Thanh Hóa: Phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại 7 cơ sở y tế và trại giam

03/04/2024 16:17

(Chinhphu.vn) - Tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ thực hiện dự án “Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS - Kết nối giữa cơ sở y tế và trại giam giai đoạn 2024-2028 tại tỉnh Thanh Hóa” do Quỹ Chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) tài trợ.

Thanh Hóa: Phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại 7 cơ sở y tế và trại giam- Ảnh 1.

Xét nghiệm cho phạm nhân trong các trại giam. Ảnh minh hoạ

Mục tiêu nhằm gia tăng sự sẵn có và dễ tiếp cận đối với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cho người dân ở các điểm dự án và các địa bàn lân cận. Từ đó, tư vấn và xét nghiệm HIV cho các đối tượng nguy cơ cao trên địa bàn triển khai dự án và cộng đồng; bảo đảm từ 90% các ca khẳng định dương tính được chuyển gửi tới cơ sở chăm sóc và điều trị ARV; duy trì theo dõi tất cả các ca HIV dương tính và bảo đảm được điều trị ARV, tuân thủ điều trị và được hưởng các dịch vụ chăm sóc khác.

Đồng thời, nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS cho số bệnh nhân tại các điểm triển khai dự án bảo đảm theo đúng quy định. Hỗ trợ kinh phí chuyển gửi ca dương tính, trễ hẹn, hỗ trợ chuyển mẫu xét nghiệm tải lượng HIV, chuyển mẫu xét nghiệm CD4, vật tư y tế tiêu hao, văn phòng phẩm, trang thiết bị, cước điện thoại,... để củng cố, nâng cao chất lượng các điểm điều trị HIV/AIDS.

Dự án được thực hiện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện đa khoa huyện Như Xuân, Bệnh viện đa khoa thành phố Thanh Hóa, Trại giam Thanh Lâm, Trại giam Thanh Cẩm, Trại giam Thanh Phong, Trại giam số 5. Thời gian thực hiện dự án đến tháng 7/2028.

UBND tỉnh yêu cầu Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các nội dung cam kết với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án "Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS - Kết nối giữa cơ sở y tế và trại giam giai đoạn 2024 - 2028 tại tỉnh Thanh Hóa" bảo đảm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thanh Hóa (chủ dự án) thực hiện công tác quản lý, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện dự án, bảo đảm việc thực hiện dự án được triển khai đến đúng đối tượng, nội dung đã được phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật và không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; định kỳ báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa), bên tài trợ và các cơ quan chức năng theo quy định.

Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại vụ, Tài chính, Y tế; Công an tỉnh; UBND các huyện Yên Định, Cẩm Thủy, Như Xuân, Nông Cống, TP Thanh Hóa và các đơn vị liên quan chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong việc thẩm định các nội dung phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ thực hiện dự án; đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, quản lý dự án và hướng dẫn, giải quyết kịp thời những công việc có liên quan đến dự án đảm bảo theo quy định.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh này có 9.124 người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, có 4.643 người còn sống và được quản lý; 2.789 người đã tử vong; 100% các huyện, thị xã, thành phố và 542/559 xã, phường, thị trấn đã phát hiện có người nhiễm HIV.

Trong năm 2023, toàn tỉnh này ghi nhận thêm 144 ca nhiễm HIV mới và 22 ca tử vong do HIV; đang triển khai điều trị Methadone tại 28 cơ sở và 12 điểm cấp phát thuốc tại 25 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Như Xuân và huyện Vĩnh Lộc). Tổng số bệnh nhân đang điều trị là 1.747 người, trong đó có 241 người nhiễm HIV.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống HIV/AIDS theo đúng kế hoạch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS trong cộng đồng. Nổi bật là hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân với nhiều hình thức phong phú. Thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm, giới thiệu các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người bệnh, người có nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế...

Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS sẽ giúp cho những người nhiễm HIV biết sớm được tình trạng bệnh và sớm tiếp cận điều trị, tiến tới giảm thiểu số người nhiễm HIV và giảm số người tử vong do AIDS.

Thùy Chi

Top