Quảng Ninh: Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở khu vực vùng sâu vùng xa

17/08/2022 08:10

(Chinhphu.vn) - Theo số liệu thống kê, tính đến hiện tại tỉnh Quảng Ninh phát hiện hơn 5.000 người nhiễm HIV/AIDS còn sống và được điều trị ARV. Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mặc dù các tệ nạn xã hội không nhiều, nhưng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao lây nhiễm HIV.

Quảng Ninh: Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở khu vực vùng sâu vùng xa - Ảnh 1.

Điều trị Methadone cho người tiêm chích ma túy để ngăn chặn lây nhiễm mới HIV trong nhóm tiêm chích. Ảnh: Thùy Chi

Quảng Ninh có đường biên giới trên bộ dài, tập trung ở một số địa phương như Móng Cái, Bình Liêu và Hải Hà. Lợi dụng địa bàn sâu, xa, vắng người qua lại và sự thiếu hiểu biết của người dân nơi đây, tội phạm ma túy sử dụng các khu vực này để buôn bán, vận chuyển các chất ma túy; trồng và sử dụng cây thuốc phiện. Bên cạnh tệ nạn ma túy, khiến cho nguy cơ lây nhiễm HIV từ những đối tượng tiêm chích ma túy gia tăng. Ngoài ra, do nhận thức về những tác hại về ma túy và cách phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS còn nhiều hạn chế và rào cản, do đó các tệ nạn xã hội tại các khu vực vùng sâu vùng xa  vẫn có chiều hướng gia tăng.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các khu vực vùng sâu vùng xa, trong những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục về phòng, chống các tệ nạn xã hội được các cấp, ngành tỉnh Quản Ninh lồng ghép, phối hợp triển khai thực hiện thường xuyên, hiệu quả trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Công tác truyền thông, thông tin được tuyên tuyền bằng nhiều hình thức, nội dung sát với thực tế, phù hợp với từng địa bàn. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh coi việc phòng ngừa và ngăn chặn phải từ cơ sở: Gia đình, xã, phường, thị trấn.

Cụ thể, tỉnh đã lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án, như: Đề án 1163, Đề án 1898, Đề án 6578... để tuyên truyền tác hại, ảnh hưởng và hậu quả của ma túy, HIV/AIDS, mại dâm đến sức khỏe, tính mạng, giống nòi và kinh tế đến người mắc, gia đình và toàn xã hội.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng nâng cao nhận thức về HIV/AIDS, kỹ năng, ứng xử với người bệnh và gia đình có người nhiễm bệnh cho người dân trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Tại các địa phương, đặc biệt tại các khu dân cư và các tuyến đường giao thông vùng dân tộc thiểu số, các cơ quan làm công tác dân tộc đã phối hợp với Trung tâm truyền thông và văn hóa xây các tin bài, phóng sự phát trên đài phát thanh truyền hình các địa phương, trên hệ thống phát thanh xã, phường, thị trấn về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt trong công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, về tác hại, hậu quả của tệ nạn mại dâm, ma túy, của việc sử dụng các chất ma túy tổng hợp; tuyên truyền về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS…

Ban Dân tộc tỉnh cũng đã lồng ghép tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS và tổ chức các hội nghị, các chương trình tuyên truyền bình đẳng giới…; tuyên truyền phổ biến pháp luật cho hơn 5.500 lượt cán bộ xã, thôn bản và người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời, đẩy mạnh giải pháp phối hợp, lồng ghép với các buổi sinh hoạt chi bộ, các cuộc họp cơ quan, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề cho cán bộ, đảng viên, công chức "Tháng hành động phòng chống ma túy", "Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS".

Bên cạnh đó, địa phương cũng triển khai toàn diện các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, bằng nguồn kinh phí từ sự nghiệp y tế, phụ nữ mang thai trên địa bàn tỉnh được cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV miễn phí tại các trạm y tế, trung tâm y tế, từ đó giúp phát hiện và điều trị ARV sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV được hỗ trợ tuân thủ điều trị tốt để đạt được tải lượng virus dưới 200 bản sao trong 1ml máu và chuyển tiếp đến cơ sở sản khoa để theo dõi, quản lý thai nghén, nhằm làm giảm xuống mức thấp nhất tỉ lệ trẻ bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang.

Tại Quảng Ninh, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được uống thuốc dự phòng phơi nhiễm với HIV, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ dưới 18 tháng tuổi và cấp sữa ăn thay thế cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi. Hiện tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được đẩy mạnh, xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, để phụ nữ mang thai nhiễm HIV chủ động tiếp cận dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ.

Thùy Chi

Top