Nữ doanh nhân góp 3 triệu USD cho Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam

08/03/2023 14:48

(Chinhphu.vn) - Nhằm chung tay góp phần đạt được các mục tiêu trong công tác phòng, chống lao, bà Lê Nữ Thùy Dương, Phó Chủ tịch KN Group đã ủng hộ khoản tiền lớn cho Quỹ Toàn cầu, qua đó hỗ trợ chương trình chống lao tại Việt Nam.

Nữ doanh nhân góp 3 triệu USD cho Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam - Ảnh 1.

Bà Lê Nữ Thùy Dương (thứ 6 từ phải sang) cùng ban lãnh đạo Chương trình Chống Lao Quốc gia Việt Nam(NTP) và đại diện Quỹ Toàn cầu trong chuyến thăm Bệnh viện Phổi Trung ương ở Hà Nội. Ảnh: Quỹ Toàn cầu cung cấp

Đại diện Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét và bà Lê Nữ Thùy Dương - Phó Chủ tịch Tập đoàn KN mới đây đã tới làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Ba Đình, Hà Nội). Bệnh viện cũng là nơi thụ hưởng chính sự hỗ trợ từ Quỹ cho các chương trình phòng chống lao tại Việt Nam.

Trước đó, tại hội nghị bổ sung của Quỹ Toàn cầu, bà Thùy Dương cam kết đóng góp 3 triệu USD. Quỹ Bill & Melinda Gates cũng công bố đóng góp 6 triệu USD mức hỗ trợ này, nâng tổng giá trị ủng hộ đến 9 triệu USD.

Bà Thùy Dương bắt đầu tham gia cùng Quỹ Toàn cầu từ năm 2019 với đóng góp 1 triệu USD tại Hội nghị huy động tài trợ lần thứ sáu của Quỹ Toàn cầu ở Lyon (Pháp) và được Quỹ Bill & Melinda Gates đóng góp số tiền tương đương vào thời điểm đó.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cam kết góp 50% số tiền bằng tổng số tiền mà bà Thùy Dương và Quỹ Bill & Melinda Gates ủng hộ. Do đó, Quỹ Toàn cầu sẽ nhận được tổng cộng 13,5 triệu USD. Nguồn ngân sách này được sử dụng cho các hoạt động phòng chống lao tại Việt Nam, trong đó chương trình Chống lao quốc gia là đơn vị được ưu tiên.

Bà Thùy Dương tham gia ủng hộ Quỹ toàn cầu từ năm 2019, với khoản đóng góp một triệu USD tại Hội nghị huy động tài trợ lần thứ 6 của quỹ này ở Lyon (Pháp).

Theo nữ doanh nhân, các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Trung ương có nhiều nỗ lực để thực hiện chương trình Chống lao Quốc Gia hiệu quả, mang lại giá trị lớn cho các bệnh nhân và cộng đồng. Đó cũng là động lực để bà tiếp tục đồng hành, góp phần giảm thiểu số bệnh nhân mắc bệnh lao trong thời gian tới.

Bà Françoise Vanni, Giám đốc Truyền thông Đối ngoại Quỹ Toàn cầu cho biết, sự đóng góp của các mạnh thường quân, và các tổ chức giúp đẩy mạnh cuộc chiến chống lại bệnh lao, mở rộng khả năng tiếp cận điều trị cho những người dễ có nguy cơ mắc bệnh và cứu được nhiều người hơn.

Nữ doanh nhân góp 3 triệu USD cho Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam - Ảnh 3.

Bà Lê Nữ Thùy Dương (thứ 4 từ trái sang) cùng ban lãnh đạo NTP, đại diện Quỹ Toàn cầu tại Khoa Vi sinh và Phòng xét nghiệm Lao Quốc gia. Ảnh: Quỹ Toàn cầu cung cấp

TS. Alaa Murabit, Giám đốc PAC Health của Quỹ Bill & Melinda Gates khẳng định: "Công tác phòng, chống lao cần sự chung sức, tham gia của các tổ chức công, tư nhân và từ thiện. Chúng tôi hoan nghênh mọi sự đóng góp nhằm nâng cao sức khỏe toàn cầu".

Tổ chức y tế thế giới (WHO) đánh giá, Việt Nam nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Việc điều trị bệnh lao ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình và xã hội. Năm 2020, hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao.

Đáng chú ý, 98% người bệnh phải gặp tình trạng chi phí chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hằng năm của gia đình; 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Đóng góp ngân sách tư nhân góp phần bù đắp thiếu hụt tài chính, giúp chương trình Chống lao quốc gia có nhiều cải tiến, giúp người bệnh dễ tiếp cận chương trình chẩn đoán và điều trị, rút ngắn thời gian chữa bệnh...

Chương trình Chống lao quốc gia áp dụng những kỹ thuật hiện đại, đưa lại kết quả nhanh chóng, chính xác; được WHO khuyến cáo để phát hiện, ghi nhận các ca bệnh lao bị bỏ sót, giảm lây lan trong cộng đồng.

Việc thu hút các đơn vị ngoài mạng lưới chương trình cùng tham gia, giúp sớm phát hiện người mắc bệnh lao và hỗ trợ lồng ghép điều trị lao vào các dịch vụ lâm sàng với trẻ em, cũng là ưu tiên của chương trình.

Từ năm 2004 đến nay, đóng góp của Quỹ Toàn cầu cho chương trình chống lao quốc gia đạt hơn 256 triệu USD. Giai đoạn 2024-2026, quỹ cam kết bổ sung 64 triệu USD để đồng hành cùng chương trình, nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19, chương trình vẫn duy trì hoạt động, phát hiện và điều trị 78.935 người bệnh lao với tỷ lệ điều trị thành công đạt 91%.

Thùy Chi

}
Top