Thanh Hóa: Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp phối hợp xét xử trực tuyến các vụ án ma túy

01/10/2024 09:12

(Chinhphu.vn) - Theo thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, các đơn vị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp đã tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) cùng cấp tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến các vụ án liên quan đến ma túy.

Thanh Hóa: Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp phối hợp xét xử trực tuyến các vụ án ma túy- Ảnh 1.

Hình ảnh tại điểm cầu trung tâm TAND huyện Nông Cống. Ảnh: VKSND tỉnh Thanh Hóa

Các phiên tòa đã đánh giá đầy đủ nội dung vụ án, xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội

Cụ thể, vào ngày 20/9, Phòng 7 VKSND tỉnh phối hợp với TAND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên tòa phúc thẩm trực tuyến xét xử đối với các bị cáo Lê Duy Dũng (sinh năm 1991, trú tại Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội), Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Văn Hà (cùng sinh năm 1998 trú tại thôn Nhì, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị TAND thị xã Nghi Sơn xét xử về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý" quy định tại điểm b khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự. Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại Nông Cống, VKSND huyện Nông Cống phối hợp với TAND huyện Nông Cống tổ chức phiên tòa hình sự sơ thẩm bằng hình thức trực tuyến đối với bị cáo Kiều Hồng Trúc (sinh năm 1991, trú tại xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống), bị truy tố về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" theo quy định tại khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự.

Tại Như Xuân, VKSND huyện Như Xuân đã phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức 03 phiên tòa hình sự xét xử theo hình thức trực tuyến xét xử bị cáo Trương Văn Biên về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" theo quy định tại khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự.

Tại Yên Định, ngày 20/9, VKSND huyện Yên Định phối hợp với Tòa án nhân dân huyện mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Đức Mạnh và đồng phạm về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" quy định tại khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự và tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" quy định tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đã thể hiện tốt các kỹ năng, nghiệp vụ, có sự phân tích, đánh giá đầy đủ nội dung vụ án, xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo.

Trước những chứng cứ chặt chẽ được thu thập trong quá trình điều tra cũng như kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố của VKSND.

Căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa và những quy định của pháp luật, theo đề nghị của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo các mức án trong khung đề nghị của Viện kiểm sát.

Đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT chuyển đổi số trong phiên toà hình sự

Theo VKSND tỉnh, các phiên tòa xét xử trực tuyến được tổ chức tại điểm cầu trung tâm hội trường xét xử trụ sở TAND cùng cấp với sự tham gia của những người tiến hành tố tụng và một số người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật đã bảo đảm các yêu cầu về trang thiết bị công nghệ hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến. Điểm cầu thành phần được đặt tại Nhà tạm giữ Công an cùng cấp.

Tham gia tố tụng là bị cáo, có sự quản lý của cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ và sự hỗ trợ của cán bộ 2 cơ quan Tòa án, VKSND. Phiên toà đáp ứng yêu cầu tổ chức xét xử trực tuyến, tuân thủ các quy định chung về an toàn thông tin, quản lý dữ liệu.

Ngay khi kết thúc phiên tòa, hai ngành Viện kiểm sát và Tòa án cấp huyện đã tổ chức họp, rút kinh nghiệm cho toàn thể các Kiểm sát viên, Thẩm phán, kiểm tra viên, thư ký, công chức của hai đơn vị để đánh giá những ưu điểm và hạn chế đối với phiên tòa trực tuyến, rút ra những kinh nghiệm trong việc thực hiện chức năng, vai trò, kỹ năng ứng xử và xử lý tình huống phát sinh tại phiên toà.

Việc tổ chức thành công các phiên tòa trực tuyến góp phần vào mục tiêu xây dựng đội ngũ kiểm sát viên, thẩm phán có năng lực, phẩm chất, trình độ để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành và đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong phiên toà hình sự, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác cải cách tư pháp hiện nay.

Vĩnh Hoàng

}
Top