“Thanh niên chung tay vì ngày mai không AIDS”

03/04/2023 16:33

(Chinhphu.vn) - Đây là chủ đề của sự kiện truyền thông diễn ra tại Bình Dương do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore vừa tổ chức dưới sự tài trợ của dự án EPIC/CDC.

“Thanh niên chung tay vì ngày mai không AIDS” - Ảnh 1.

Những hoạt động truyền thông được tổ chức đa dạng, miễn phí thu hút sự tham gia đông đảo của công nhân, người lao động. Ảnh: Thùy Chi

Ông Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc CDC Bình Dương cho biết, tại Việt Nam nói chung và tại Bình Dương nói riêng, đang tiếp tục nỗ lực thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 với 3 mục tiêu 95-95-95, đó là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Để đạt được những mục tiêu trên thì công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS đóng vai trò rất quan trọng. Khi công tác truyền thông đạt hiệu quả không chỉ làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng tránh, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS mà còn kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS hiệu quả.

Tại sự kiện truyền thông, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ các kiến thức cơ bản về HIV, về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP). Nhiều hoạt động truyền thông được tổ chức đa dạng và hoàn toàn miễn phí thu hút sự tham gia đông đảo của công nhân, người lao động.

Tại sự kiện truyền thông còn có những gian hàng giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ dự phòng, điều trị HIV miễn phí; hướng dẫn tự xét nghiệm HIV tại nhà, các kit xét nghiệm HIV cũng được cung cấp miễn phí cho người tham dự. 

Ngoài ra, còn có trò chơi Quizzes, người tham dự trả lời các câu hỏi trên ứng dụng điện thoại để tìm ra những người có câu trả lời nhanh và chính xác nhất để trao thưởng. 

“Thanh niên chung tay vì ngày mai không AIDS” - Ảnh 3.

Hướng dẫn tự xét nghiệm HIV tại nhà, các kit xét nghiệm HIV cũng được cung cấp miễn phí cho người tham dự. Ảnh: Thùy Chi

Bà Ong Thị Hoàng Mai, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp là những đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV và lây lan ra cộng đồng nếu không có kiến thức và hiểu biết đầy đủ. Vì thế, các sự kiện truyền thông phòng, chống HIV/AIDS dành cho công nhân, người lao động là những hoạt động rất bổ ích và cần thiết.

Bên cạnh đó, sau khi tham dự sự kiện truyền thông này, người tham dự cũng chính là những nhân viên truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho đồng nghiệp, cho gia đình, bạn bè và những người xung quanh với mục tiêu sau cùng là nâng cao nhận thức cộng đồng, chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, thay đổi hành vi ở nhóm người có nguy cơ cao; quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, thúc đẩy mọi người chủ động phòng, chống HIV/AIDS, góp phần tiến đến mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bình Dương, đến cuối năm 2022, Bình Dương ghi nhận khoảng 835 ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong đó số lượng người nhiễm HIV là người ngoại tỉnh chiếm đến 77% và có đến 64.5% lây qua quan hệ tình dục đồng giới. Đáng lưu ý, số ca nhiễm mới trong năm 2022 tăng 25% so với 2021. Đây được xem là năm có số lượng ca nhiễm cao nhất của Bình Dương trong 10 năm qua (2012-2022).

Tích lũy đến 2022, Bình Dương ghi nhận đã có 1.437 người đã tiếp cận và sử dụng PrEP ít nhất một lần, đây được coi là thành quả vượt bậc của tỉnh nhà nhằm gia tăng hơn nữa của cộng vào dự phòng lây nhiễm HIV chủ động bằng thuốc. 

Ngoài ra, Bình Dương cũng chú trọng đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đây được coi là mô hình tiên phong của cả nước trong việc bảo đảm một cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV có chất lượng, thân thiện và đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng.

Thùy Chi

Top