Sơn La: Quyết tâm cao, nỗ lực lớn ngăn ngừa ma túy
(Chinhphu.vn) - Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân, trong công tác phòng chống ma túy, Sơn La đang triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động thường xuyên, liên tục, quyết liệt, có lộ trình cụ thể.
"Hằng năm trong các vụ phạm tội trên địa bàn, cứ 100 vụ thì có đến 70 vụ là liên quan đến ma túy", bà Tráng Thị Xuân dẫn chứng cho thấy Sơn La vẫn là địa bàn trọng điểm về ma túy cả nước.
Với 274 km đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng (Lào), lại cách khu vực "Tam giác vàng" - trung tâm sản xuất ma tuý lớn của thế giới khoảng 700 km, Sơn La nằm trên tuyến trọng điểm Tây Bắc mà tội phạm lợi dụng để hoạt động vận chuyển ma túy qua biên giới vào nội địa.
Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống ma túy từ tỉnh đến tổ, bản, tiểu khu
Trong thời gian vừa qua, với quyết tâm cao trong phòng chống ma túy, Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện công tác phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống ma túy từ tỉnh đến tổ, bản, tiểu khu do Bí thư Tỉnh ủy và các Bí thư cấp ủy từ huyện đến tổ, bản, tiểu khu làm Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo.
Đặc biệt, từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Sơn La đã xây dựng, triển khai Đề án"Chuyển hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy, giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" với phương châm "quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động thường xuyên, liên tục, quyết liệt"; có lộ trình cụ thể, tiến hành từng bước, thận trọng "làm đến đâu, chắc đến đó"; phân công, phân cấp, phân nhiệm cụ thể đối với từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị với quan điểm "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm".
Đề án đã đánh dấu một tầm nhìn, tư duy mới trong công tác phòng chống và kiểm soát ma túy, tập trung giải quyết từng bước xây dựng xã, phường thị trấn không có ma túy với những cách làm căn cơ, bài bản và bền vững; rà soát, chuyển hóa từ hộ gia đình đến tổ, bản, tiểu khu và đến cấp xã, huyện với lộ trình cụ thể, hiệu quả, thực chất và có tính bền vững. Bước đầu đã lan tỏa trong cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và vào cuộc tích cực.
Theo UBND tỉnh Sơn La, công tác đấu tranh với tội phạm ma túy (giảm cung) được đẩy mạnh. Năm 2022 và quý I/2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 1.569 vụ, 2.081 đối tượng. Riêng quý I/2023, phát hiện, bắt giữ 395 vụ, 496 đối tượng; tăng 59 vụ, 89 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022.
Công tác cai nghiện, quản lý người liên quan đến ma túy được chú trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm cầu, giảm tác hại. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổng rà soát, thống kê và chỉ đạo UBND các cấp thường xuyên cập nhật số liệu, bảo đảm 100% người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện ma túy được theo dõi, áp dụng các biện pháp quản lý theo quy định. Đến ngày 14/3/2023, toàn tỉnh đang quản lý 1.112 người sử dụng trái phép chất ma túy, 3.895 người nghiện, 1.840 người sau cai nghiện ma túy.
UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp xác định tình trạng nghiện ma túy; chỉ đạo rà soát điều về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên y tế và công bố các cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy.
Trên địa bàn hiện có 352 cán bộ, viên chức và 211 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy (còn 10 trạm y tế chưa đủ điều kiện, do chưa đủ nhân lực theo quy định). Từ ngày 01/01/2022 đến 28/02/2023, đã xác định tình trạng nghiện 2.585 người (tại cơ sở y tế 1.503 người, cơ sở giam giữ 970 người, cơ sở khác 112 người). Duy trì hoạt động của 13 cơ sở điều trị, 51 cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế, hiện đang điều trị cho 1.072 người; rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy phù hợp điều kiện thực tiễn; trên địa bàn còn 2 cơ sở cai nghiện ma túy công lập mô tiếp nhận 2.250 học viên; hiện đang quản lý, chữa trị 1.488 học viễn.
Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy được quan tâm triển khai thực hiệ. Năm 2022, toàn tỉnh có 32 xã đạt tiêu chuẩn không có ma túy; 84 xã có tệ nạn ma túy; 88 xã trọng điểm ma túy, trong đó 5 xã loại I, 17 xã loại II, 66 xã loại III (so với năm 2021, tăng 14 địa bàn có tệ nạn ma túy ít phức tạp; giảm 13 địa bàn trọng điểm về ma túy và 01 địa bàn đạt tiêu chuẩn tại không có tệ nạn ma túy).
Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương, sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La là đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa bàn, được quần chúng nhân dân đồng thuận, đánh giá cao.
Tạo điểm tựa vững chắc cho công tác phòng, chống ma túy
Tuy nhiên, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy vẫn sẽ phức tạp do đặc thù của địa bàn. Công tác truy bắt các đối tượng truy nã về ma túy tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng tự trang bị vũ khí, thay đổi phương thức, thủ đoạn lẩn trốn để đối phó lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Phòng chống ma túy năm 2021, có 2 hình thức cai nghiện là cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức, cá nhân, đơn vị sự nghiệp công lập đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Bởi các điều kiện để cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cao (bao gồm điều kiện về phòng ở, các tiêu chuẩn chuyên môn; trang thiết bị thực hiện các dịch vụ và nhân sự...). Hơn nữa, chưa có chính sách cụ thể khuyến khích cá nhân, tổ chức đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, tin cộng đồng.
Việc tổ chức điều trị nghiện bằng thuốc thay thế còn khó khăn, do chỉ điều trị được đối với nghiện các chất dạng thuốc phiện, heroin còn đối với ma túy tổng hợp không có hiệu quả. Việc uống thuốc phải thực hiện hằng ngày dưới sự giám sát của cán bộ y tế, trong khi cơ sở cấp phát thuốc xa nơi cư trú của người nghiện dẫn đến nhiều trường hợp bỏ điều trị.
Ngoài ra, chưa có cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả đối với người sau cai nghiện, người chấp hành xong án phạt tù liên quan đến ma túy; chủ yếu số trường hợp này là nông dân, trình độ thấp (có người không biết chữ), ... do vậy khó khăn trong việc hỗ trợ tạo việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống để họ đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy. Mặt khác, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cai nghiện và đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của lực lượng chức năng còn thiếu và lạc hậu.
Trước tình hình trên, bà Tráng Thị Xuân đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh đối với các địa phương miền núi, dân tộc còn khó khăn như tỉnh Sơn La, nhất là các địa bàn biên giới, xã đặc biệt khó khăn, góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho nhân dân, ổn định cuộc sống, không vi phạm pháp luật về ma túy, tệ nạn ma túy, tạo điểm tựa vững chắc cho công tác phòng, chống ma túy.
Bộ LĐTB&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu ban hành chính sách khuyến khích, thu hút các cá nhân, tổ chức đầu tư cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện ngoài công lập và tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù để họ tái hòa nhập cộng đồng.
Liên ngành tố tụng Trung ương nghiên cứu chính sách đặc thù khoan hồng đối với những đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy có trang bị vũ khí (súng quân dụng, lựu đạn...) là người bản địa đang lẩn trốn tại địa bàn xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La, khi ra đầu thú được giảm nhẹ hình phạt. Bộ Quốc phòng tiếp tục đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới tại vành đai biên giới tỉnh Sơn La với Lào, góp phần tạo điều kiện cho lực lượng chức năng của tỉnh thuận lợi trong công tác kiểm soát thẩm lậu ma túy qua biên giới vào địa bàn...
Hoàng Giang