PEPFAR cam kết cùng Việt Nam hướng tới mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030
(Chinhphu.vn) - Ngày 27/6, tại Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có buổi làm việc với Đoàn công tác cấp cao của Văn phòng điều phối Chương trình AIDS toàn cầu (SGAC) tại Việt Nam.
Tham gia tiếp Đoàn có bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Y tế; PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng đại diện lãnh đạo các phòng thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Về phía Đoàn SGAC, có TS. Parviez Hosseini, Trưởng bộ phận xây dựng Kế hoạch và triển khai hoạt động của chương trình PEPFAR tại Việt Nam, Văn phòng điều phối Chương trình AIDS Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; bà Ann Sangthong, Quản lý chương trình, Văn phòng điều phối Chương trình AIDS Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; bà Lin Liu, Giám đốc Điều phối chương trình PEPFAR Việt Nam; TS. Eric Dziuban, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Ritu Singh, Giám đốc phòng y tế, USAID Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng các cán bộ có liên quan…
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ sự cảm kích tới những hỗ trợ của PEPFAR trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, đặc biệt là những hỗ trợ về tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ ngành y tế.
Đồng thời đề nghị PEPFAR mở rộng thêm các tỉnh do PEPFAR hỗ trợ trực tiếp, đặc biệt các tỉnh đang tham gia tăng số người nhiễm mới HIV khu vực đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ thêm việc cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn tại các tỉnh triển khai đáp ứng y tế công cộng chùm ca bệnh trong khuôn khổ hỗ trợ của PEPFAR; cung ứng quỹ thuốc điều trị ARV dự phòng để bù đắp sự thiếu hụt thuốc ARV trong các tình huống khẩn cấp thiếu thuốc do các nguyên nhân khác nhau không kịp cung ứng thuốc;
Bên cạnh đó xem xét chuyển từ hỗ trợ tài chính sang hỗ trợ trực tiếp thuốc và sinh phẩm phục vụ cho một số mặt hàng khó triển khai đấu thầu trong nước hoặc hay bị gián đoạn; nâng cao năng lực cho nhân viên y tế các điểm cung cấp dịch vụ trong phạm vi toàn quốc; hỗ trợ quốc gia cùng xây dựng một hệ thống quản lý thông tin về HIV/AIDS dùng chung và chia sẻ dữ liệu tổng hợp cho xây dựng chính sách, nâng cao chất lượng dịch vụ cho các cơ sở y tế do PEPFAR hỗ trợ nói riêng và toàn hệ thống nói chung.
Về phía SGAC, TS. Parviez Hosseini đánh giá cao sự hợp tác tích cực giữa hai bên và những thành tựu của Việt Nam đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam cũng là một trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới và là một điểm sáng về các sáng kiến trong công tác phòng, chống HIV/AIDS để các nước trên thế giới học tập như: chuyển giao thành công bảo hiểm y tế; huy động sự tham gia của khối tư nhân, cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; triển khai ứng dụng telePrEP (dịch vụ điều trị PrEP có sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông); ứng dụng telemedicine (sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong y học)…
Sau khi nghe những đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế, TS. Parviez Hosseini cho biết PEPFAR cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam hướng tới mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Trong khuôn khổ làm việc tại Việt Nam, Đoàn công tác đã có chuyến công tác và làm việc tại TPHCM, Cần Thơ và Đồng Nai trong tuần từ 19-23/6/2022.
Năm 2004, Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới được tiếp nhận hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) trong giai đoan 2004-2009. Kể từ đây, để quy về một mối hầu hết các tài trợ từ tổ chức Chính phủ và Phi Chính phủ Hoa Kỳ cho Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đều nhận kinh phí của PEPFAR.
PEPFAR là nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn vừa qua. Theo báo cáo, ngân sách chi cho phòng, chống AIDS những năm gần đây có đến 65% là nguồn viện trợ thì nguồn hỗ trợ của PEPFAR chiếm tới 60%.
Về giám sát dịch, PEPFAR đã hỗ trợ trong việc tìm ca, đưa ra các biện pháp cảnh báo sớm về xu hướng dịch góp phần ngăn chặn dịch và khống chế dịch HIV. Đa dạng trong các mô hình dự phòng, hàng loạt các sáng kiến, giải pháp trong dự phòng HIV/AIDS được thí điểm và triển khai mở rộng như điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, Buprenorphine và Methadone mang về nhà.
Giang Oanh