Tổ chức nhiều phiên họp trực tuyến áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện

19/04/2024 10:12

(Chinhphu.vn) - Việc áp dụng hình thức phiên họp trực tuyến áp dụng biện pháp xử lý hành chính bắt buộc cai nghiện đã giúp giảm thiểu thời gian, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy trên địa bàn.

Tổ chức nhiều phiên họp trực tuyến áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện- Ảnh 1.
Tổ chức nhiều phiên họp trực tuyến áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện- Ảnh 2.

TAND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) tổ chức phiên họp Áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 12 trường hợp

Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ, vừa qua tại tỉnh Bình Thuận, VKSND huyện Bắc Bình đã phối hợp với TAND, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bắc Bình và Công an thị trấn Chợ Lầu tổ chức phiên họp trực tuyến áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Nguyễn Ngọc Khánh (SN 1986, ngụ khu phố Xuân Hội, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình).

Nguyễn Ngọc Khánh là đối tượng nghiện ma túy, thường xuyên sử dụng ma túy gây ảo giác, làm mất an ninh trật tự, an toàn cho người dân tại địa phương. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy nhưng Khánh không đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện nên UBND thị trấn Chợ Lầu đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Khánh.

Tại phiên họp lần này, đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bắc Bình có ý kiến đề nghị TAND huyện Bắc bình áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Khánh…

Kiểm sát viên tham gia phiên họp đã kiểm sát trình tự, thủ tục lập hồ sơ, căn cứ áp dụng nhận thấy hồ sơ lập theo đúng trình tự luật định, Nguyễn Ngọc Khánh thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nên đề nghị Tòa án chấp nhận theo văn bản đề nghị của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Khánh từ 18- 24 tháng.

Trên cơ sở đề nghị của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và ý kiến của Viện kiểm sát, Thẩm phán chủ tọa phiên họp đã quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Khánh với thời gian 18 tháng.

Việc tổ chức các phiên họp trực tuyến nhằm hỗ trợ hoặc thay thế các phiên họp trực tiếp tại tòa trên địa bàn huyện Bắc Bình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giảm thiểu các chi phí và thời gian đi lại, nâng cao chất lượng công tác đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Tại tỉnh Nghệ An, vào tháng 3/2024, TAND huyện Quỳ Hợp đã tổ chức phiên họp Áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 12 trường hợp theo đề nghị của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quỳ Hợp, UBND một số xã tại huyện Quỳ Hợp.

Phiên họp được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, giữa điểm cầu TAND huyện Quỳ Hợp và Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số II Nghệ An (tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc).

Trong thời gian qua, trung bình mỗi năm TAND cấp huyện tỉnh Nghệ An áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khoảng 1.500 trường hợp, tại 8 cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Nghệ An. Quá trình thực hiện còn một số vướng mắc, khó khăn, như việc dẫn giải người bị đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đến Tòa án tham dự phiên họp trong điều kiện từ cơ sở cai nghiện đến Tòa án tương đối xa, nhất là các huyện miền núi, nhiều trường hợp lực lượng dẫn giải phải đi từ sáng sớm để đảm bảo phiên họp đúng giờ, hoặc gửi người bị đề nghị tại các cơ sở không đúng quy định khi thời gian phiên họp kết thúc muộn, công tác bảo vệ phiên họp trong khi đối tượng nghiện ma túy không phải trường hợp nào cũng chấp hành, thẩm quyền lãnh thổ khi Tòa án tổ chức phiên họp tại cơ sở cai nghiện....

Nội dung này, đã được liên ngành các cơ quan tại Nghệ An báo cáo, đề xuất nhưng chưa được tháo gỡ.

Do đó, việc triển khai giải pháp tổ chức phiên họp áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án bằng hình thức trực tuyến đã khắc phục những vấn đề tồn tại nêu trên, tiết kiệm được thời gian, kinh phí khi tổ chức tại trụ sở Tòa án. TAND huyện Quỳ Hợp là đơn vị đăng ký thực hiện đầu tiên, sau khi TAND tỉnh Nghệ An triển khai chủ trương về phiên họp trực tuyến. 

Trong thời gian tới, các đơn vị TAND hai cấp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An để triển khai thực hiện.

Tại Hải Dương, vừa qua, TAND huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã tổ chức phiên họp xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính bằng hình thức đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 2 trường hợp là Nguyễn Duy H và Vũ Viết M cùng trú tại xã Thống Kênh huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Đây là những người nghiện ma túy và đã từng bị kết án về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhưng vẫn không từ bỏ được ma túy. Do vậy, UBND xã nơi các đối tượng cư trú đã lập hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng xem xét để đưa các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.

Kiểm sát viên VKSND huyện Gia Lộc đã kiểm sát chặt chẽ trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và trình tự, thủ tục xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân huyện Gia Lộc theo đúng quy định của pháp luật. Căn cứ vào các tài liệu đã được thu thập có trong hồ sơ; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các đối tượng và trên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gia Lộc về thời hạn buộc H và M phải chấp hành, TAND huyện Gia Lộc đã quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Nguyễn Duy H, Vũ Viết M là 21 tháng, tính từ ngày cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương quản lý người bị đề nghị.

Việc xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính bằng hình thức đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã hạn chế tình trạng nghiện ma túy tại địa phương, đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Để đảm bảo tính thân thiện của phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến, đồng thời, theo quy định của Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì phiên họp phải đáp ứng các yêu cầu như: Được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn; Thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.

Để đảm bảo tốt nhất quyền của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Pháp lệnh có những quy định cho Tòa án và Thẩm phán được tham vấn ý kiến hoặc yêu cầu chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia các phiên họp trong trường hợp cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập của người bị đề nghị.

Vĩnh Hoàng

}
Top