Thuốc kháng virus thế hệ mới hy vọng chấm dứt đại dịch HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Tin vui cho những bệnh nhân HIV là thuốc lenacapavir đã được bán dưới tên thương hiệu Sunlenca để điều trị HIV tại Mỹ, Canada, châu Âu. Gilead cho biết có kế hoạch sớm xin cấp phép sử dụng Sunlenca để phòng ngừa HIV.
Hãng dược Gilead mới công bố một kết quả nghiên cứu cho thấy, lenacapavir, một loại thuốc kháng virus thế hệ mới được dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV, có hiệu quả phòng ngừa lên 100% trong việc ngăn ngừa căn bệnh thế kỷ nếu được tiêm 2 mũi/năm.
Theo báo cáo, thuốc có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV đối với phụ nữ và có hiệu quả gần như tương đương ở nam giới.
Gilead cho biết sẽ bán các phiên bản thuốc này với giá thành rẻ tại 120 quốc gia nghèo có tỷ lệ nhiễm HIV cao, chủ yếu là ở châu Phi, Đông Nam Á và Caribe.
Đánh giá về loại thuốc này, Giám đốc điều hành Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) Winnie Byanyima nhận định, liệu pháp này vượt trội hơn nhiều so với bất kỳ phương pháp phòng ngừa nào khác hiện nay.
Hoan nghênh việc Gilead phổ cập loại thuốc này với giá phải chăng ở các nước nghèo, bà Byanyima nhấn mạnh khả năng ngăn chặn căn bệnh AIDS của thế giới phụ thuộc vào việc sử dụng loại thuốc này ở các quốc gia có nguy cơ cao.
Biện pháp này không chỉ giúp ngăn chặn căn bệnh thế kỷ, mà còn mang ý nghĩa nhân văn khi giúp cho những người thuộc diện nguy cơ cao, như người đồng tính, giảm bớt tình huống bị kỳ thị bởi họ chỉ cần đến các cơ sở y tế để tiêm thuốc 2 lần/năm, thay vì phải đăng ký và nhận thuốc phòng ngừa hằng ngày theo các chương trình của chính phủ.
Trong báo cáo được công bố nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS mới đây, UNAIDS cho biết, trong năm 2023, thế giới ghi nhận 630.000 ca tử vong do căn bệnh thế kỷ, mức thấp nhất kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2004. Thành tựu này đánh dấu một cột mốc quan trọng, cho thấy thế giới đang có cơ hội chấm dứt đại dịch này.
Trước đó, Lenacapavir đã được thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn tại châu Phi và cho hiệu quả tuyệt đối trong phòng ngừa HIV. Dữ liệu cho thấy, hơn 2.000 phụ nữ trẻ sống tại khu vực có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao ở châu Phi đã được tiêm Lenacapavir. Kết quả sau 3 năm, không có người phụ nữ nào nhiễm HIV.
Bắt đầu từ năm 2021, những người phụ nữ này được chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 2.134 phụ nữ được tiêm Lenacapavir. Nhóm thứ 2 và thứ 3 gồm 1.068 và 2.136 người, lần lượt sử dụng Truvada và Descovy - 2 loại thuốc quen thuộc cũng do Gilead phát triển.
Truvada và Descovy hiện là 2 loại thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV tiêu chuẩn, cần phải được uống hàng ngày mới duy trì được hiệu quả phòng bệnh. Trong khi đó, Lenacapavir là thuốc tiêm có hiệu lực kéo dài lên tới 6 tháng, nhưng mới chỉ đang trong quá trình thử nghiệm.
Thí nghiệm Purpose 1 được thiết kế để so sánh hiệu quả của Lenacapavir với Truvada và Descovy. Kết quả cho thấy, trong vòng 3 năm theo dõi, có 16 phụ nữ tham gia thử nghiệm sử dụng Truvada và 39 người khác sử dụng Descovy đã nhiễm HIV.
Hiệu quả phòng bệnh của 2 loại thuốc này dừng lại ở mức 98,5 và 98,2%. Trong khi đó, không có phụ nữ nào tiêm Lenacapavir bị nhiễm bệnh. Tỉ lệ phòng ngừa là 100%, tuyệt đối.
Nếu chỉ nhìn vào con số, khoảng cách 1,5% giữa hiệu quả trong điều kiện thử nghiệm của Lenacapavir và Truvada không tạo ra khác biệt quá lớn. Truvada, loại thuốc có hiệu quả lên tới 98.5% cũng từng được kỳ vọng sẽ giúp nhân loại chấm dứt đại dịch HIV/AIDS kể từ khi được cấp phép vào năm 2012.
Nhưng sau hơn một thập kỷ đã qua, hiện thế giới vẫn ghi nhận hơn 1,3 triệu ca mắc mới HIV mỗi năm. Con số chỉ giảm xuống từ đỉnh điểm 2 triệu ca/năm vào năm 2010, trước thời đại của những viên thuốc Truvada.
Vấn đề của loại thuốc này là những người có nguy cơ nhiễm HIV cao như người quan hệ tình dục đồng giới, người có nhiều bạn tình và người tiêm chích ma túy, phải sử dụng thuốc liên tục mỗi ngày. Trong khi đó, lenacapavir, có hiệu quả phòng ngừa lên 100% trong việc ngăn ngừa căn bệnh thế kỷ nếu được tiêm 2 mũi/năm, mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch HIV/AIDS trong thời gian không xa.
Thùy Chi