Thái Lan: Phát động nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức về HIV

28/08/2023 14:18

(Chinhphu.vn) - Nhờ sự tham gia tích cực của các nhóm tổ chức xã hội cộng đồng, Thái Lan đã phát động thành công nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức về HIV và tình dục an toàn.

Thái Lan: Phát động thành công nhiêu chiến dịch nâng cao nhận thức về HIV nhờ tổ chức cộng đồng - Ảnh 1.

Nhóm tổ chức xã hội hoạt động vì cộng đồng tư vấn xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao lây nhiễm HIV tại Việt Nam. Ảnh: Thùy Chi

Các tình nguyện viên trong công tác phòng, chống HIV truyền đạt các thông tin cơ bản về tình dục an toàn cho các nhân viên chuyển giới làm việc tại các quán rượu ở Bangkok, Thái Lan. Đại diện thành viên của Hiệp hội Bầu trời Cầu vồng Thái Lan cho biết, họ luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu vượt qua sự kỳ thị và phân biệt đối xử để tiếp cận cho những người có nguy cơ cao nhất.

Mới đây nhất, Thái Lan đã cho triển khai chiến dịch dành cho phụ nữ chuyển giới nhằm mục đích tăng cường sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Chiến dịch đã thu hút sự tham gia của nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, những người viết nội dung trên mạng xã hội và những người có tiếng nói trong cộng đồng người chuyển giới.

Mục tiêu của chiến dịch là bình thường hóa việc sử dụng thuốc PrEP và thúc đẩy việc tiếp tục sử dụng thuốc. Kết quả là gần một nửa số phụ nữ chuyển giới ở Thái Lan đã không cần quay lại thăm khám hàng tháng sau khi bắt đầu thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV PrEP.

Chiến dịch này đã tạo được tiếng vang và được chia sẻ rộng rãi ở Thái Lan cũng như các nước lân cận. Với thành công trên, nhà chức Thái Lan kỳ vọng đây sẽ không phải là chiến dịch cuối cùng và có thể đóng vai trò là hình mẫu cho các chiến dịch trong tương lai, tập trung vào các nhóm đối tượng quan trọng khác.

Tại Việt Nam, mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc quản lý các tổ chức xã hội hoạt động vì cộng đồng và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV, tuy nhiên không thể phủ nhận vai trò quan trọng các nhóm cộng đồng trong phát hiện và điều trị HIV trong cộng đồng người nguy cơ cao trong những năm gần đây.

Luật phòng chống HIV/AIDS năm 2020 Điều 20 quy định "Người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ".

Hai cách xét nghiệm được sử dụng là lấy máu đầu ngón tay, và xét nghiệm bằng dịch miệng - thì đều đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến khích thực hiện tại cộng đồng. Bộ Y tế Việt Nam cũng đã khẳng định các xét nghiệm này an toàn tuyệt đối.

Tuy nhiên, hiện nay trong 15 nhóm tự lực mà Viện Nghiên cứu phát triển xã hội trực tiếp phụ trách chỉ 5 nhóm có tư cách pháp nhân khi thành lập các doanh nghiệp xã hội. Các nhóm còn lại hoạt động tự phát.

Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS đã đặt mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam cần đạt các mục tiêu 90-90-90; tức là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Nghĩa là chỉ còn chưa đến 2 năm.

Một trong những biện pháp để hoàn thành mục tiêu là mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Vì vậy, nếu không có sự quan tâm và đầu tư đúng mức, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự thấu hiểu và chung tay của cả cộng đồng, thì các mục tiêu này rất khó để hoàn thành, đặc biệt là mục tiêu tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Thùy Chi

hiv
}
Top