Những hệ lụy khó lường từ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV
(Chinhphu.vn) - Việc phân biệt đối xử, kỳ thì với người nhiễm HIV/AIDS vô hình chung sẽ cản trở công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay và tạo ra những hệ lụy khó lường.
Rào cản lớn trong phòng, chống HIV
Đã hơn 30 năm đương đầu với HIV/AIDS, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng, chống HIV/AIDS, điển hình là chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch HIV/AIDS và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí đó là: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.
Cách đây 15 năm, mỗi năm Việt Nam phát hiện được khoảng hơn 30.000 trường hợp nhiễm HIV thì hiện nay chỉ còn khoảng 10.000-13.000 trường hợp và số trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS cũng giảm theo từng năm... Đặc biệt, trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và hơn 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam là một trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ.
Tuy đạt được nhiều thành quả tích cực, hiện nay công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn gặp nhiều khó khăn, do tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguồn lực cho công tác phòng chống ngày càng hạn hẹp, bên cạnh đó là do tình trạng phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến vô hình chung đã tạo ra những rào cản khó lường và là rào cản lớn đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Bởi tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS khiến cho những người bệnh giấu giếm thân phận, bỏ điều trị… dẫn tới khó kiểm soát dịch HIV, tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS, là rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động ... đã được pháp luật các quốc gia quy định.
Điển hình là trường hợp của chị D.T.C. (47 tuổi) ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Nếu như không nói thì không ai biết chị Ch. là người nhiễm HIV và đang điều trị thuốc ARV tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười.
Chị C. chia sẻ, chị phát hiện bệnh đã 20 năm nay do lây từ chồng. Người chồng do tiêm chích ma túy nên bị lây nhiễm HIV, đến giai đoạn cuối anh mới phát hiện tình trạng bệnh của mình. Thế rồi chồng chị không qua khỏi, để lại cho chị một đàn con thơ và gánh nặng về kinh tế.
Khi phát hiện bệnh chị C. được các y bác sĩ khuyên dùng thuốc kháng ARV nên chị đã tham gia điều trị bệnh một năm. Tuy nhiên, do tình trạng phân biệt đối xử kỳ thị, chị đã phải bỏ quê nhà đi biệt tích. Sau đó chị đã ngừng điều trị thuốc và rồi bệnh tình ngày càng trở nên trầm trọng.
Chị C. cho biết có lúc chị chỉ còn khoảng 40kg, người gầy guộc, sức khỏe yếu, không đủ sức để lao động. chị buộc phải đến khám bệnh tại bệnh viện. Một lần nữa chị lại được các bác sĩ, nhân viên y tế tư vấn về HIV, về lợi ích của tuân thủ điều trị, rồi tư vấn cho chị mua bảo hiểm để được hưởng quyền lợi như những người bệnh khác… Hiểu và trải qua thực tế bỏ trị và hậu quả với sức khỏe… nên lần này chị tuân thủ dùng thuốc, nhưng chị tiết lộ, hiện vẫn giấu tình trạng nhiễm HIV của mình. Quay lại dùng thuốc điều trị 3 năm nay, tuân thủ đều đặn nên giờ da dẻ chị hồng hào, khỏe mạnh... Hằng ngày chị C. vẫn đi bán vé số, kiếm thu nhập để nuôi các con ăn học.
BSCKI Vương Văn Phến, Trưởng Khoa nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười cho biết, HIV là bệnh mạn tính, nên người bệnh cần phải dùng thuốc đều đặn, hằng ngày để ức chế virus. Nếu bỏ điều trị hoặc uống thuốc không đều sẽ không ức chế được virus, làm suy yếu hệ miễn dịch, dẫn đến nhiễm trùng cơ hội từ nhẹ đến nặng, có thể tử vong. Nguy hiểm hơn, do cá nhân không tuân thủ sẽ sinh ra chủng HIV kháng thuốc và bệnh nhân có khả năng lây nhiễm cho nhiều người khác trong cộng đồng.
Những hệ lụy khó lường
Ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra, với các biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhiều người vẫn cho rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường hoặc nhiều người lại cho rằng chỉ có những người tiêm chích ma túy hoặc người mua, bán dâm... tức là những người cho là xấu mới bị nhiễm HIV/AIDS, coi nhiễm HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, chứ không phải là một bệnh mạn tính.
Bản chất của HIV/AIDS là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh… cũng làm cho người dân sợ hãi.
Theo các chuyên gia về phòng, chống HIV/AIDS, do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS thường giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS. Việc này khiến cho các cán bộ chuyên môn khó có thể gặp và tư vấn cho họ về kỹ năng phòng và tránh lây HIV/AIDS cho người khác, làm cho người nhiễm HIV/AIDS trở thành "quần thể ẩn", rất khó tiếp cận. Do đó, họ khó có thể tiếp nhận thông tin, kỹ năng phòng bệnh và do vậy họ hoàn toàn có thể truyền HIV cho người khác.
Bên cạnh đó, do thiếu sự thông cảm giúp đỡ của cộng đồng có thể dẫn đến tâm lý bi quan, thậm chí "uất ức và trả thù đời" của người nhiễm HIV. Hoặc có người đã có những ý nghĩ tiêu cực như tự kết liễu cuộc đời để không phải đối diện với sự gièm pha của dư luận.
Ngoài ra, do không tiếp cận được với người nhiễm HIV nên cũng khó có được số ca bệnh chính xác, từ đó khó ước tính và dự báo chính xác được về tình hình dịch… gây khó khăn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Không kỳ thị giúp người nhiễm HIV chiến thắng sợ hãi và sống có ích
Hiện nay, HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Theo báo cáo của địa phương, hiện có hơn 213.800 người nhiễm còn sống, lũy tích tử vong là 110.990 trường hợp. Năm 2021, cả nước phát hiện hơn 13.000 người nhiễm HIV và 1.855 người nhiễm HIV tử vong.
Trước đây lây nhiễm HIV ở Việt Nam chủ yếu lây qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây.
Theo số liệu giám sát trọng điểm HIV, năm 2014 tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trong nhóm này là 6,7%, năm 2017 là 12,2% và năm 2020 là 13,3%. MSM đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, nhóm MSM là nhóm rất khó tiếp cận nên đã có những trường hợp không dám lộ diện, không tiếp cận điều trị. Điển hình có trường hợp của em N.N.L (17 tuổi) sống tại TPHCM, do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về căn bệnh HIV/AIDS, cộng lại với nỗi lo sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị, sợ gia đình, bạn bè và xã hội biết được tình trạng bệnh của mình nên đã nhiều lần em đã cố tìm đến cái chết. May mắn thay, có một đồng đẳng viên biết được trường hợp của em nên đã khuyên nhủ em nhiều lần, thế rồi cuối cùng em cũng đã được tiếp cận điều trị. Nếu như em L. không gặp được người đồng đẳng viên kia thì không biết rồi em L. sẽ ra sao?
Để chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử kỳ thị với người nhiễm HIV, ngành y tế và các bộ ngành liên quan đã tăng cường công tác truyền thông. Truyền thông không chỉ làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng tránh, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS mà còn kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS; cũng như góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS... từ đó đã góp phần kiểm soát sự gia tăng dịch HIV/AIDS ở Việt Nam trong nhiều năm qua.
BS. Nguyễn Văn Lên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trực tiếp phụ trách lĩnh vực HV/AIDS cho biết, hiện kỳ thị vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, ở cơ quan, doanh nghiệp, ở ngay tại từng gia đình, dòng họ hay làng khu phố đối với người nhiễm HIV. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người cùng hiểu, nhận thức đúng về HIV/AIDS, đường lây truyền và phải coi người nhiễm HIV cũng như mắc các bệnh tật khác để chúng ta có cái nhìn cảm thông hơn, chia sẻ hơn… Bên cạnh đó bản thân người nhiễm HIV/AIDS cũng phải thấy được sự sẻ chia của cộng đồng, suy nghĩ tích cực, sống tích cực, có ích...
"Với sự hỗ trợ của các dự án, của cục phòng chống HIV chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động tiếp cận cộng đồng ở các nhóm tự lực, đây là cánh tay nối dài trong phòng chống HIV/AIDS", BS. Nguyễn Văn Lên cho hay.
Được biết, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, hướng tới mục tiêu Chiến lược kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030, trong đó cần đạt: 80% thanh niên 15-24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và 80% người dân 15-49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV/AIDS là việc làm cần thiết và rất cần đến các giải pháp truyền thông phù hợp, thích ứng để ngày càng có nhiều người nhiễm HIV được tiếp cận chăm sóc, điều trị và tham gia xây dựng cuộc sống không có HIV/AIDS.
Để làm được điều này, trước hết cần đổi mới tư duy về truyền thông. Đó là, chuyển từ truyền thông hù dọa sang truyền thông giải thích dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn; chuyển từ việc nhấn mạnh vào con đường lây nhiễm sang nhấn mạnh hơn con đường không lây; chuyển từ việc coi người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ là đối tượng sang coi họ là chủ thể của truyền thông; chuyển từ đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV sang đưa tin, hình ảnh tích cực về họ, cải thiện hình ảnh, tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng.
Với tư duy đổi mới, nội dung, thông điệp truyền thông sẽ tập trung giải thích để mọi người hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường. Giải thích về các tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, trong đó nhấn mạnh các tác hại đối với cộng đồng, với sự phát triển kinh tế - xã hội và làm cho dịch HIV lây lan nhanh hơn.
Bên cạnh đó, tăng cường đưa tin, quảng bá các hoạt động tích cực của người nhiễm HIV/AIDS, sự đóng góp của họ đối với cộng đồng và gia đình. Huy động sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà lãnh đạo, các vị chức sắc và những người có uy tín, những người nổi tiếng được quần chúng mến mộ vào các hoạt động truyền thông, kết hợp với sự thăm hỏi, động viên người nhiễm HIV/AIDS...
Truyền thông tích cực sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS đồng thời tạo ra sự cảm thông, chia sẻ và tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Khi ấy, mọi người sẽ cùng nhau làm việc vì người nhiễm HIV cũng như những người bệnh khác mà không phụ thuộc vào hành vi nào đã dẫn đến sự lây nhiễm HIV của họ.
Không kỳ thị sẽ giúp người nhiễm HIV chiến thắng được sự sợ hãi và tuân thủ tốt điều trị, sống khỏe mạnh và cống hiến cho gia đình và xã hội. Không chỉ có vậy, họ còn có thể sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả góp phần quan trọng vào sự thành công trong phòng, chống HIV/AIDS…
Thùy Chi