Tháo gỡ những vướng mắc khi áp dụng pháp luật hình sự liên quan đến mại dâm

19/10/2022 09:04

(Chinhphu.vn) - Để bảo đảm trật tự công cộng, phòng ngừa các tội mại dâm cần kết hợp chặt chẽ, đồng bộ các biện pháp kinh tế, giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế, trong đó biện pháp hình sự đóng vai trò rất quan trọng.

Tháo gỡ những vướng mắc khi áp dụng pháp luật hình sự liên quan đến mại dâm - Ảnh 1.

TAND TP Hồ Chí Minh xét xử đường dây môi giới mại dâm do nhóm người Hàn Quốc cầm đầu, ngày 9/5/2022. Ảnh: Báo Người lao động

Bảo đảm trật tự công cộng là bảo đảm cho xã hội bình yên trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật, các quy tắc và chuẩn mực đạo đức xã hội. Bảo đảm trật tự công cộng là một trong những chức năng của Nhà nước, đồng thời cũng là nghĩa vụ của công dân và được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Hiện nay, tội phạm mại dâm ngày càng diễn biến phức tạp với các phương thức đa dạng và xảo quyệt, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người cũng như trật tự xã hội.

Bà Hoàng Thùy Linh (Toà án quân sự Quân khu 7) cho rằng, để bảo đảm trật tự công cộng, phòng ngừa các tội mại dâm cần kết hợp chặt chẽ, đồng bộ các biện pháp kinh tế, giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế, trong đó biện pháp hình sự đóng vai trò rất quan trọng.

Theo bà Hoàng Thùy Linh, nghiên cứu quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các tội phạm tình dục và thực tiễn áp dụng cho thấy còn có nhiều bất cập trong hệ thống pháp luật dẫn đến vướng mắc và thiếu thống nhất trong nhận thức và áp dụng.

Quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến mại dâm

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật khái quát các dấu hiệu cấu thành các tội mại dâm. Cụ thể, Bộ luật Hình sự 2015 quy định các tội mại dâm tại Chương XXI về các tội xâm phạm trật tự công cộng, bao gồm các Tội chứa mại dâm (Điều 327), Tội môi giới mại dâm (Điều 328) và Tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329). Mặc dù có những diễn đạt khác nhau, nhưng trong khoa học Luật Hình sự, nhận thức về các dấu hiệu cấu thành các tội mại dâm được nhận thức khá thống nhất. Có thể khái quát các dấu hiệu cấu thành đó như sau:

Đối với khách thể của tội phạm: Tội chứa mại dâm (Điều 327), Tội môi giới mại dâm (Điều 328), Tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329) trực tiếp xâm phạm đến trật tự công cộng, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tội mua dâm người dưới 18 tuổi làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của người chưa thành niên.

Về mặt khách quan của tội phạm, Bộ luật Hình sự không miêu tả cụ thể hoạt động mại dâm, mua dâm cũng như bán dâm. Khái niệm mại dâm, mua dâm, bán dâm được quy định cụ thể trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm 2003. Theo tinh thần của Pháp lệnh thì "Mại dâm" là hành vi giao cấu trên cơ sở trao đổi bằng tiền hay lợi ích vật chất. Mại dâm là "hành vi mua dâm, bán dâm", trong đó, mua dâm là "hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu"; bán dâm là "hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác".

Như vậy, mặc dù các Điều 327, 328, 329 Bộ luật Hình sự không có quy định viện dẫn, nhưng thực tiễn cho thấy các khái niệm nêu trên của Luật phòng, chống mại dâm đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án sử dụng trong áp dụng pháp luật về các tội phạm mại dâm.

Theo Điều 327 Bộ luật Hình sự, mặt khách quan của tội chứa mại dâm là hành vi của một người biết việc mua, bán dâm và cung cấp địa điểm, phương tiện cho việc thực hiện mua bán dâm đó. Đó có thể là việc cho thuê, cho mượn địa điểm (khách sạn, nhà riêng...), phương tiện (ô tô, tàu, thuyền...) để người khác thực hiện việc mua, bán dâm.

Theo Điều 328 Bộ luật Hình sự, mặt khách quan của tội môi giới mại dâm thể hiện ở hành vi trung gian dụ dỗ (gợi ý, đưa ra các điều kiện nhằm tác động...), dẫn dắt (hướng dẫn, tạo điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc...) để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm. Người môi giới chỉ cần thực hiện một trong hai hành vi "dụ dỗ" hoặc "dẫn dắt" là đã thỏa mãn dấu hiệu hành vi của tội môi giới mại dâm, không bắt buộc người đó phải thực hiện cả hai hành vi trên.

Theo Điều 329 Bộ luật Hình sự, mặt khách quan của tội mua dâm người dưới 18 tuổi thể hiện ở hành vi thỏa thuận trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi để thực hiện việc giao cấu với người đó, trừ trường hợp giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự hay người dưới 13 tuổi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự. Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi giao cấu với người dưới 18 tuổi không kể đã kết thúc về mặt sinh lý hay chưa.

Về mặt chủ quan của tội phạm, các tội phạm mại dâm đều được thực hiện với lỗi cố ý (người phạm tội biết rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó).

Đối với chủ thể của tội phạm: Chủ thể của Tội chứa mại dâm (Điều 327), Tội môi giới mại dâm (Điều 328) có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên không ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể Tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329) có thể là bất kì người nào, không phụ thuộc giới, từ đủ 18 tuổi trở lên không ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Những bất cập và vướng mắc trong nhận thức và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự

Bà Hoàng Thùy Linh đánh giá, nhìn chung, các quy định của Bộ luật Hình sự cơ bản đã trở thành cơ sở pháp lý hình sự cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm và mua dâm người dưới 18 tuổi. 

Tuy nhiên, các quy định tại các Điều 327, Điều 328, Điều 329 Bộ luật Hình sự cũng còn có những bất cập, thiếu thống nhất trong nhận thức và thực tiễn áp dụng. Bà Linh đưa ra một ví dụ: Đoàn kiểm tra liên ngành bắt quả tang hành vi kích dục tại cơ sở hớt tóc, các nữ nhân viên đang có hành vi dùng tay và miệng kích dục cho các người khách nam... Những khách nam này trả tiền để thư giãn. Ở một vụ việc khác, trong một tiệm massage, các nhân viên nam và nữ trong các cơ sở này dùng tay hoặc miệng, lưỡi kích dục qua âm đạo cho các khách hàng nữ...

Quá trình xử lý các vụ việc tương tự nêu trên đã làm phát sinh các câu hỏi: Các nhân viên của các cơ sở trên có phải là hành vi bán dâm, hành vi của các khách hàng có phải là hành vi mua dâm hay không? Hành vi của chủ cơ sở hớt tóc, matxa có phải là chứa mại dâm hay không? Trả lời các câu hỏi nêu trên sẽ là cơ sở để sử lý các vụ việc nêu trên bằng viện pháp hình sự hay xử phạt hành chính.

Theo quy định tại Điều 3- Giải thích từ ngữ của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 thì "Mại dâm là hành vi mua, bán dâm (điểm 3); Mua dâm là "hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu"(điểm 2); Bán dâm là "hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác" (điểm 1).

Vì thế, theo Pháp lệnh thì các hành vi trên không phải là giao cấu, không phải là mại dâm; nên không cấu thành các tội quy định tại Điều 327, Điều 328 Bộ luật Hình sự. Và như vậy, theo quy định Pháp lệnh thì hành vi của các nhân viên tại cơ sở hớt tóc, massage không phải là hành vi mại dâm vì không có giao cấu. Hành vi của chủ cơ sở hớt tóc, massage không phải là hành vi chứa mại dâm.

Tuy nhiên, trong quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm tình dục, thì ngoài hành vi giao cấu, người làm luật còn coi các hành vi quan hệ tình dục khác cũng được xử lý như giao cấu để xử lý về các tội hiếp dâm (Điều 141, 142), Tội cưỡng dâm (Điều 143, 144), tội giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác đối với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 145)... Và để bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng Bộ luật Hình sự, cần hiểu: mua dâm là "hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác"; bán dâm là "hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác".

Liên quan đến các nội dung này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn: Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào; Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi: Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác; dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

Có thể nói khái niệm mại dâm, mua dâm, bán dâm theo Pháp lệnh Phòng chống mại dâm 2003 thực sự bộc lộ nhiều hạn chế trong bối cảnh hoạt động mại dâm diễn ra rất đa dạng, phức tạp, việc sử dụng dụng cụ tình dục (sextoy) ngày càng trở nên phổ biến và mất kiểm soát, tình trạng hoạt động mại dâm nam, đồng tính, mại dâm chuyển giới và các hành vi khiêu dâm, kích dục cũng gia tăng. Chủ thể với tư cách là người thực hành không chỉ là nam giới mà còn là người thuộc các giới tính khác, đối tượng của tội phạm (nạn nhân) không phân biệt giới tính.

Nếu như với quy định của Bộ luật Hình sự 1999 trở về trước về các tội phạm về tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với người dưới 16 tuổi, trong đó hành vi phạm tội được quy định chỉ là giao cấu, nên theo lẽ tự nhiên, nạn nhân của các tội phạm này chỉ là nữ giới và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cũng được tiến hành theo hướng đó; thì theo Bộ luật Hình sự 2015, bằng việc bổ sung quan hệ tình dục khác vào hành vi khách quan của tội phạm, nạn nhân của tội phạm có thể là người thuộc bất kỳ giới tính nào (nam, nữ, đồng tính, lưỡng tính hoặc chuyển giới)… Mở rộng hành vi khách quan (coi hành vi giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác là tương xứng) của các tội phạm này thể hiện rõ hơn bản chất, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm này và đã được quy định trong pháp luật hình sự các quốc gia.

Áp dụng Điều 329 về Tội mua dâm người dưới 18 tuổi gặp vướng mắc

Ngoài ra, việc nhận thức và áp dụng Điều 329 về Tội mua dâm người dưới 18 tuổi cũng gặp vướng mắc. Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Phòng chống mại dâm thì hành vi người từ đủ 18 tuổi trở lên trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác để giao cấu với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi mới cấu thành tội mua dâm người dưới 18 tuổi; hành vi người từ đủ 18 tuổi trở lên trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác để thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì không cấu thành tội mua dâm người dưới 18 tuổi. Vậy thì hành vi này có cấu thành tội phạm không? Nếu có thì cấu thành tội gì?

Thông tin trên Tạp chí Tòa án nhân dân, bà Hoàng Thùy Linh dẫn chứng, theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi thì quan hệ tình dục "là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục xâm nhập bộ phận sinh dục nứ, miệng, hậu môn của người khác". Đồng thời khoản 3 Điều 3 Nghị quyết hướng dẫn dâm ô là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hay gián tiếp vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục".

Như vậy, hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất để quan hệ tình dục không giao cấu với người khác, không cấu thành tội mua dâm người dưới 18 tuổi, tội dâm ô đối với người dưới 18 tuổi và cũng không cấu thành bất kỳ một tội phạm nào khác. Sự không thống nhất giữa quy định của Bộ luật Hình sự và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm "để lọt" các hành vi nguy hiểm cho xã hội, hạn chế hiệu quả đấu tranh chống mại dâm.

Cần sự thống nhất trong quy định của pháp luật và nhận thức về các tội phạm này

Theo bà Hoàng Thùy Linh, tình hình tội phạm mại dâm ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng với những mức độ phức tạp và nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Qua việc tìm hiểu và nghiên cứu có thể thấy cần có sự thống nhất trong quy định của pháp luật và nhận thức về các tội phạm này trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Qua phân tích các quy định của pháp luật, đánh giá sự thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật, bà Hoàng Thùy Linh cho rằng cần hoàn thiện quy định của pháp lệnh về các khái niệm mua dâm, bán dâm. Theo đó, trong các quy định của luật cần xác định mua dâm là hành vi trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác đề được giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dực khác với người bán dâm; Bán dâm là hành vi nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác đề giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dực khác với người mua dâm.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các Điều 327, Điều 328, Điều 329 Bộ luật Hình sự theo hướng miêu tả cụ thể hành vi mại dâm vào phần quy định của các điều luật này. Theo đó, đối với Điều 327. Tội chứa mại dâm, trong đó người nào cung cấp địa điểm, phương tiện để người khác trả hoặc nhận tiền thực hiện việc giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác… Với Điều 328. Tội môi giới mại dâm, trong đó người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc trả tiền, lợi ích vật chất khác hoặc nhận tiền, lợi ích vật chất khác nhằm giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác… Với Điều 329. Tội mua dâm người dưới 18 tuổi, trong đó quy định người nào đủ 18 tuổi trở lên trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với người dưới 18 tuổi.

Ngoài ra, trong lúc Pháp lệnh phòng chống mại dâm, Bộ luật Hình sự chưa được sửa đổi, bổ sung theo đề xuất nêu trên, thì cơ quan có thẩm quyền cấn có văn bản hướng dẫn áp dụng các tôi phạm về mại dâm theo tình thần của sửa đổi nêu trên.

Vĩnh Hoàng

}
Top