánh địa vào năm 2007. Với sự tiếp cận giáo dục và hỗ trợ từ Bapatle, cô đã có thể hoàn thành chương trình học về điều dưỡng và sau đó tìm được bạn đời của mình.
Là mẹ của 2 đứa con không nhiễm HIV, Rani sống trong một túp lều và cùng với các cô gái nấu ăn cho toàn bộ 110 người sống trong làng. Chồng cô Vikas đảm nhiệm công việc đồng áng.
Theo ước tính, khoảng 2,5 triệu người đang sống chung với HIV ở Ấn Độ vào năm 2022. Năm 2004, chính phủ Ấn Độ tuyên bố thuốc điều trị kháng virus (ART) sẽ được cung cấp miễn phí cho bệnh nhân HIV ở nước này. Bapatle cho biết: "Thuốc đã kéo dài tuổi thọ của trẻ em, vốn bị giới hạn trong khoảng 12–13 năm".
Trong 10 năm qua, Bapatle đã giúp 24 cặp vợ chồng ở đây kết hôn - một số người trong số họ sau này đã trở thành cha mẹ của 17 đứa trẻ không nhiễm HIV. Năm nay, có thêm 5 phụ nữ sống ở nơi này dự kiến sẽ kết hôn.
Nhìn những đứa trẻ đang chơi đùa tại Làng Ấn Độ Hạnh Phúc, Bapatle cho biết anh hy vọng một ngày nào đó những đứa trẻ ở đây sẽ được chữa khỏi bệnh hoàn toàn. "Điều đó chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta có thể loại trừ HIV. Hãy để ngôi làng này là nơi bắt đầu chấm dứt HIV/AIDS", anh Bapatle nói.
Thùy Vân (theo SCMP)