Những tín hiệu tích cực của Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày

20/08/2022 08:00

(Chinhphu.vn) - Bước sang năm thứ 2, đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày mang lại những kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho bệnh nhân, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biễn phức tạp.

Những tín hiệu tích cực của Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày - Ảnh 1.

Cấp phát Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân tại Lai Châu. Ảnh: Thùy Chi

Những lợi ích thực tế

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone được triển khai từ năm 2008 nhằm giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy. Thực tế cho thấy, đã có nhiều cuộc đời được hồi sinh nhờ tuân thủ điều trị Methadone. Tuy nhiên, cũng có không ít người bỏ cuộc giữa chừng do không có điều kiện đến cơ sở y tế lấy thuốc uống hằng ngày... Để khắc phục những hạn chế này, từ tháng 4/ 2021, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã thực hiện Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện về sử dụng tại nhà.

Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về nhà điều trị tạo sự thuận lợi cho người bệnh và tăng tính tuân thủ điều trị. Giúp những bệnh nhân ở lại với chương trình dài hơn, từ đó sẽ giảm được các tác hại của ma túy đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội, gia đình, giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh lây truyền qua đường máu khác.

Việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh cũng tạo thêm lựa chọn mới trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Đồng thời, thông qua hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng về việc cho người bệnh được mang thuốc về nhà điều trị; từ đó, giảm bớt gánh nặng trong việc đi lại cho người bệnh, góp phần cải thiện chất lượng điều trị Methadone ngày càng tốt hơn.

Trong năm đầu tiên, đề án thí điểm cấp phát Methadone nhiều ngày cho những người nghiện các chất dạng thuốc phiện được thực hiện ở 3 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên và Hải Phòng. Đây đều là những tỉnh có nhiều người nghiện các chất dạng thuốc phiện, tập trung chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, việc đi lại không thuận tiện…

Sau một năm thực hiện đề án, đã có 1.200 bệnh nhân được cấp phát thuốc mang về nhà. Người ít nhất được phát 1 liều/ngày, người nhiều nhất là 6 liều/ngày. Đến nay việc phát thuốc về nhà đều diễn ra an toàn, chưa có trường hợp nào xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt đề án mang lại nhiều thuận lợi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biễn phức tạp.

Số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, có đến 97% bệnh nhân duy trì điều trị Methadone từ 6 tháng trở lên đều có kết quả tốt. Việc cấp phát Methadone nhiều ngày giúp giảm thời gian và chi phí đi lại cho bệnh nhân, giúp tăng cơ hội có việc làm và tăng thu nhập cho bệnh nhân.

Ngoài ra, tại 3 địa phương thí điểm, có những nơi địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên việc cấp phát Methadone nhiều ngày giúp giảm nguy cơ tai nạn giao thông, đồng thời cũng tiết kiệm chi phí đi lại cho bệnh nhân.

Đối với ngành y tế, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát thì việc này giúp bảo đảm giãn cách xã hội, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 cho cán bộ y tế và các bệnh nhân tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Đồng thời, cũng giảm tải công việc cho nhân viên cấp thuốc và các thủ tục hành chính phát sinh. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy đề án thí điểm đang phát huy rất hiệu quả.

Từng bước nhân rộng mô hình trên toàn quốc

Điện Biên là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên được thí điểm thực hiện đề án cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh nghiện các chất dạng thuốc phiện điều trị ở nhà. Tính đến nay, tỉnh đã triển khai đề án tại 3 cơ sở điều trị và 6 cơ sở cấp phát thuốc Methadone. Đã có 522 bệnh nhân được phê duyệt là đối tượng được thực hiện đề án.

Trường hợp của anh N.V.H. ở Điện Biên cho biết, anh đã tham gia điều trị Methadone hơn 4 năm nay, tuy nhiên do nhà anh ở xa, cách cơ sở điều trị hơn 20 km nên việc đi lại uống thuốc hằng ngày rất khó khăn, nhất là những ngày mưa bão, làm ảnh hưởng đến công việc cũng như sức khỏe của anh. Từ ngày được nhận thuốc nhiều ngày, giúp anh giảm chi phí đi lại, anh tiết kiệm được thời gian cho công việc, đồng thời giúp anh cải thiện sức khỏe và cuôc sống. Chính vì vậy anh H. rất mong được tiếp tục nhận thuốc điều trị nhiều ngày để có thể tiết kiệm được thời gian, cũng như chi phí đi lại.

Nhằm tạo thuận lợi cho bệnh nhân khi điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone, ngành y tế Điện Biên vừa quyết định trong năm 2022 tăng 1.211 người được cấp thuốc Methadone nhiều ngày, nâng tổng số người được cấp thuốc Methadone nhiều ngày lên 1.638.

Theo đó, tổng số đối tượng được mở rộng điều trị (1.211) trong năm 2022 được chia thành 3 lộ trình cụ thể: Quý II có 472 bệnh nhân; quý III có 504 và quý IV có 235 bệnh nhân.

Để đảm bảo cấp thuốc kịp thời cho người bệnh, Sở Y tế Điện Biên quyết định mở rộng cơ sở cấp thuốc nhiều ngày đến 35/35 cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát trong toàn tỉnh.

Tại Lai Châu, công tác điều trị Methadone được thực hiện từ năm 2013. Toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị Methadone, 8 huyện, thành phố và 30 điểm cấp phát thuốc tại tuyến xã duy trì hoạt động. Số người tham gia điều trị Methadone, Buprenorphine là 2.289 người, đạt 76,7% so với người nghiện có trên địa bàn 2.996. Số người điều trị duy trì trên 1 năm đạt trên 80%, vượt chỉ tiêu giao của Bộ Y tế so với tỉnh miền núi như Lai Châu.

Tuy nhiên, thời gian qua có tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị bởi nhiều lý do, nhất là các bệnh nhân ở xa phải đi lại nhiều để đến cơ sở điều trị Methadone uống thuốc hằng ngày. Do vậy, Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày là tiền đề cho Lai Châu duy trì tính bền vững của chương trình điều trị thuốc thay thế và giảm chi phí không cần thiết của người bệnh.

Bước đầu triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai tại địa bàn 3 huyện, thành phố: Than Uyên, Tân Uyên và thành phố Lai Châu. Cụ thể, 3 cơ sở điều trị tại các Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, Tân Uyên và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 4 cơ sở cấp phát tuyến xã: Tà Mung, Phúc Than (huyện Than Uyên) và xã Hố Mít, Pắc Ta (huyện Tân Uyên). Sau 1 năm triển khai thí điểm, toàn tỉnh có hơn 370 bệnh nhân tham gia chương trình. Qua quá trình giám sát, hầu hết các bệnh nhân đều tuân thủ điều trị tốt, cách bảo quản thuốc an toàn. Người bệnh thực hiện tốt thì mỗi tháng sẽ được tăng thêm 1 liều mang về, có thể nhận lên đến 6 liều cho cả 1 tuần và 1 liều uống tại chỗ. Việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt còn giúp những người bệnh khác phấn đấu thay đổi hành vi tích cực để được mang thuốc Methadone về nhà sử dụng.

Để nhân rộng mô hình, Lai Châu sẽ tiếp tục nhân rộng ra 38 cơ sở điều trị, điểm cấp phát thuốc Methadone tại 8/8 huyện, thành phố trong năm 2022 và dự kiến sẽ có trên 1.300 bệnh nhân được cấp thuốc về nhà.

Từ những lợi ích của đề án thí điểm, ngành y tế dự kiến trong năm 2023 sẽ mở rộng ra toàn quốc. Đại diện Cục Phòng, chống HIVS/AIDS cho biết, trong năm 2022, đề án được mở rộng thêm 3 tỉnh nữa là Bắc Giang, Lào Cai và Nghệ An.

Đề án cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện mang về sử dụng tại nhà đã đáp ứng mong muốn của cả nhân viên y tế và người bệnh, góp phần phát triển mục tiêu thiên niên kỷ là giảm số người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Vì vậy, việc triển khai trên quy mô toàn quốc chỉ là việc trong tương lai gần.

Để được cơ quan chuyên môn lựa chọn cấp thuốc Methadone nhiều ngày, người bệnh phải đáp ứng 4 điều kiện: Đã đạt liều điều trị duy trì từ 2 tháng trở lên; không phát hiện sử dụng thêm chất dạng thuốc phiện hoặc các loại ma túy khác bằng xét nghiệm nước tiểu trong 2 tháng gần thời điểm kiểm tra; không bỏ liều điều trị Methadone trong 2 tháng mà không xin phép hoặc không báo cáo cơ sở điều trị; không vi phạm các quy định của cơ sở điều trị Methadone trong một năm qua.

Sau khi nhận thuốc tại cơ sở điều trị, người bệnh còn thường xuyên chịu sự giám sát trực tiếp tại nhà người bệnh của nhân viên y tế (xã, thôn, bản hoặc cán bộ y tế cơ sở điều trị/cấp phát thuốc); đồng thời chịu sự giám sát của cơ sở điều trị. Mọi sự giám sát nhằm kiểm soát việc tuân thủ quy định sử dụng thuốc của người bệnh; đảm bảo an toàn cho người bệnh và người nhà người bệnh khi được cấp thuốc Methadone nhiều ngày.

Thùy Chi

}
Top