Phòng, chống tệ nạn xã hội trong bối cảnh bình thường mới

24/01/2023 12:45

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh dịch COVID - 19 đã được kiềm chế nhưng tình hình kinh tế-xã hội vẫn có nhiều biến động phức tạp, Bộ LĐTB&XH đã tập trung triển khai các nhiệm vụ theo chương trình, dự án, đề án giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao (ở 3 lĩnh vực: phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân), kịp thời đưa ra các giải pháp, biện pháp phù hợp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu.

Phòng, chống tệ nạn xã hội trong bối cảnh bình thường mới - Ảnh 1.

Truyền thông phòng, chống mua bán người tại phiên chợ Y Tý, Bát Xát, Lào Cai - Ảnh: Như Ngọc

Chủ động khắc phục khó khăn

Hơn hai năm qua, dịch COVID-19 không chỉ gây ra những tác hại về kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người dân mà còn làm tăng nguy cơ tệ nạn xã hội, kể cả thời gian giãn cách xã hội. 

Theo đó, tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp với những biến tướng tinh vi trong hoạt động mại dâm, sử dụng trái phép chất ma túy và mua bán người của các nhóm tội phạm; nhiều thanh thiếu niên, phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt, dụ dỗ tham gia vào các đường dây buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm, mua bán người và đưa người trái phép ra nước ngoài.

Năm 2022, Bộ LĐTB&XH, Cơ quan thường trực về phòng, chống mại dâm của Ủy ban Phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách về phòng, chống mại dâm; tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. 

Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các bộ ngành, đoàn thể Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch thực hiện hiệu quả các nội dung nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại 3 Chương trình phòng, chống ma túy, phòng, chống mại dâm và phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân.

Năm 2022, theo số liệu báo cáo của 40/63 tỉnh, thành phố, số người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội là 8.522 người, số có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ là 15.792 lượt người (đạt 100% chỉ tiêu). 

Tính đến nay, có 42 điểm mô hình được triển khai xây dựng thí điểm hoặc duy trì tại 13 tỉnh, thành phố theo 3 khung mô hình của Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.

Đối với công tác cai nghiện ma túy, trong năm 2022, tỷ lệ người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy đạt 70% (kế hoạch năm là 76%), bằng 92% kế hoạch. Tỷ trọng người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, CSCNMT trong tổng số người nghiện được cai nghiện đạt 25% (kế hoạch năm là 40%), bằng 62.5% kế hoạch.

Tính đến ngày 15/12/2022, các CSCNMT công lập trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 63.253 người. Bên cạnh đó, 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện đã điều trị  cho 2.896 người...

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH tiếp tục tổ chức thí điểm các mô hình cai nghiện ma túy theo chủ trương đa dạng hóa công tác cai nghiện như mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại TP. Hà Nội và TPHCM; mô hình "can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy", mô hình "Hỗ trợ tư vấn, kết nối các dịch vụ điều trị nghiện ma túy" tại Đà Nẵng, mô hình "Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tại cộng đồng dân cư", mô hình "Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội" tại TPHCM....

Về phòng chống mua bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, năm 2022, số người được tiếp nhận, xác minh là 464 người; 243 người xác định là nạn nhân bị mua bán; 224 nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ (bao gồm cả người trở về từ những năm trước). Trên cơ sở nhu cầu nạn nhân, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ: nhu cầu thiết yếu cho 179 nạn nhân, đi lại cho 143 nạn nhân, y tế cho 77 nạn nhân, tâm lý cho 117 nạn nhân, trợ giúp pháp lý cho 41 nạn nhân và hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 43 nạn nhân theo quy định của pháp luật. 

Một vấn đề nóng được dư luận quan tâm thời gian qua là các nhóm tội phạm với chiêu thức "việc nhẹ, lương cao", sử dụng mạng xã hội, tìm cách tiếp cận, dụ dỗ, hứa hẹn đưa người sang Campuchia làm việc tại các cơ sở karaoke, massage, kinh doanh cờ bạc qua mạng với mức lương cao. Khi sang Campuchia, một số người bị ép buộc làm gái mại dâm tại các quán karaoke, massage; bị cưỡng bức lao động không lương... Nếu người nào không đồng ý thì bị chúng đe dọa đánh đập và yêu cầu phải trả một khoản tiền "chuộc thân" thì mới được "thả" về Việt Nam, nếu không, sẽ tiếp tục bị bán qua các cơ sở khác.

Chính vì vậy, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tục phát đi cảnh báo về tình trạng nhiều người Việt Nam bị lừa đảo, môi giới đi lao động bất hợp pháp tại Campuchia với thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao". Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia phối hợp tiếp nhận thông tin, xác minh, triển khai các biện pháp bảo hộ công dân và kịp thời hỗ trợ công dân gặp khó khăn, bị lừa gạt và cứu thoát, đưa hàng ngàn người về nước an toàn, cũng như hỗ trợ thủ tục cho hàng trăm công dân khác.

Sau khi hoàn thành thủ tục bàn giao, tiếp nhận, xác minh, 100% nạn nhân có nhu cầu được thăm hỏi, động viên, ổn định tâm lý, chăm sóc sức khỏe và bố trí nơi ăn nghỉ ổn định, an toàn. Đồng thời, trực tiếp hỗ trợ gói nhu cầu thiết yếu ban đầu gồm: quần áo, vật dụng cá nhân cần thiết trong thời gian lưu trú tại các cơ sở bảo trợ xã hội/cơ sở hỗ trợ nạn nhân. 

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, trong năm, Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao cũng đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Chú trọng hiệu quả công tác tuyên truyền, phối hợp liên ngành

Để phù hợp với tình hình mới, trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong công tác rà soát, ban hành các chính sách, ván bản hướng dẫn liên quan. Trong đó, tập trung hoàn thiện chính sách phòng, chống mại dâm, hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm, bảo đảm tôn trọng quyền con người, chú trọng giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với người bán dâm và xã hội.

Đồng thời, nghiên cứu, rà soát các quy định về chính sách, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán phù hợp với thông lệ quốc tế và Việt Nam để bổ sung vào Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi); nghiên cứu, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ cai nghiện ma túy, hỗ trợ người bán dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán....

Bên cạnh đó, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) tiếp tục tham mưu cho Bộ và UBQG, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thực hiện đổi mới cả về nội dung, phương pháp, đa dạng hình thức tuyên truyền về phòng, chống mại dâm; phòng ngừa nghiện ma túy, điều trị, cai nghiện ma túy và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán qua các phương tiện truyền thông, mạng Internet, các hội nghị, hội thảo trực tuyến…nhằm không để bị đứt gãy các hoạt động truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội.

Qua đó cũng góp phần xóa dần mặc cảm, kỳ thị với người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân của mua bán người, đồng thời, quan tâm giúp đỡ người nghiện cai nghiện, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Ngoài ra, thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư, quy hoạch, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất các cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo tiêu chí mới; hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật cung cấp dịch vụ hỗ trợ người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán...

Công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống, cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm, mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học nhằm học hỏi kinh nghiệm tiến bộ của các nước trong khu vực và thế giới trong hỗ trợ, giúp đỡ nhóm người yếu thế trong bối cảnh bình thường mới, hậu COVID-19. Ưu tiên xây dựng chương trình, tài liệu tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp ở tuyến đầu và cơ sở.

Như Ngọc

Top