Tạo thế trận liên hoàn ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào nội địa

31/12/2023 08:10

(Chinhphu.vn) - Kết quả bắt giữ tội phạm ma túy trong năm 2023 đã thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy của các lực lượng chức năng. Hiệu quả của công tác phối hợp giữa các lực lượng, đã kịp thời ngăn chặn nhiều đường dây tội phạm ngay từ khu vực biên giới, không để ma túy thẩm lậu vào trong nội địa, góp phần bảo vệ an ninh trật tự của đất nước.

Tạo thế trận liên hoàn ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào nội địa- Ảnh 1.

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Nhân dịp Năm mới 2024, Báo điện tử Chính phủ, Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn với Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) về công tác phòng chống tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới và những nỗ lực của các lực lượng chức năng để ngăn chặn ma túy thẩm lậu.

Xuất hiện thủ đoạn mới, loại ma túy mới

Thưa Thiếu tướng, mặc dù lực lượng chức năng đều có đánh giá, nhận định, đề ra những biện pháp chủ động phòng ngừa tội phạm ma túy và đạt nhiều kết quả nhưng tình hình tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Thiếu tướng có thể thông tin rõ hơn về những phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng?

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Có thể nói, đấu tranh chống tội phạm ma túy là đấu tranh với loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm, thủ đoạn vô cùng tinh vi. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tội phạm ma túy trong khu vực cũng như trên thế giới luôn thay đổi phương thức hoạt động.

Trên tuyến biên giới đất liền, hiện nổi lên hoạt động vận chuyển ma túy sang Trung Quốc qua biên giới các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng; vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Lào vào Việt Nam qua địa bàn các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung, Tây Nguyên, từ Campuchia qua khu vực biên giới các tỉnh Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp về TPHCM và các tỉnh nội địa có chiều hướng gia tăng; vận chuyển ma túy có vũ khí nóng tại các tỉnh Điện Biên, Hà Tĩnh, Long An, Kiên Giang.

Trên tuyến biên giới biển, hoạt động mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra tại Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau. Đáng chú ý đã phát hiện hoạt động mua bán, sử dụng sợi thảo mộc khô, tinh dầu thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy mới ADB-BUTINACA tại địa bàn Đà Nẵng.

Các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, manh động, mua bán, vận chuyển với nhiều chủng loại ma túy khác nhau như: Heroin, ma túy tổng hợp dạng đá, dạng viên, gần đây xuất hiện loại "ma túy tổng hợp bán thành phẩm" được vận chuyển từ Lào vào Việt Nam. Tại Lào xuất hiện loại trà túi lọc được chiết xuất từ cây cần sa thường gọi là "Trà cần sa".

Quá trình vận chuyển thường diễn ra nhanh, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường không xuất đầu, lộ diện mà triệt để lợi dụng công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội (zalo, Wechat, telegram...) chỉ đạo hoạt động mua bán, giao dịch, vận chuyển từ xa, thuê các đối tượng thông thuộc địa bàn, đối tượng nghiện ma túy ở khu vực biên giới không biết nhau cắt rừng vận chuyển theo nhiều cung, đoạn khác nhau.

Các đối tượng sử dụng số điện thoại nước ngoài để liên lạc trước khi qua biên giới, khi đến khu vực biên giới sử dụng mạng xã hội để liên lạc giao dịch, dưới sự điều hành của đối tượng cầm đầu hoặc ngụy trang, cất giấu trong hàng hóa, đồ vật, phương tiện, ký gửi trên các phương tiện liên vận quốc tế để vận chuyển qua cửa khẩu.

Chúng tôi xác định rằng, trong thời gian tới đây, ngoài các loại ma túy thông thường có thể sẽ xuất hiện nhiều loại ma túy mới. Đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng khai thác các tiện ích của nền tảng mạng xã hội để thực hiện thương mại trực tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia gây rất nhiều khó khăn trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy.

Tạo thế trận liên hoàn ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào nội địa- Ảnh 2.

Đoàn 1 - Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP) bắt một đối tượng thu giữ 9 bánh heroin vào ngày 28/6

Phòng, chống ma túy theo 3 lớp

Vậy các lực lượng chức năng phối hợp như thế nào để ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Qua theo dõi thấy rằng, trong năm 2023, các lực lượng chức năng đã phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành điều tra cơ bản về phòng, chống ma túy theo 3 lớp: "Lớp thứ nhất" ở địa bàn ngoại biên; "lớp thứ hai" ở khu vực các xã, thị trấn tuyến biên giới; "lớp thứ ba" ở khu vực nội địa.

Chúng tôi thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tình hình về hoạt động của tội phạm ma túy, trong đó có hơn 1.500 nguồn tin, tài liệu có giá trị phục vụ công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy; phối hợp tuyên truyền theo chuyên đề về công tác phòng chống ma túy và lồng ghép trong các nội dung tuyên truyền chung về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới; phối hợp bắt giữ, xử lý 229 vụ, 455 đối tượng, thu 730,345 kg ma túy các loại, trong đó, phối hợp xác lập, đấu tranh thắng lợi 8 chuyên án về ma túy.

Điển hình như Chuyên án A568p bắt 19 đối tượng, thu 60,78 kg ma túy các loại hay chuyên án A3-823p bắt 12 đối tượng, thu 152,41 kg ma túy các loại. Đây là các chuyên án điển hình về công tác phối hợp giữa Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ tư lệnh BĐBP) và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), triệt phá 2 đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ

Qua công tác phối hợp, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính đã tăng cường được mối quan hệ, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, khả năng kiểm soát tình hình tội phạm trên cả nước được nâng cao, sự phối hợp liên kết, sử dụng đồng bộ lực lượng và các phương tiện của các lực lượng chuyên trách để đấu tranh hiệu quả với các tổ chức, đường dây vận chuyển ma túy có sự liên kết giữa ngoại biên, khu vực biên giới và nội địa.

Mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục nhưng nhìn chung, quá trình thực hiện công tác phối hợp, khả năng chiến đấu của các lực lượng chuyên trách đều nâng lên qua thực tế đấu tranh các chuyên án, vụ án; tạo nên thể trận liên hoàn trên biên giới và nội địa đã củng cố và phát huy môi quan hệ đoàn kết giữa các lực lượng. Bên cạnh đó, những ưu điểm trong công tác phối hợp tạo sự đoàn kết, thống nhất trong chỉ huy, chỉ đạo từ Trung ương đến các đơn vị địa phương trong phòng, chống tội phạm ma túy.

'Đắp nguồn, cạn dòng, giúp bạn là giúp mình'

Tạo thế trận liên hoàn ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào nội địa- Ảnh 3.

BĐBP Điện Biên bắt giữ một đối tượng đang vận chuyển 12 bánh heroin, 54 nghìn viên ma túy tổng hợp đi tiêu thụ vào ngày 29/11

Bên cạnh việc phối hợp với lực lượng chức năng trong nước, việc tăng cường hợp tác quốc tế đem lại hiệu quả như nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Có thể nói, tội phạm ma túy được xác định là tội phạm quốc tế và nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài về Việt Nam. Do vậy, việc đấu tranh này có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị trong nước, cùng các cơ quan chức năng và rất cần sự hợp tác quốc tế.

Trước sự biến đổi khó lường của tội phạm ma túy, lực lượng Biên phòng luôn điều chỉnh kế hoạch, cũng như biện pháp đấu tranh với loại tội phạm này theo hướng chuyển dịch của tội phạm.

Cùng với đó, chúng tôi phối hợp với các lực lượng chức năng của nước bạn, ngay từ khi các đối tượng chưa vận chuyển ma túy vào Việt Nam theo quan điểm "đắp nguồn, cạn dòng", trên tinh thần cố gắng, quyết tâm không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy. Như vậy, sẽ hiệu quả hơn khi các đối tượng vào Việt Nam rồi mới tiến hành bắt.

Chính vì vậy, thời gian qua, lực lượng công an và lực lượng biên phòng đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng chức năng của Lào và Campuchia, từ công tác đào tạo đến công tác đấu tranh, qua đó nâng cao năng lực đấu tranh với tội phạm ma túy và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thực tế, lực lượng chức năng hai nước bạn đã triệt phá nhiều chuyên án lên đến hàng tấn ma túy, từ đó cũng góp phần hạn chế được ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.

Năm 2023, lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm của BĐBP đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 854 vụ, 1.231 đối tượng, thu 1.230 kg ma túy các loại và nhiều tang vật liên quan khác.

Điển hình trong việc phối hợp với nước bạn, có thể kể đến chuyên án 568P bắt giữ một đường dây ma túy lớn từ Campuchia vào tháng 4/2023, thu hơn 60 kg ma túy các loại. Chuyên án đã thể hiện sự quyết tâm, hiệp đồng tác chiến có hiệu quả, nhất là quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an và lực lượng Bộ đội Biên phòng, đồng thời minh chứng cho khả năng tác chiến xuyên biên giới cũng như mối quan hệ hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy có hiệu quả, chiều sâu, góp phần làm giảm nguồn cung ma túy khi đã bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu ngay tại nước ngoài.

Vậy thời gian tới, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng sẽ triển khai những biện pháp nào để đấu tranh với loại tội phạm này hiệu quả hơn, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Để làm tốt hơn nữa công tác phòng chống ma tuý, chúng tôi tiếp tục quán triệt nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó là Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là nắm tình hình từ xa, từ ngoài biên giới để có biện pháp chủ động đấu tranh hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi chỉ đạo quyết liệt về công tác nghiệp vụ, nhất là công tác nghiệm vụ cơ bản là công tác nền tảng.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm hạn chế thương vong và giảm thiểu khó khăn cho bộ đội Biên phòng cũng sẽ được tăng cường thực hiện hơn nữa.

Thời gian tới, chúng tôi cũng làm tốt công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy với các lực lượng chức năng trong và ngoài nước, nhất là các nước láng giềng có đường chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc; đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống chính trị ở khu vực biên giới, nhất là các địa bàn trọng điểm về ma túy, vận động nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm và không tiếp tay cho tội phạm ma túy. Cùng với đó là làm tốt công tác tuyên truyền, quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sỹ nhân dân biên giới, bảo đảm cho một biên giới được bình yên và an toàn.

Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Hoàng Giang (thực hiện)

Top