Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong phòng chống HIV/AIDS

25/09/2023 16:07

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, khu vực tư nhân đã đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ HIV với giá cả phải chăng cho cộng đồng của các nhóm nguy cơ cao nhất. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình HIV/AIDS.

Đáp ứng các nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới

Tại Việt Nam, Chính phủ luôn ghi nhận vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, điển hình để tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và Quốc hội thông qua Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi, trong đó nhấn mạnh các chính sách và giải pháp về đa dạng nguồn lực tài chính cho chương trình HIV. Đồng thời, đề cao tăng cường sự tham gia đóng góp và đầu tư của khu vực tư nhân trong chương trình HIV/AIDS; mở rộng cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm là một phần trong các nỗ lực ứng phó với HIV.

Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong phòng chống HIV/AIDS - Ảnh 1.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV. Ảnh: Thùy Chi

Ngoài ra, kế hoạch 2129/2022/KH-BYT của Bộ Y tế ban hành nhằm Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS và thảo luận cơ chế hợp tác triển khai kế hoạch và thúc đẩy phối hợp công - tư mạnh mẽ trong những năm tới.

Kế hoạch hướng dẫn sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình HIV nhằm hỗ trợ triển khai Chiến lược Chấm dứt dịch bệnh AIDS của Chính phủ Việt Nam vào năm 2030; cung cấp các chỉ số đo lường chính và lộ trình thúc đẩy sự tham gia và đầu tư của khu vực tư nhân.

Đồng Nai là địa phương đầu tiên thông qua kế hoạch tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp hàng hóa, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Nhằm tăng cường cự tham gia của khu vực tư nhân, mới đây, Sở Y tế Đồng Nai đã phối hợp với Dự án USAID/PATH STEPS khởi động kế hoạch tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp hàng hóa, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, Sở Y tế tỉnh luôn ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của khối tư nhân trong thời gian qua và cam kết sẽ tăng cường phối hợp, hỗ trợ triển khai kế hoạch của tỉnh để góp phần kiểm soát dịch và mang tới nhiều sáng kiến, mô hình, dịch vụ mới trong phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng.

Để đáp ứng các nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới và đạt được mục tiêu 95-95-95, thời gian qua khu vực tư nhân đã tham gia đầu tư và đóng góp đáng kể nguồn lực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, cần thiết phải phát triển các phương pháp can thiệp dự phòng mới như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP) cho các nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV cao, mở rộng các phương thức xét nghiệm HIV, mở rộng chương trình điều trị thuốc kháng HIV…

Bà Dương Thuý Anh, Phó Chánh văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá, việc Đồng Nai là địa phương đầu tiên của cả nước thông qua kế hoạch tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp hàng hóa, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là bước đầu thành công cho khu vực tư nhân - đối tác trong công tác phòng chống HIV/AIDS khi nguồn lực nước ngoài ngày càng cắt giảm.

Để tạo điều kiện cho các địa phương triển khai tốt công tác này, trong thời gian tới, mong muốn ngành Y tế bảo vệ được cam kết hỗ trợ tài chính cho chương trình phòng chống HIV/AIDS thông qua các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai.

Khu vực tư nhân mang đến nhiều mô hình đa dạng

Trong hơn thập kỷ qua, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Đây là những kết quả hết sức ấn tượng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Trong bối cảnh mới, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có những thay đổi nhằm đáp ứng tình hình dịch tễ HIV/AIDS. Cụ thể, đó là sự cần thiết phát triển các phương pháp can thiệp dự phòng mới, như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV cho các nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV cao, mở rộng các phương thức xét nghiệm HIV, mở rộng chương trình điều trị thuốc kháng HIV nhằm làm giảm lượng virus HIV trong máu đến ngưỡng không lây truyền HIV cho người khác.

Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam, nhóm vợ, bạn tình của người nhiễm HIV tăng nhanh, trong khi nhóm này khó nhận dạng, khó tiếp cận do kỳ thị. Do đó, cần thay đổi, đa dạng các phương pháp, mô hình để tăng sự tiếp cận và sử dụng dịch vụ dự phòng HIV trong nhóm có hành vi nguy cơ.

Đối với chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khu vực tư nhân đã tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ, đóng góp đáng kể nguồn lực tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS thời gian vừa qua. Tổng kinh phí khu vực tư nhân cho Chương trình phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020 ước khoảng 258 tỷ đồng, chiếm 1,36% tổng chi cho HIV/AIDS.

Việc tham gia vào công tác phòng chống HIV/AIDS của khu vực tư nhân mang lại nhiều thế mạnh, góp phần bảo mật và khả năng tiếp cận. Bởi mặc dù phải trả phí cho dịch vụ và thuốc men, nhiều người nhiễm HIV/các nhóm nguy cơ cao vẫn chọn khu vực tư nhân để điều trị vì tính bảo mật, riêng tư, khả năng tiếp cận dễ dàng, thời gian mở cửa linh hoạt, ít thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi ít, cán bộ y tế thân thiện, ít phán xét, tôn trọng bảo mật thông tin và danh tính của người bệnh.

Cụ thể, như dự phòng, xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, xét nghiệm và điều trị viêm gan virus, dịch vụ tự xét nghiệm, chăm sóc và điều trị cho những người sống chung với HIV…

Ngoài ra, còn có một số khu vực tư nhân đang tham gia dưới hình thức kí hợp đồng với cơ sở y tế nhà nước và các dự án để tăng cường tính bền vững trong cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV.

Để bảo đảm nguồn lực tài chính nhằm kết thúc bệnh dịch AIDS vào năm 2030 trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, tự chủ các nguồn lực tài chính trong nước thông qua huy động các nguồn lực đầu tư và thế mạnh cung cấp dịch vụ của khu vực tư nhân cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là một ưu tiên bên cạnh việc vận động, huy động nguồn ngân sách nhà nước trung ương và địa phương, nguồn quỹ bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, các giải pháp tăng cường huy động các nguồn xã hội hóa từ người sử dụng dịch vụ, các cá nhân, tổ chức và khu vực tư nhân cần được triền khai và mở rộng nhằm duy trì cung cấp bền vững dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV. Thông qua huy động các nguồn lực đầu tư và thế mạnh cung cấp dịch vụ của khu vực tư nhân cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là một ưu tiên.

Giải quyết vướng mắc, bảo vệ tính pháp lý trong triển khai

Không chỉ có Đồng Nai đang nỗ lực tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, TPHCM hiện đang cho rà soát chính sách và khung pháp lý hiện hành về các điều kiện và thủ tục cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan đến HIV tại Việt Nam đồng thời thảo luận và xác định những vướng mắc trong quá trình triển khai.

TS. Dương Thúy Anh cho biết, trong thời gian tới Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiến hành đánh giá khảo sát nhu cầu cung cấp dịch vụ đối với nhóm nguy cơ cao, nhóm cung cấp dịch vụ. Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hóm kỹ thuật sẽ định kỳ tổng hợp các khó khăn vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp và làm việc với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất trong quá trình phối hợp hoàn thiện khung chính sách liên quan.

"Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng sẽ xây dựng dữ liệu về năng lực, hoạt động của khu vực tư nhân, bao gồm cả các công ty, tập đoàn và các doanh nghiệp xã hội", TS. Dương Thúy Anh cho hay.

Về khung pháp lý và chính sách liên quan đến cung cấp hàng hóa và dịch vụ HIV tại Việt Nam, ông Hà Trường Giang, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện tại Bộ Y tế đang phối hợp với các đơn vị liên quan sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2015.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang xây dựng Luật về trang thiết bị y tế; Cục quản lý khám chữa bệnh đang là đầu mối xây dựng Nghị định thực hiện Luật khám chữa bệnh mới, trong đó có quy định về điều kiện cấp phép hoạt động cho các cơ sở khám chữa bệnh. Như vậy, đây là cơ hội để Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổng hợp các đề xuất và phối hợp với Vụ pháp chế đưa vào đánh giá tác động, từ đó có căn cứ đề xuất các nội dung để hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến cung cấp hàng hóa và dịch liên quan đến HIV.

Nhằm tăng cường hơn nữa, huy động sự vào cuộc của khu vực tư nhân trong công tác phòng chống HIV/AIDS, ông Hany Helmy, Phó Giám đốc Chương trình y tế USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) Việt Nam cho biết, các giải pháp tăng cường huy động các nguồn xã hội hóa từ người sử dụng dịch vụ, các cá nhân, tổ chức và khu vực tư nhân cần được triền khai và mở rộng, nhằm duy trì cung cấp bền vững dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV.

Ông Hany Helmy khẳng định, USAID cam kết sẽ luôn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đồng hành cùng ngành Y tế Việt Nam nói chung, Cục Phòng, chống HIV/AIDS nói riêng trong việc nâng cao năng lực, vai trò của khu vực tư nhân trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, USAID Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác nhằm huy động nguồn đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn từ khu vực tư nhân.

Khu vực tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn hoạt động trong lĩnh vực chính thức và phi chính thức như các công ty đa quốc gia, các công ty trong và ngoài nước kinh doanh về dược phẩm, trang thiết bị y tế, trí tuệ nhân tạo, truyền thông xã hội. Các doanh nghiệp thương mại kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với mục đích tạo thu nhập và góp phần giúp tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp xã hội, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức cộng đồng.

Một số khu vực tư nhân đang tham gia dưới hình thức kí hợp đồng với cơ sở y tế nhà nước và các dự án để tăng cường tính bền vững trong cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV. Các hàng hóa và dịch vụ của khu vực tư nhân tạo nên phương pháp tiếp cận thị trường tổng thể (TMA) nhằm đáp ứng các nhu cầu và sở thích đa dạng của cộng đồng đích và người sống chung với HIV, và từ đó có thể tăng tỉ lệ cộng đồng đích và người sống chung với HIV tham gia vào công tác phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị.

Thùy Chi

hiv
}
Top