Nỗ lực ngăn dịch bệnh HIV ở xã vùng cao Nghệ An

06/10/2022 16:23

(Chinhphu.vn) - Để người dân ở các bản làng xa của huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) hiểu rõ về căn bệnh HIV thì các y bác sĩ, nhóm đồng đẳng viên nơi đây vẫn miệt mài đi tuyên truyền. Dù bản làng có xa, đường xá cheo leo nhưng họ không hề nản chí.

Nỗ lực ngăn dịch bệnh HIV ở xã vùng cao Nghệ An - Ảnh 1.

Nhóm Sao Va (nhóm đồng đẳng) hỗ trợ, giúp đỡ người người mắc bệnh.

 Xã phát hiện hơn 400 người mắc HIV

Nói đến căn bệnh HIV, bác sĩ Vi Văn Kim - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tiền Phong, huyện Quế Phong cho biết, người dân trong xã bị HIV từ khoảng 2010. Đó là năm thủy điện Hủa Na trên địa bàn được xây dựng.

Nhắc đến mốc này vì thời điểm đó, người dân ở xã Đồng Văn được đền bù từ dự án thủy điện. Họ có tiền rồi lao vào ăn chơi, chích hút. Ngoài ra, hơn 300 gia đình ở một số xã khác được đền bù giải phóng mặt bằng đã tái định cự tại xã Tiền Phong. Trong số này, họ sử dụng ma túy chung kim tiêm nên bệnh dịch ngày càng lây lan.

Là xã đông dân với 2.344 hộ (hơn 10.282 nhân khẩu) nên người có H cũng đông nhất huyện, hơn 400 người mắc bệnh. Hầu hết các bản của xã đều có người mắc. Nhiều nhất là bản Tạng, bản Ná Sành….

Chúng tôi sững sờ với số lượng người bị HIV tạo nên vũng xoáy dịch ở vùng cao này thì bác sĩ Kim tỏ vẻ lo lắng không kém bởi số người nghiện do công an xã quản lý là hơn 20 người nhưng số nghiện "ngầm" (nghi nghiện) thì nhiều gấp nhiều lần. Dịch HIV phần lớn phát sinh từ những người nghiện này.

Giở cuốn sổ theo dõi những người có HIV, bác sĩ Kim trầm ngâm, trong số những bệnh nhân nhiễm H có rất nhiều hoàn cảnh thương tâm nhưng cũng chỉ biết cầu cứu những liều thuốc do Trung tâm y tế huyện cấp phát mỗi tháng một lần. Đó là chị Moong Thị K. (52 tuổi, ở bản Ná Cày) chỉ sống lủi thủi một mình, không chồng, không con. Rồi chị chị C.T.M (18 tuổi), chồng là L.V.T (19 tuổi) là người Khơ mú, trú ở bản Na Nhắng cưới nhau xong vẫn không biết mình bị H. Họ chỉ biết mình mang căn bệnh nguy hiểm khi được tình nguyện viên đồng đẳng vận động đi khám. Đáng thương nhất là em T.Q.A (10 tuổi, bản Tạng) bố mẹ đã mất vì H. giờ em sống cùng bà nội trong căn nhà dột nát.

Vượt khó ngăn dịch bệnh

Nghiện thường đi kèm với nghèo đói, bệnh tật. Đặc biệt, bệnh HIV khiến người mắc càng thu mình, cuộc sống của họ như chìm trong bóng tối. Nhắc đến việc này, bác sĩ Kim cho hay, trước đây thì người dân rất sợ và sống thu mình khi biết mình mắc bệnh. Nhưng giờ thì khác rồi khi chúng tôi thường xuyên tuyên truyền đến tận từng bản, từng người dân nên họ dần hiểu rõ về căn bệnh cũng như cách phòng tránh.

Ngoài ra, mỗi tháng Trạm y tế xã xuống bản một lần để giám sát dịch bệnh kết hợp tuyên truyền. Cùng với đó là nhóm Sao Va (nhóm đồng đẳng viên) hoạt động rất năng nổ, tiếp cận từng người nghiện, mắc bệnh HIV.

Theo bác sĩ Kim, công việc phòng chống HIV chưa giảm những gian nan khi các dự án rút về thì công tác tuyên truyền cũng như các tổ xét nghiệm lưu động phải hoạt động cầm chừng.

Chị Vi Thị Hồng – Phó khoa kiểm soát dịch bệnh, chuyên trách phòng chống HIV (Trung tâm Y tế huyện Quế Phong) thông tin, dù các dự án không còn nhưng chính quyền cũng như đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn luôn cố gắng vượt khó để phát hiện, điều trị những người nhiễm H.

"Chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì CLB Phòng chống H. do bí thư đoàn xã làm chủ tịch. Hay lồng ghép tuyên truyền về bệnh HIV cũng như cách phòng tránh, điều trị vào các cuộc truyền thông khác như phòng chống dịch bệnh, chăm sóc SKSS…" chị Hồng nói.

Tuyên truyền về đường lây bệnh H, cách phòng tránh, cách chăm sóc tại nhà, vật dụng can thiệp… là những kiến thức được các thành viên trong Nhóm Sao Va (nhóm đồng đẳng) do anh Lang Chung Hiền (cán bộ Phòng dân số, Trung tâm y tế huyện) phụ trách thuộc làu.

Theo anh Hiền chỉ có tuyên truyền tận nơi, từng người về căn bệnh này thì mới chặn được căn bệnh. Nhóm có 5 người nhưng hoạt động rất hiệu quả. "Hầu hết các xã, bản trên địa bàn đều có dấu chân của những người đồng đẳng viên này. Có vất vả nhưng họ hiểu rõ nếu không phát hiện người nhiễm thì lại có thêm những hoàn cảnh đáng thương, những gia đình tan nát về căn bệnh này".

Không chỉ đi tuyên truyền về bệnh HIV mà những người trong nhóm Sao Va thường xuyên tiếp cận, chăm sóc những người nghiện. Ngoài việc vận động những người này đi xét nghiệm để phát hiện H. thì việc hỗ trợ, vận động người nghiện, người nhiễm H. điều trị, uống thuốc được hiệu quả, thường xuyên hơn.

Thúy Vân (Theo SKĐS)


Top