Tăng cường phối hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Quỹ Toàn cầu Nhật Bản trong nhiều năm qua đã hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét. Với sự hỗ trợ này, Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Đoàn Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản vừa có chuyến thăm và làm việc với Đại học Y Hà Nội, nhằm tìm hiểu về các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và phối hợp triển khai hoạt động về công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về HIV.
Tham gia buổi tiếp và làm việc có PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng đại học Y Hà Nội, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng nhà trường và đại diện lãnh đạo và chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các khoa phòng, Viện trực thuộc Đại học Y Hà Nội.
Về phía đoàn Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản ngoài thành viên trong đoàn còn có đại diện nhóm chuyên trách những người bạn của Quỹ Toàn cầu Nhật Bản tại Quốc hội; Đại sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Quỹ Toàn cầu Nhật Bản trong nhiều năm qua đã hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét. Với sự hỗ trợ này, Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Hằng năm có hơn 100.000 người được tiếp cận với các can thiệp dự phòng nhiễm HIV; 200.000 người được xét nghiệm HIV; cung cấp toàn bộ 100% thuốc điều trị HIV cho trẻ em nhiễm HIV trên toàn quốc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; hỗ trợ thuốc điều trị HIV phác đồ bậc 1 và bậc 2 cho khoảng 50.000 bệnh nhân HIV; dự phòng và giám sát HIV kháng thuốc…
PGS.TS Phan Thị Thu Hương cũng cho biết, củng cố hệ thống y tế Việt Nam là một trong các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và cũng là sự quan tâm của Chính phủ Nhật Bản trong việc triển khai các hỗ trợ cho Việt Nam.
Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ từ tổ chức JICA Nhật Bản, thông qua Trung tâm Quốc Gia về Y tế và Sức khỏe Toàn Cầu Nhật bản, Trung tâm AIDS Nhật Bản đã hợp tác với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã triển khai nghiên cứu Phân tích đáp ứng miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại virus HIV-1, nghiên cứu điều trị dự phòng nhiễm HIV.
Kết quả nghiên cứu đã giúp xác định được nguyên nhân nhiễm HIV của các trường hợp đã được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm của chương trình PrEP. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chương trình dự phòng lây nhiễm HIV lâu dài, bền vững ở Việt Nam, giúp làm giảm các trường hợp nhiễm HIV mới…
Hiện Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược điều trị là dự phòng, điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan C, lao ở người nhiễm HIV, hướng đến loại trừ viêm gan C, bệnh lao. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đang phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội tăng cường chất lượng điều trị HIV, giảm thiểu HIV kháng thuốc; mở rộng dự phòng, giám sát và điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV và người có nguy cơ cao nhiễm HIV; mở rộng điều trị các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV.tăng cường chất lượng điều trị HIV, giảm thiểu HIV kháng thuốc; mở rộng dự phòng, giám sát và điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV và người có nguy cơ cao nhiễm HIV; mở rộng điều trị các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV.
Nhân cơ hội làm việc này, Cục trưởng Phan Thị Thu Hương đã đề nghị Đoàn Nghị sĩ và chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực, bao gồm: Tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai các nghiên cứu kết hợp dịch tễ học, hành vi khoa học cơ bản về HIV; tăng cường năng lực của hệ thống y tế trong việc duy trì điều trị ARV hiệu quả; đối phó ngăn ngừa tình trạng HIV kháng thuốc; dự phòng, giám sát và điều trị viêm gan C trên quần thể nguy cơ cao; hỗ trợ củng cố hệ thống thông tin báo cáo về dự phòng và điều trị viêm gan B, viêm gan C; nghiên cứu chi phí hiệu quả của chương trình PrEP tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chia sẻ thông tin trong triển khai khống chế lây truyền của HIV, viêm gan, lao, sốt rét cũng như các bệnh dịch mới nổi khác giữa Việt Nam và Nhật Bản, để Việt Nam có thể áp dụng các kinh nghiệm, thành tựu từ Nhật Bản vào Việt Nam.
Đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, lao, viêm gan và các bệnh truyền nhiễm, bao gồm đào tạo về thạc sĩ, tiến sỹ; Hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam tham gia và trình bày kết quả nghiên cứu tại các hội nghị khoa học tổ chức tại Nhật Bản và các nước trong khu vực.
Mở rộng hỗ trợ trang thiết bị phòng xét nghiệm và nâng cao năng lực triển khai các nghiên cứu trong phòng xét nghiệm y khoa cho cán bộ, giảng viên các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Y Hà Nội.
Ông Ichiro Aisawa, Trưởng Đoàn Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản đánh giá cao những kết quả ngành y tế đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời đánh giá cao Trường Đại học Y Hà Nội trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, cũng như trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét thời gian vừa qua.
Tại buổi làm việc, hai bên cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, mô hình phòng khám cung cấp dịch vụ HIV/AIDS toàn diện của phòng khám SHP...
Thùy Chi