Thanh tra về phòng, chống mại dâm trong cơ sở kinh doanh thế nào?
(Chinhphu.vn) - Xin cho tôi hỏi việc thanh tra về phòng, chống mại dâm trong các cơ sở kinh doanh được thực hiện như thế nào và trách nhiệm thanh tra về phòng, chống mại dâm?
Trả lời:
Thẩm quyền thanh tra
Theo Điều 33 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số đều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, quy định về việc thanh tra như sau:
Trường hợp thanh tra về hoạt động phòng, chống mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ mà liên quan đến nhiều ngành thì Chủ tịch UBND các cấp thành lập thanh tra liên ngành của cấp mình để thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm ở địa phương.
Ở cấp tỉnh và cấp huyện, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan để tiến hành các hoạt động thanh tra liên ngành.
Ở cấp xã, UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo, tiến hành các hoạt động kiểm tra, thanh tra về công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương.
Trách nhiệm thanh tra
Theo Điều 34 Pháp lệnh số 10/2003/PL-UBTVQH11 ngày 17/03/2003, thanh tra liên ngành về phòng, chống mại dâm bao gồm các trách nhiệm sau:
- Thanh tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mại dâm: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mại dâm được thực hiện đối với các cá nhân, tổ chức trực thuộc sự quản lý của cơ quan Nhà nước về các lĩnh vực nhất định. Ví dụ: Thanh tra về chấp hành pháp luật về phòng, chống mại dâm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thanh tra về chấp hành pháp luật về phòng, chống mại dâm đối với các cá nhân là công chức, cán bộ, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân,…
- Thanh tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch, biện pháp, nhiệm vụ về phòng, chống mại dâm; việc thực hiện các quy định quản lý nhà nước về sử dụng kinh phí, xây dựng và quản lý hoạt động của các cơ sở chữa bệnh: Các hoạt động thanh tra về chương trình, kế hoạch, biện pháp, nhiệm vụ về phòng, chống mại dâm được thực hiện bởi cơ quan tổ chức, ban hành, lên kế hoạch đối với các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm thực hiện. Đối với việc sử dụng kinh phí, cơ quan quản lý về tài chính có trách nhiệm thanh tra.
- Xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động phòng, chống mại dâm: Cơ quan tiến hành giải quyết, xử lý vi phạm về mại dâm và các hành vi liên quan đến mại dâm phải tiếp nhận khiếu nại, tố cáo về các hoạt động này và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm về mại dâm và các hành vi liên quan đến mại dâm.
- Xử lý vi phạm hoặc kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm: Các chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hành vi mại dâm và các hành vi liên quan đến mại dâm bao gồm các chủ thể dưới đây, các chủ thể khác có trách nhiệm kiến nghị với cơ quan Nhà nước, các chủ thể có thẩm quyền giải quyết để xử lý. Đối với trường hợp có dấu hiệu tội phạm, các chủ thể phải thông báo cho cơ quan điều tra để tiến hành xử lý theo quy trình tố tụng hình sự.
+ Lực lượng Công an nhân dân (có quyền xử phạt theo thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm).
+ Lực lượng Bộ đội biên phòng (có quyền xử phạt theo thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm).
+ Lực lượng thanh tra chuyên ngành của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn hóa – Thông tin, Thương mại, Du lịch, Y tế, bao gồm thanh tra Sở, thanh tra Bộ (có quyền xử phạt theo thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm)
- Kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về phòng, chống mại dâm; đề nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách và quy định của Nhà nước về phòng, chống mại dâm: Các biện pháp theo quy định của pháp luật bao gồm tuyên truyền, thông tin; kinh tế - xã hội; hành chính, hình sự, các biện pháp cụ thể do các cơ quan Nhà nước các cấp có thẩm quyền xây dựng, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Giang Oanh