Tăng cơ hội tiếp cận vốn của các cơ sở tư nhân để tham gia phòng, chống HIV/AIDS

27/09/2023 15:45

(Chinhphu.vn) - Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam và Tổ chức PATH vừa phối hợp với Sở Y tế Đồng Nai tổ chức chương trình tọa đàm về HIV/AIDS, đổi mới kinh doanh với chủ đề Nâng tầm doanh nghiệp xã hội: Tối ưu nguồn vốn - hiểu nhà đầu tư để gọi vốn thành công.

Tăng cơ hội tiếp cận vốn của các cơ sở tư nhân để tham gia phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh 1.

Dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi

Mục đích nhằm giúp các doanh nghiệp xã hội, phòng khám tư nhân ở Đồng Nai và các địa phương khác trong cả nước nâng cao năng lực về tiếp cận nguồn vốn, hướng tới phát triển bền vững để cùng đóng góp cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, số người nhiễm HIV tại Đồng Nai khoảng 6.600 người. Trong đó có hơn 6.300 người đã được quản lý. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, số ca nhiễm HIV mới được phát hiện là 308 ca.

Nửa đầu năm nay, số người nhiễm HIV trong tỉnh xét nghiệm phát hiện tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi số tử vong do HIV/AIDS giảm 71%. Tại 10 cơ sở điều trị HIV/AIDS đã tiếp nhận và điều trị ARV cho 5.258 bệnh nhân, trong đó có 87 bệnh nhi.

Hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng ngày càng chiếm tỉ trọng cao hơn so với đường máu, người nhiễm HIV nhóm tuổi từ 25-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất và có xu hướng trẻ hóa dần 15-24 tuổi. Tỷ lệ nhiễm HIV được phát hiện tập trung chủ yếu ở nam giới, trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng ở nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, những năm qua, tỉnh nhận được sự chung tay, đồng hành của các đối tác, trong đó có USAID. Nhờ vậy mà chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Đồng Nai đạt nhiều kết quả khả quan. 

Tuy nhiên, hiện công tác phòng chống HIV/AIDS tại tỉnh Đồng Nai còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là nguồn kinh phí bị cắt giảm, các dự án nước ngoài cũng giảm dần nguồn vốn tài trợ. Trên thực tế, số liệu bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thống kê được mới chỉ là bề nổi, thực chất có lẽ còn nhiều hơn. Vì vậy, Đồng Nai mong muốn sẽ được các dự án tiếp tục hỗ trợ để thực hiện tốt hơn về công tác phòng chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, công tác dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới được triển khai bằng nhiều mô hình, hoạt động. Đặc biệt, mô hình hợp tác công - tư thông qua cung cấp thuốc dự phòng HIV của các phòng khám tư nhân góp phần đáp ứng tốt nhu cầu của cộng đồng.

Với mục tiêu có thể kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, trong bối cảnh các dự án nước ngoài giảm nguồn hỗ trợ cho Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, tỉnh Đồng Nai mong nhận được sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp xã hội, phòng khám tư nhân cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tại chương trình, các chuyên gia, đại diện USAID, Tổ chức PATH và các đại biểu đã thảo luận thực trạng, thách thức, cơ hội trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp xã hội/phòng khám cung cấp dịch vụ/sản phẩm dự phòng HIV…

Đến nay, Đồng Nai có 1 tổ chức dựa vào cộng đồng, 3 doanh nghiệp xã hội và 4 phòng khám tư nhân tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, Đồng Nai có 12 phòng khám điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), trong đó có 8 phòng khám thuộc cơ sở y tế công lập và 4 phòng khám thuộc cơ sở y tế tư nhân. Có khoảng 3.000 khách hàng đã sử dụng dịch vụ dự phòng HIV bằng thuốc PrEP tại các cơ sở y tế công - tư trong tỉnh.

Thùy Chi

}
Top