Phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có khả năng mang thai, sinh con không nhiễm HIV

14/06/2024 16:49

(Chinhphu.vn) - Hiện nay phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có khả năng mang thai, sinh con không bị nhiễm HIV khi tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ nhiễm HIV cho con là khi tải lượng virus trong máu dưới ngưỡng phát hiện.

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt kết quả tích cực

Kể từ năm 2009, chiến dịch quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên đã được phát động trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh cách tiếp cận toàn diện cho chương trình này. Sau đó, Bộ Y tế đã chọn tháng 6 hằng năm là Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đến nay, sau 15 năm triển khai thực hiện, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều phụ nữ nhiễm HIV được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có khả năng mang thai, sinh con không nhiễm HIV- Ảnh 1.

Thăm khám cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây nhiễm HIV/AIDS, nguy cơ lây truyền HIV lên đến 40%. Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy trẻ sơ sinh nhiễm HIV chủ yếu là do lây truyền HIV từ mẹ.

Nếu không có bất kỳ hình thức điều trị hoặc chăm sóc nào, khả năng người phụ nữ nhiễm HIV truyền bệnh sang con là rất lớn. Tuy nhiên, hiện việc được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con giảm đi rất nhiều, thậm chí là 0%.

WHO nhận định, việc lây truyền virus có thể được ngăn chặn gần như hoàn toàn, nếu cả mẹ và con đều được cung cấp thuốc kháng virus (ARV) càng sớm càng tốt, trong thời kỳ mang thai và trong thời gian cho con bú.

Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được xem là giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỉ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng là phương pháp tiết kiệm chi phí nhất và là một trong những phương pháp phù hợp nhất để tiếp cận thuốc kháng virus ARV.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2009 đến hết tháng 5/2024, ngành Y tế tỉnh đã điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV cho gần 170 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. 100% trẻ được can thiệp dự phòng đều có kết quả âm tính với HIV. Hiện, thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được cấp hoàn toàn miễn phí tại 13 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên và Trung tâm y tế 9 huyện, thành phố.

Các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố có cung cấp dịch vụ sản khoa đều thực hiện việc tư vấn, xét nghiệm HIV ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai tới khám. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ được chăm sóc, điều trị, chuyển gửi, cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và được điều trị bằng thuốc dự phòng ngay khi phát hiện nhiễm HIV.

Hay tại Quảng Nam, số liệu thống kê năm 2023 từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, nguyên nhân nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con chỉ chiếm 1%. Cụ thể, hiện tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng của tỉnh dưới 0,1% dân số (tỉ lệ này ở Trung ương là 0,3%), trong đó nam giới vẫn chiếm đa số (65%), nữ giới chiếm 35% các trường hợp nhiễm HIV.

Nguyên nhân lây nhiễm HIV chủ yếu vẫn là lây truyền qua đường máu do dùng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma tuý (59%), quan hệ tình dục (35%), lây truyền từ mẹ sang con (1%) và lây qua đường khác (5%).

Xu hướng nữ giới nhiễm HIV ngày càng tăng dần trong thời gian gần đây. Các trường hợp nhiễm HIV chủ yếu nằm trong độ 20-39 tuổi (hơn 82%), số mắc mới HIV có xu hướng trẻ hóa. Tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng gia tăng, đặc biệt là nhóm MSM.

Tại Đồng Nai, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được ngành y tế triển khai rất tích cực, mang lại nhiều hiệu quả cao, những năm gần đây hầu như 100% số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV (được uống thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con) đều có kết quả âm tính với virus HIV.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, chỉ tính riêng từ quý 1 năm 2024, Đồng Nai đã tiến hành xét nghiệm HIV cho 6.012 phụ nữ mang thai, trong đó có 1 người dương tính HIV. Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV là 7 người, số trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV được làm xét nghiệm là 6 trẻ, tất cả các trẻ này đều âm tính với virus HIV.

Trường hợp của chị N.T.O. (31 tuổi), cách đây 3 năm chị phát hiện nhiễm HIV khi vào bệnh viện khám thai chuẩn bị sinh. Đây là con đầu tiên nên chị O. rất lo lắng. Được sự tư vấn nhiệt tình và chu đáo của các y, bác sĩ, chị đã dần lấy lại niềm tin và thực hiện tốt chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đến ngày chuyển dạ, để bảo đảm an toàn cho thai nhi, tránh lây nhiễm cho em bé, các bác sĩ đã tiến hành mổ lấy con cho chị. Sau sinh, em bé được bú sữa ngoài hoàn toàn và uống thuốc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV trong vòng 1 tháng. Cho đến thời điểm hiện tại con chị O. vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, âm tính với HIV.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con - biện pháp hiệu quả đầy nhân văn

BS. Vũ Thị Ngọc, Phó trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai khẳng định: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một biện pháp hiệu quả nhất, có tính nhân văn nhất làm giảm tỉ lệ trẻ bị nhiễm HIV, tiến tới không còn trẻ nhiễm mới. Nếu không có can thiệp nào thì tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con lên tới 40%. Tuy nhiên, nếu được dự phòng tích cực cho mẹ và con thì tỉ lệ này có thể dưới 2%, thậm chí thấp hơn, có nghĩa là cứ 100 phụ nữ nhiễm HIV sinh con thì có 2 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Trong thời gian qua, hầu hết phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều được các bác sĩ tư vấn, sàng lọc và lấy máu xét nghiệm HIV sớm, vì vậy không có trẻ nào sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Đây được đánh giá là biện pháp hữu ích, không chỉ phòng ngừa HIV, mà còn tạo điều kiện chăm sóc, hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và các bé sinh ra có được sức khỏe phát triển bình thường.

BS. Nguyễn Văn Chiến, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể lây truyền virus cho con qua 3 giai đoạn, khi mang thai, khi chuyển dạ đẻ và khi cho con bú. Vì vậy, phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu được phát hiện sớm, tuân thủ điều trị thuốc kháng virus ARV, bảo đảm tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, thấp hơn 200 bản sao/mL và áp dụng các biện pháp can thiệp hiệu quả trong suốt quá trình mang thai, khi sinh và khi cho con bú thì tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ xuống rất thấp, có thể dưới 2%.

Để đạt được kết quả 100% trẻ được can thiệp dự phòng đều có kết quả âm tính với HIV, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện lồng ghép triệt để vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tiếp cận với phụ nữ mang thai sớm nhất nhằm khắc phục tình trạng xét nghiệm HIV muộn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV muộn ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Để đạt hiệu quả cao chương trình, các cán bộ y tế được tập huấn bài bản về chuyên môn, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ người bệnh. Hệ thống y tế được củng cố, trang thiết bị được đầu tư, bảo đảm điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố có cung cấp dịch vụ sản khoa đều thực hiện việc tư vấn, xét nghiệm HIV ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai tới khám. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ được chăm sóc, điều trị, chuyển gửi, cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và được điều trị bằng thuốc dự phòng ngay khi phát hiện nhiễm HIV. Thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được cấp hoàn toàn miễn phí tại 13 điểm cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên và Trung tâm Y tế 9 huyện, thành phố.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản cũng được đẩy mạnh, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS và tầm quan trọng của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nhờ vậy, tỉ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV tham gia chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV ngày càng cao, góp phần giảm thiểu tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã triển khai hiệu quả Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ ngày 1 - 30/6 hằng năm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con...

Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai hiện chương trình còn gặp một số khó khăn. Đáng nói, vẫn còn sự kỳ thị phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS và nhận thức của một số phụ nữ đặc biệt phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn thấp; đa phần số phụ nữ có nguy cơ cao chỉ đồng ý làm xét nghiệm khi vào phòng đẻ... nên rất khó khăn trong việc tư vấn, cũng như quản lý các bà mẹ nhiễm và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030

Hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2024 với chủ đề "Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030", BS. Nguyễn Văn Chiến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ngành Y tế tỉnh đang đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Trọng tâm là truyền thông lưu động trên các tuyến đường chính và các địa điểm công cộng, phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV, điều trị ARV sớm để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...

Cùng với đó, tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai; cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con; chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV…

BS. Vũ Thị Ngọc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, để hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, ngành y tế Đồng Nai tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ nên hướng tới giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng và hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV mới nói chung.

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024, ngành Y tế tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào các nội dung như: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; điều trị ARV sớm để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương...

Bên cạnh đó ngành y tế tăng cường công tác truyền thông HIV/AIDS bằng nhiều hình thức, cụ thể như truyền thông trực tiếp cho các đối tượng học sinh, sinh viên, các công ty, doanh nghiệp, các khu nhà trọ…; tuyên truyền qua pano, áp phích, tờ rơi, phát thanh trên loa đài tại các điểm đông dân cư…nhằm tăng cường hiệu quả của chương trình HIV từ mẹ sang con và hướng tới mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam.

Hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Mai Văn Mười cho biết, ngành y tế sẽ tăng cường truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai; cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con; chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm thì việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng được đặt ra...

Bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế rất cần sự tham gia, chung tay vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, những người trong độ tuổi sinh con, đang mang thai cần chủ động đi xét nghiệm HIV và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, can thiệp phù hợp, kịp thời; những phụ nữ nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, cần đến các cơ sở y tế chuyên trách để được tư vấn, hướng dẫn các xét nghiệm cần thiết, để có con khỏe mạnh. Nếu phát hiện bệnh và được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, bệnh nhân có thể bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con, đây là quyền lợi mà người dân được thụ hưởng.

Thùy Chi

hiv
}
Top