Những thành tựu và thách thức trong triển khai mô hình hợp đồng xã hội phòng, chống HIV
(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh nguồn lực tài chính công ngày càng khan hiếm, việc triển khai mô hình Hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng phạm vi tiếp cận các nhóm nguy cơ cao.
Năm 2023 là năm đánh dấu một bước tiến mới trong việc mở rộng thí điểm mô hình hợp đồng xã hội (HĐXH) tại các tỉnh thành gồm Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ và Kiên Giang.
Tổng cộng có 13 tổ chức xã hội (CBO) và doanh nghiệp xã hội (DNXH) tham gia ký hợp đồng cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố. Hầu hết các hợp đồng đều được triển khai thông qua phương thức đặt hàng, ngoại trừ tỉnh Bình Dương áp dụng hình thức đấu thầu.
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu hợp đồng, các CBO và DNXH đã đạt được từ 90% đến hơn 100% mục tiêu đề ra, trong đó một số chỉ tiêu như tỉ lệ phản ứng dương tính với HIV trong xét nghiệm sàng lọc và tỉ lệ chuyển gửi các trường hợp dương tính đến cơ sở điều trị đạt mức rất cao, lên tới 9% và 100%. Tuy nhiên, chỉ tiêu hỗ trợ tuân thủ điều trị kháng virus (ARV) và dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) trong 3 tháng vẫn còn thấp. Riêng Hải Phòng chỉ đạt từ 0% (gói Hỗ trợ tuân thủ điều trị PrEP) đến 19% do triển khai muộn.
Về mặt tài chính, tỉ lệ thanh toán và giải ngân cho các hợp đồng dao động từ 14,8% đến 99,8%, phụ thuộc vào mức độ hoàn thành các chỉ tiêu. Một số tỉnh gặp khó khăn trong việc thanh toán kịp thời cho các CBO và DNXH do các thủ tục phức tạp và thời gian xác minh, thẩm định kết quả kéo dài.
Trong quá trình triển khai, các bên đã nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cũng như các tổ chức quốc tế và dự án liên quan. Sự chỉ đạo của Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn và thách thức cần được giải quyết.
Một trong những thách thức lớn nhất là công tác chuẩn bị cho phê duyệt, đặt hàng hoặc đấu thầu mất nhiều thời gian, dẫn đến thời hạn thực hiện hợp đồng ngắn. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm ca nhiễm HIV mới ngày càng khó khăn hơn. Nhiều CBO chưa có tư cách pháp nhân và năng lực hạn chế, trong khi quy định về đấu thầu và mua sắm dịch vụ công lại khá phức tạp, thủ tục nhiều.
Một thách thức khác đó là mô hình HĐXH còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam, do đó các địa phương và các CBO, DNXH đều gặp khó khăn trong việc triển khai. Thêm vào đó, các quy định và hướng dẫn về thanh quyết toán, biểu mẫu chứng từ còn nhiều bất cập, khó khăn
Trong năm 2024, các địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện kế hoạch, tổ chức ký hợp đồng với các CBO và DNXH, đồng thời triển khai công tác báo cáo trực tuyến và các hoạt động truyền thông vận động.
Dự kiến một hội nghị tổng kết đề án thí điểm sẽ được tổ chức vào cuối năm 2024. Song song đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ xây dựng và ban hành các văn bản quan trọng như Danh mục dịch vụ phòng, chống HIV, định mức kinh tế kỹ thuật, khung giá dịch vụ cũng như cập nhật, sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc mở rộng mô hình HĐXH trong lĩnh vực này.
Trong buổi tọa đàm "Các giải pháp để triển khai hợp đồng xã hội trong thời gian tới" vừa diễn ra mới đây, TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện và cập nhật Quyết định 1387/QĐ-TTg về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực y tế - dân số: Phân tích các điểm mới về dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định này.
Ông Tống Văn Nam (DNXH Kết Nối Trẻ) cho hay, HĐXH đã cho thấy tiềm năng đáng kể trong việc tận dụng khối cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời bảo đảm rằng doanh nghiệp cần đa dạng hóa các nguồn lực, không phụ thuộc vào HĐXH, cũng như đề nghị cân nhắc về việc điều chỉnh giá cả dịch vụ sao cho phù hợp với tình hình chung.
Trong bối cảnh nguồn lực tài chính công ngày càng khan hiếm, việc triển khai mô hình HĐXH trong phòng, chống HIV/AIDS được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng phạm vi tiếp cận các nhóm nguy cơ cao. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, các bên liên quan cần tiếp tục nỗ lực vượt qua những thách thức còn tồn tại, đồng thời tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có và kinh nghiệm đã tích lũy trong giai đoạn thí điểm.
Nam Tống