'Người hùng' có trái tim nhân ái của bệnh nhân HIV/AIDS

22/02/2023 09:09

(Chinhphu.vn) - Đó là Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, người đã được nhiều bệnh nhân HIV/AIDS yêu mến gọi là “Người hùng có trái tim nhân ái của bệnh nhân HIV/AIDS”, vì đã giúp nhiều số phận được “tái sinh” trước căn bệnh thế kỷ.

Hơn 2 thập kỷ gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS

TS. BS Phạm Bá Hiền đã có gần 25 năm công tác liên tục tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, đó cũng là thời gian ông gắn bó với ngành truyền nhiễm và những bệnh nhân HIV/AIDS.

Trải qua các nhiều vị trí công tác: Bác sĩ điều trị, Phó Trưởng khoa, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Phụ trách Phòng khám HIV/AIDS; Phó Giám đốc Bệnh viện, Chủ nhiệm Chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm Hà Nội… Từ tháng 3/2021 đến nay, ông được giao nhiệm vụ là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

“Người hùng” có trái tim nhân ái của bệnh nhân HIV/AIDS - Ảnh 1.

TS. BS Phạm Bá Hiền đã có gần 25 năm gắn bó với ngành truyền nhiễm và những bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Dù ở cương vị nào, TS. BS Phạm Bá Hiền cũng luôn cố gắng, chủ động trong công việc, đề xuất các giải pháp để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là bệnh viện được TP. Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ triển khai các hoạt động chỉ đạo tuyến, hoạt động chuyên khoa truyền nhiễm trong đó có công tác quản lý, chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân HIV/AIDS.

Xuất phát là bác sĩ ngành truyền nhiễm, một ngành được coi là vất vả, phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng cơ BS. Hiền không ngại khó, mà luôn tận tâm với công việc, đặc biệt là những bệnh nhân HIV/AIDS.

Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, BS. Hiền tham gia điều trị trực tiếp cho người bệnh nhiễm HIV/AIDS, hội chẩn các ca bệnh khó. Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, BS. Hiền còn tham gia hỗ trợ chuyên môn cho các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS khác của thành phố theo kế hoạch và khi có yêu cầu… Bên cạnh đó, ông còn tham gia công tác tư vấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống HIV/AIDS dưới nhiều hình thức, cả trực tiếp và gián tiếp. Ông cũng có đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố, cấp cơ sở đã được nghiệm thu về lĩnh vực này.

Những đóng góp của BS. Hiền đã giúp làm giảm tốc độ gia tăng nhiễm HIV, tỉ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3% dân số, đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về phòng chống HIV/AIDS.

"Tái sinh" cho những mảnh đời của bệnh nhân HIV/AIDS

Dù công tác ở bất kỳ vị trí nào, BS. Hiền vẫn luôn dành nhiều thời gian, toàn tâm và đồng hành cùng bệnh nhân HIV/AIDS. Vì với ông, những bệnh nhân HIV/AIDS là những bệnh nhân cần được sẻ chia nhất. Bởi theo BS. Hiền, những bệnh nhân HIV/AIDS đa phần là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhạy cảm, do sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị đã tự cô lập, tự ti, xa lánh mọi người, việc này cũng khiến cho nhiều bệnh nhân khó tiếp cận điều trị, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, và như vậy thì công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Ngay bản thân BS. Hiền trước đây cũng đã từng bị phân biệt đối xử, kỳ thị vì là bác sĩ chuyên điều trị cho bệnh nhân HIV. Khoảng 20 năm trước đây, khi vốn kiến thức, hiểu biết về HIV/AIDS trong cộng đồng còn hạn chế, thì ngay cả cán bộ y tế cũng còn có những người e dè, lo ngại khi phải tiếp xúc với ông. Ông cũng đã từng có thời gian ông bị đồng nghiệp, bạn bè "ngại" tiếp xúc vì lo sợ bị lây bệnh.

Rồi trong quá trình công tác, không ít lần ông đã phải đối diện với nguy cơ lây bệnh, điển hình là có lần bác sĩ đã từng cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tự tử, cắt cổ tay. Trong quá trình xử lý vết thương, ông bị máu của bệnh nhân bắn vào cả cánh tay, nhưng đứng trước nguy cơ sống còn của bệnh nhân, bác sĩ Hiền đã không chùn bước, lúc đó ông chỉ nghĩ đến việc là làm thế nào để có thể cứu mạng sống cho bệnh nhân.

BS. Hiền chia sẻ, nếu nắm chắc kiến thức, thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, quy trình phòng ngừa lây nhiễm bệnh chặt chẽ thì sẽ không còn cảm giác lo ngại khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật cho những bệnh nhân HIV/AIDS.

Theo BS. Hiền, quy trình khám chữa bệnh, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS không khác biệt lớn so với bệnh nhân bình thường. Tất cả trường hợp xử lý thăm khám điều trị đặc biệt là phẫu thuật liên quan đến tiếp xúc với máu, dịch cơ thể thì phải bảo đảm những quy trình về mặt chuyên môn. Quy trình đáp ứng yêu cầu an toàn cho người bệnh, an toàn cho nhân viên y tế và an toàn cho cộng đồng. Không chỉ phải phòng ngừa lây nhiễm virus HIV mà còn phòng ngừa viêm gan B, viêm gan C và nhiều bệnh lây truyền khác.

BS. Hiền khẳng định, việc xóa bỏ phân biệt đối xử sẽ giúp cho chúng ta tiến tới mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS nhanh hơn, bởi việc này sẽ giúp cho những "chiến sĩ áo trắng" mạnh mẽ hơn trong công tác cứu người, và làm cho những bệnh nhân HIV/AIDS yên tâm hơn khi tiếp cận xét nghiệm và điều trị sóm HIV/AIDS. Giúp cho những bệnh nhân HIV/AIDS được "tái sinh", giúp cho trẻ nhiễm HIV được học tập, làm việc và hưởng những quyền cơ bàn mà người nhiễm HIV được pháp luật bảo vệ.

Những bệnh nhân HIV của BS. Hiền có đủ mọi tầng lớp tri thức, có những người tưởng chừng như đã lìa xa cõi trần và đã được bác sĩ "hồi sinh", có những người đã từng tự ti nhưng nay đã tái hòa nhập cộng đồng, sống một cuộc sống tích cực, nhiều ý nghĩa. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những bệnh nhân rất mạnh mẽ, vững tin vào cuộc sống vì họ vẫn có thời gian dài khỏe mạnh để cống hiến cho gia đình và xã hội. Nhiều người sau khi nhiễm HIV lại trở thành những tuyên truyền viên tích cực, làm việc rất hiệu quả, hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của nước nhà.

Nhìn thấy nhiều mảnh đời HIV/AIDS được hồi sinh, thì BS. Hiền lại càng cảm thấy ấm lòng hơn và càng nỗ lực hơn cho để phục vụ cho công tác cứu người nói riêng, và công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung. Những đóng góp tích cực hàng ngày hàng đêm của BS. Hiền đang được ví như "chiếc phao cứu sinh" giữa dòng đời lạc lối của những số phận mang căn bệnh thế kỷ bị người đời xa lánh. 

Tấm gương điển hình trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân

Với những đóng góp và cống hiến tích cực trong gần 25 năm công tác, BS. Hiền đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, liên tục nhiều năm ông được tặng Bằng khen của Thành ủy, UBND Hà Nội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác; Bằng khen "Đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế giai đoạn 2008 - 2010"; Bằng khen "Đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống HIV/AIDS, giai đoạn 2011 - 2015" của UBND Hà Nội năm 2016"...

Không chỉ miệt mài với công tác phòng, chống HIV/AIDS, khi dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào nước ta từ năm 2020, BS. Hiền cũng là một trong những "chiến sĩ áo trắng" có nhiều đóng góp tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Với đóng góp đó, năm 2020, ông được UBND Hà Nội tặng Bằng khen "Đã có thành tích trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Hà Nội". Cùng năm, ông được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Năm 2021, ông được Công đoàn ngành Y tế Việt Nam tặng Bằng khen "Đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong phòng chống dịch COVID-19 năm 2021". Và danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022 là ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp, nỗ lực không mệt mỏi của người chiến sĩ áo trắng trên mặt trận phòng chống dịch bệnh, chăm lo cho sức khỏe nhân dân…

BS. Hiền khiêm tốn cho rằng, trong ngành Y, có rất nhiều tấm gương đóng góp lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Đặc biệt giai đoạn dịch bệnh vừa qua, hầu hết các cán bộ y tế đều là những "chiến sĩ áo trắng", là lực lượng thường trực ở tuyến đầu, dấn thân cống hiến để mang lại cuộc sống bình yên, mang lại sức khỏe cho mọi người. Vì vậy, được góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh nói chung và công cuộc phòng, chống HIV/AIDS nói riêng là niềm vui lớn lao của BS. Hiền. Để tiếp tục cống hiến cho ngành Y tế, BS. Hiền cho biết sẽ không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước bằng những hành động cụ thể, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là khoảng 242.000 người. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay; tỉ lệ hiện nhiễm HIV tăng rõ rệt; tỉ lệ nhiễm mới HIV cao, tăng lên từng năm; MSM và nhóm chuyển giới được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hàng năm trong thời gian tới.

Đáng chú ý, MSM là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỉ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua. Về xu hướng số trường hợp nhiễm mới HIV vẫn có xu hướng giảm, nhưng tốc độ giảm chậm hơn nhiều, hiện số ca nhiễm mới HIV ước tính khoảng 5.700 người.

HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, bởi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đáng lưu ý, dịch HIV vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ.

Thùy Chi

 

Top