Tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng

31/10/2023 15:13

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh cai nghiện bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng cũng cần được chú trọng. Dù các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm nhưng công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng  - Ảnh 1.

Người nghiện được tư vấn tại Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn Hà Nội - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tại TPHCM, tính từ ngày 1/6/2020 đến 1/6/2023, Thành phố đã tổ chức cai nghiện cho 28.500 người (trong đó cai nghiện tự nguyện: 9.545 người, cai nghiện bắt buộc: 18.955 người).

Quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các cơ sở được thực hiện 5 giai đoạn, gồm: Giai đoạn tiếp nhận, phân loại ban đầu; giai đoạn cắt cơn, giải độc; giai đoạn giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi nhân cách; giai đoạn lao động trị liệu, dạy nghề; giai đoạn phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị hòa nhập cộng đồng. 

Qua đó, đã tổ chức tham vấn, tư vấn cho hơn 2,5 triệu lượt học viên và hơn 27 nghìn lượt thân nhân học viên; tổ chức các chương trình giáo dục chuyên đề chuyển đổi hành vi nhân cách cho gần 455 nghìn học viên tham dự; tổ chức 222 lớp dạy văn hóa, lớp xóa mù chữ, tiểu học cho 5.390 học viên và 366 lớp dạy nghề (may công nghiệp, kỹ thuật cắt may, sửa xe gắn máy, điện dân dụng, điện lạnh, tin học,...) cho hơn 10 nghìn học viên.

Trong công tác quản lý, hỗ trợ giúp đỡ cho người chấp hành xong quyết định cai nghiện về quản lý tại nơi cư trú, Thành phố hiện có các Điểm Tư vấn, Đội Công tác xã hội tình nguyện (279 Điểm Tư vấn và 306 Đội Công tác xã hội tình nguyện) được thành lập nhằm hỗ trợ người nghiện ma túy tiếp cận các dịch vụ xã hội, pháp lý, y tế, tư vấn, giáo dục tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Qua đó, đã tư vấn, cung cấp thông tin về các dịch vụ cai nghiện, điều trị Methadone, phòng, chống tái nghiện và giới thiệu việc làm cho 143 người; hỗ trợ 172 người học văn hóa, 275 người được giới thiệu học nghề.

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH TPHCM đánh giá, công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện của Thành phố ngày càng được nâng cao về chất lượng, môi trường cai nghiện ngày càng thân thiện, công tác quản lý, giáo dục, dạy văn hóa, dạy nghề ngày càng đổi mới, hiệu quả. Tuy nhiên, công tác cai nghiện tại cộng đồng và quản lý sau cai nghiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Người nghiện và gia đình người nghiện thường trốn tránh, chưa tự giác khai báo tình trạng nghiện, không tự nguyện tham gia cai nghiện tại cộng đồng, nhiều người nghiện lang thang, gia đình khó khăn không có kinh phí thực hiện cai nghiện tự nguyện…

Đồng thời, quy định về kinh phí hỗ trợ cho công tác cai nghiện tự nguyện chưa phù hợp, chưa bảo đảm để người nghiện thực hiện được cai nghiện tự nguyện, trong khi đó theo quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện là biện pháp bắt buộc trước khi lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy.

Hơn nữa, công tác quản lý người nghiện tái hòa nhập cộng đồng về địa phương còn nhiều khó khăn, rất ít người cai nghiện hoàn thành xong thời gian cai nghiện trở về địa phương trình báo với chính quyền địa phương để tiếp tục quản lý sau cai nghiện theo quy định, nhất là người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.

Công tác hỗ trợ dạy nghề, vay vốn, giải quyết việc làm cho người nghiện hiệu quả cũng chưa cao, do tình hình sức khỏe và thể trạng của người nghiện yếu, trình độ học vấn thấp, nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm còn nhiều hạn chế, xã hội còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử nên người sau cai nghiện cũng khó cạnh tranh tìm kiếm được việc làm tốt, phù hợp, ổn định cuộc sống...

Mặt khác, cán bộ làm công tác cai nghiện tại cộng đồng và quản lý sau cai nghiện tại địa phương đều kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên chưa đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ về điều trị, tư vấn tâm lý, giáo dục theo quy định.

Do đó, trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH TPHCM đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy sâu rộng đến người dân bằng nhiều hình thức, phong phú, đa dạng, nhất là tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, gia đình người nghiện để nâng cao nhận thức, trách nhiệm tự nguyện cai nghiện và thực hiện tốt công tác quản lý sau cai nghiện.

Tổ chức rà soát, thống kê đầy đủ, chặt chẽ người sử dụng, người nghiện, người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố để tổ chức quản lý, điều trị cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện, coi trọng công tác cai nghiện tập trung và quản lý người nghiện, người sau cai nghiện ngoài cộng đồng, không để phát sinh tội phạm và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố…

Hướng dẫn các địa phương tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng

Những khó khăn của TPHCM cũng là vướng mắc của các địa phương khác trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện. Theo Bộ LĐTB&XH, tính đến  30/6/2023, cả nước có 21 tỉnh, thành phố đã công bố 284 cơ sở, đơn vị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng cồng.

Kết quả, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức cai nghiện cho 16.750 người (trong đó: 9.002 người của năm 2022 và 7.748 người người của 6 tháng đầu năm 2023).

Theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP thì mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 người thực hiện nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cả nước có gần 10.000 người làm công tác này với mức phụ cấp tối đa bằng 0,6 mức lương cơ sở.

Có 25 tỉnh, thành phố với hơn 15.000 người thuộc các tổ chức chính trị xã hội (gồm Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh...) tham gia đội công tác xã hội tình nguyện, tham gia tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai được hưởng thù lao hàng tháng tối đa 0,4 mức lương cơ sở.

Bộ LĐTB&XH đánh giá, nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện chính sách cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; UBND cấp huyện (cơ quan được Luật Phòng, chống ma túy giao chủ trì việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng) chưa thực sự vào cuộc, chưa xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện chính sách này ở địa bàn.

Việc xây dựng hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn (chưa thu hút được đầu tư từ tổ chức cá nhân ngoài công lập; các đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp huyện rất ít, hoặc không đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn về cai nghiện; chưa có các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ đối với các dịch vụ cai nghiện tự nguyện ....).

Đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ, quản lý cai nghiện ma túy tự nguyện ở cấp xã còn thiếu, chưa được đào tạo, tập huấn về các chính sách, quy trình theo cách tiếp cận mới của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP nên việc triển khai còn nhiều lúng túng.

Một số người nghiện, gia đình người nghiện ma túy không có khả năng đóng góp chi phí cai nghiện, không có mặt tại nơi cư trú; gia đình người nghiện vẫn còn mặc cảm nên việc theo dõi, quản lý và tiếp cận, tư vấn cai nghiện gặp khó khăn.

Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, nguồn lực để tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; chính sách khuyến khích, thu hút tư nhân đầu tư, tham gia vào công tác cai nghiện và hỗ trợ cho người sau cai nghiện.

Đồng thời thí điểm một số chính sách hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện thông qua các mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người sau cai nghiện, gia đình người sau cai nghiện thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại một số tỉnh, thành phố...

Mới đây, ngày 12/10, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 411/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp Thường trực Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm về công tác cai nghiện ma túy.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB&XH phải có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai công tác cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Trong năm 2023, đề xuất chủ trương xây dựng Chương trình tổng thể nâng cao năng lực công tác cai nghiện ma túy giai đoạn 2026 - 2030, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...

Hoàng Giang

}
Top