Đồng Tháp: Gần 650 cơ sở dịch vụ cam kết không vi phạm pháp luật về mại dâm

17/07/2023 12:48

(Chinhphu.vn) - Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các ngành chức năng tổ chức cho 647 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, karaoke... trên địa bàn tỉnh ký cam kết không vi phạm pháp luật về mại dâm (tăng 285 cơ sở so với cùng kỳ).

Đồng Tháp: Gần 650 cơ sở dịch vụ cam kết không vi phạm pháp luật về mại dâm - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng để nghị các cơ sở dịch vụ cam kết không vi phạm pháp luật về mại dâm

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2023 đến nay, với sự phối hợp của các sở, ngành trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện các đường dây hoạt động mại dâm và đối tượng mại dâm sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber hay hình thức sugar baby, sugar dady để tổ chức, môi giới mại dâm.

Theo các cơ quan chức năng, hoạt động của các đối tượng mại dâm chủ yếu nhỏ lẻ với thủ đoạn 'núp bóng' là tiếp viên trong các quán cà phê giải khát, karaoke, massage, gội đầu, các nhà trọ cho thuê theo giờ để hoạt động.

Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 11/4/2023 về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2023. Các ngành, đoàn thể liên quan (thành viên Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh), UBND cấp huyện, cấp xã đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; phòng, chống HIV/AIDS và các chương trình, kế hoạch có liên quan tại địa phương, đơn vị.

Để tăng cường công tác phòng ngừa tệ nạn mại dâm, Sở LĐTB&XH phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân về phòng, chống tệ nạn mại dâm với nhiều hình thức, tuyên truyền trên đài phát thanh, truyền hình, trên các trang tin điện tử...

Đến nay, xây dựng 5 chuyên trang trên Báo Đồng Tháp; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện chuyên mục "Con đường hoàn lương, gương sáng điển hình sau cai nghiện"; phối hợp tổ chức tuyên truyền được gần 1.500 cuộc, hơn 64.800 người tham dự. Phòng LĐTB&XH các huyện, thành phố phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh xây dựng 160 bài tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội phát sóng trên Đài truyền thanh các huyện và Trạm truyền thanh cấp xã. Đồng thời tổ chức cho 647 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, karaoke... ký cam kết không vi phạm pháp luật về mại dâm (tăng 285 cơ sở so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng chức năng địa phương tổ chức tuyên truyền, tập trung các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội về tệ nạn mại dâm, vận động gia đình quản lý, giáo dục con em không thực hiện, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Sở Tư pháp phối hợp cùng các đơn vị liên quan thành lập 12 nhóm Zalo phổ biến giáo dục pháp luật tại các huyện, thành phố và 2 nhóm Zalo phổ biến giáo dục pháp luật trong trường đại học, cao đẳng với 1.300 thành viên, đã tuyên truyền hơn 100 tài liệu, trong đó có nội dung phòng, chống mại dâm...

Các nội dung tuyên truyền giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thanh thiếu niên và người dân nắm các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm; nâng cao ý thức, trách nhiệm, chấp hành pháp luật của người dân, góp phần phòng ngừa, phát hiện, tố giác đối tượng có hành vi hoạt động mại dâm.

Thống kê đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có 932 cơ sở kinh doanh dịch vụ (giảm 9 cơ sở so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, có 507 cơ sở lưu trú như nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ, nhà cho thuê... (giảm 4 cơ sở so với cùng kỳ năm 2022). Sở LĐTB&XH phối hợp với Sở Tài chính đề xuất, tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí từ nguồn kinh phí địa phương tiếp tục triển khai mô hình "Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm" tại TP Cao Lãnh và các huyện: Lai Vung, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình, Châu Thành; tiếp tục nhân rộng mô hình tại huyện Hồng Ngự và TP Sa Đéc.

Lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp cũng đã kiểm tra 255 cơ sở, phát hiện 15 cơ sở vi phạm, phạt tiền 2 cơ sở. Lực lượng Công an tăng cường công tác phối hợp triệt xóa các tụ điểm hoạt động mại dâm.

Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH cho biết sẽ phối hợp các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm. Trong đó, tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 11/4/2023 của UBND tỉnh về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2023; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về pháp luật cho các đối tượng mua, bán dâm và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Đặc biệt sẽ tiếp tục phối hợp liên ngành trong kiểm tra các cơ sở hoạt động ngành, nghề kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; duy trì hoạt động mô hình "Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm"...

Vĩnh Hoàng

}
Top