Phòng ngừa và điều trị loãng xương, đau khớp ở người nhiễm HIV
(Chinhphu.vn) - Người nhiễm HIV thường phải đối mặt với cơn đau khớp, nguy cơ loãng xương cao. Việc này ảnh hưởng nhiều đến nhịp sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Để giảm bớt triệu chứng này, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu cơn đau.
Mối liên hệ giữa HIV và các vấn đề về xương
Xương là mô sống, được cấu tạo từ protein, collagen và các khoáng chất, đặc biệt là canxi... Khi già đi, cơ thể có thể ngừng phát triển xương mới đủ nhanh để thay thế hoàn toàn xương cũ. Theo thời gian, điều này có thể khiến xương trở nên giòn, dễ gãy.
Khoảng một nửa số người nhiễm HIV sẽ bị loãng xương, có nguy cơ gãy xương ít nhất gấp đôi so với những người không bị nhiễm virus này. Nhiều yếu tố có thể đóng vai trò làm tăng nguy cơ giảm mật độ xương và gãy xương, bao gồm:
Những người nhiễm HIV có nhiều khả năng mắc các yếu tố nguy cơ gây mất xương hơn, bao gồm hút thuốc, uống rượu, sử dụng thuốc phiện, nồng độ testosterone thấp, lượng canxi và vitamin D hấp thụ thấp hơn.
Bản thân virus HIV: Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa HIV và tình trạng mất xương. Các vấn đề như gãy xương có thể phổ biến hơn khi HIV trở nên nghiêm trọng hơn.
Một số loại thuốc điều trị HIV có thể làm xương yếu đi: Trong các nghiên cứu, thuốc tenofovir disoproxil fumarate có liên quan đến tình trạng mất xương. Một nhóm thuốc điều trị HIV có tên là chất ức chế protease cũng đang được nghiên cứu, nhưng nguy cơ về xương của chúng vẫn chưa rõ ràng.
Những người nhiễm HIV đang già đi: Nhờ có nhiều loại thuốc điều trị HIV hiệu quả, nên người nhiễm HIV có tuổi thọ cao hơn. Ngay cả khi không nhiễm HIV, bạn vẫn có khả năng bị mất xương khi bước vào độ tuổi 40 hoặc 50. Đối với phụ nữ, tình trạng mất xương xảy ra nhanh nhất trong vài năm đầu sau thời kỳ mãn kinh.
Phòng ngừa loãng xương như thế nào?
Loãng xương thường được gọi là căn bệnh thầm lặng, vì bạn có thể không biết mình bị bệnh, cho đến khi bị gãy xương hông hoặc cổ tay. Tình trạng này có xu hướng di truyền trong gia đình.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện các bước để bảo vệ xương tốt hơn bằng cách:
Đối với người hút thuốc, hãy bỏ thuốc. Uống rượu ở mức độ vừa phải hoặc không uống. Duy trì hoạt động và tập thể lực: Các hoạt động như đi bộ và cử tạ... giúp xương chắc khỏe hơn. Ăn thực phẩm giàu canxi/vitamin D như sữa chua, các loại hạt, đậu phụ, bông cải xanh, lòng đỏ trứng, pho mát… Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung thêm canxi và vitamin D…
Sàng lọc và điều trị loãng xương
Xét nghiệm mật độ khoáng xương thường được khuyến nghị cho những người nhiễm HIV khi mãn kinh (nếu bạn là phụ nữ) hoặc sau 50 tuổi nếu bạn là nam giới. Xét nghiệm này cho biết mật độ khoáng xương trong cơ thể, xem có bị loãng xương hay mất xương không?
Nhìn chung, việc điều trị loãng xương cho người nhiễm HIV không khác gì so với những người không nhiễm HIV. Bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống, điều chỉnh tình tình trạng thiếu hụt vitamin D, kê đơn bisphosphonate (khi cần thiết) để ngăn chặn tình trạng mất xương nhiều hơn.
Kiểm soát đau khớp liên quan đến HIV
HIV có thể làm tổn thương các dây thần kinh khắp cơ thể, gây ra cơn đau dữ dội. Đau dây thần kinh là cơn đau phổ biến nhất ở người nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, HIV gây suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể có nguy cơ mắc mới hoặc tái phát các bệnh nhiễm trùng, gây ra cơn đau.
Hơn nữa, thuốc điều trị HIV được gọi là thuốc kháng virus hoặc ARV có thể gây ra tác dụng phụ lâu dài như phát ban gây đau đớn.
Trong nhiều trường hợp, người nhiễm HIV bị đau mạn tính do cả ba nguyên nhân trên.
Các loại đau thường gặp do HIV
Đau dây thần kinh: Loại đau dây thần kinh này gây tê, ngứa ran và nóng rát, chủ yếu xảy ra ở chân, bàn chân, tay, cánh tay.
Đau bụng: Thuốc điều trị HIV có thể gây buồn nôn, tiêu chảy và co thắt dạ dày khi người nhiễm bắt đầu dùng chúng. Những triệu chứng này thường biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần nhưng cũng có thể kéo dài hơn.
Đau đầu: Đây là tác dụng phụ thường gặp của thuốc điều trị HIV. Cơn đau đầu có thể biến mất sau vài tuần nhưng đôi khi kéo dài hơn. Đau đầu cũng có thể là triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng khác, như bệnh giang mai hoặc bệnh mụn rộp giai đoạn nặng.
Phát ban: Một số loại thuốc điều trị HIV có thể gây phát ban đau đớn. Một số nhẹ và tự khỏi, nhưng cũng có những trường hợp nghiêm trọng. Các bác sĩ gọi đây là phản ứng quá mẫn. Đôi khi, chúng có thể là phản ứng dị ứng với thuốc.
Dù nguyên nhân là gì thì phản ứng quá mẫn đều có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Người bệnh nên thông báo với bác sĩ bất kỳ phát ban nào cơ thể gặp phải, ngay cả khi tình trạng này có vẻ không phải là vấn đề lớn.
Loét miệng: Với các trường hợp nhiễm HIV nhưng không điều trị, những vết loét miệng thường trầm trọng hơn do hệ thống miễn dịch suy yếu. Không chỉ thế, loét miệng còn có thể là dấu hiệu cho thấy nhiều nguy cơ nhiễm một số bệnh nhiễm trùng khác.
Ngoài ra, người nhiễm HIV còn có thể xuất hiện đau cơ, xương, khớp, đau cơ xơ hóa…
Kiểm soát đau khớp liên quan đến HIV
Theo PGS. TS. Bùi Khắc Hậu, nguyên giảng viên Đại học Y Hà Nội, có nhiều cách để kiểm soát cơn đau, có hoặc không dùng thuốc. Nếu nhiễm HIV là nguyên nhân gây đau hoặc sưng khớp, thuốc điều trị bằng thuốc kháng virus (ART) để kiểm soát virus có thể làm giảm cơn đau.
Nếu thuốc ART hoặc statin điều trị cholesterol cao gây đau cơ quanh khớp, bác sĩ có thể chuyển sang loại thuốc khác hoặc đề xuất biện pháp khác để kiểm soát cơn đau.
Giảm đau bằng thuốc: Một số loại thuốc giúp kiểm soát đau khớp và viêm như acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc aspirin, thuốc xoa bóp giảm đau tại chỗ như capsaicin hoặc lidocain…
Các liệu pháp giảm đau không dùng thuốc: Những phương pháp giảm đau không dùng thuốc giúp não giải phóng endorphin, một chất hóa học giảm đau tự nhiên, bao gồm: Vật lý trị liệu (PT); Mát xa; Châm cứu và bấm huyệt; Thiền; Thực hiện các bài tập yoga theo hướng dẫn; Liệu pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh tại vùng khớp bị đau.
Ngoài ra, để giảm đau tốt nhất, người bệnh nên thực hiện lối sống năng động, kết hợp các bài tập tim mạch, tập tạ và giãn cơ vào hầu hết các ngày trong tuần. Bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ khi có triệu chứng để điều trị và tìm ra bài tập phù hợp nhất với cơ thể và tình trạng sức khỏe của bản thân mình.
Thùy Chi