Giải pháp nào để phòng, chống mại dâm hiệu quả?

12/10/2022 10:33

(Chinhphu.vn) - Giải pháp lâu dài và bền vững là cần tăng cường tuyên truyền công tác phòng chống mại dâm, đồng thời xây dựng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm.

Thực tế cho thấy, dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường là loại hình vui chơi, giải trí luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh trật tự, cũng như các tệ nạn ma túy, mại dâm trá hình.

Giải pháp nào để phòng, chống mại dâm hiệu quả? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng lập biên bản vụ việc mua bán dâm tại khách sạn trên địa bàn TP Quy Nhơn. Ảnh: Công an cung cấp

Công an các địa phương "mạnh tay" với tệ nạn mại dâm

Tại Lâm Đồng, Công an TP Bảo Lộc vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 3 đối tượng Bùi Hữu Hoàng (thường gọi là Nị, SN 1990, trú P.Lộc Phát - Bảo Lộc), Nguyễn Thanh Trúc (SN 1987, trú P.Lộc Tiến - Bảo Lộc) và Tạ Ngọc Diễn Hằng (SN 1987, trú TP Đà Lạt - Lâm Đồng) để điều tra làm rõ tội danh môi giới mại dâm.

Thông tin từ cơ quan công an cho biết, sau thời gian theo dõi từ nguồn tin tố giác, tối 6/10, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Bảo Lộc phối hợp Công an phường 2 kiểm tra hành chính một khách sạn trên đường Lý Thường Kiệt (phường 2). Tại đây, lực lương chức năng phát hiện tại 3 phòng trong khách sạn này có 3 cặp nam, nữ đang có hành vi mua bán dâm.

Căn cứ lời khai của các đối tượng liên quan cùng nhiều tài liệu, chứng cứ khác, Công an TP Bảo Lộc bắt khẩn cấp 3 đối tượng trên, khi họ cùng trú ngụ tại một căn nhà trên đường Nguyễn Chí Thanh, P.2, TP Bảo Lộc, để điều hành môi giới mại dâm, lấy phần trăm từ những người bán dâm.

Làm việc với công an, 3 đối tượng khai nhận, lập nhóm để hành nghề môi giới mại dâm trên địa bàn TP Bảo Lộc. Trúc, Diễm, Hoàng sử dụng mạng xã hội lập nhóm kín rồi tuyển gái bán dâm. Hoàng làm trưởng nhóm có nhiệm vụ tuyển gái bán dâm rồi phân công Trúc, Hằng điều hành, thu phần trăm.

Khi có khách, các đối tượng này sẽ điều gái bán dâm đến phục vụ với giá 3 triệu đồng/lượt, còn qua đêm 6 triệu đồng. Nhóm môi giới sẽ lấy tiền công 1 triệu đồng, trong đó Hoàng hưởng 50%, Hằng và Trúc chia nhau 50% còn lại. Hiện cơ quan điều tra cũng đang tạm giữ và làm việc với các cô gái bán dâm và khách mua dâm để làm rõ vụ án, xử lý vụ việc theo pháp luật.

Tương tự, tại Bình Định, ngày 8/10, Công an TP Quy Nhơn đã ra quyết định khởi tố 4 bị can gồm Nguyễn Văn Thìn (34 tuổi, ngụ Phú Yên), Hoàng Thị Tế (30 tuổi, ngụ Hà Giang), Nguyễn Thị Hồng Liên (24 tuổi, ngụ Khánh Hòa) và Võ Hoàng Luật (23 tuổi, ngụ Phú Yên) về hành vi Chứa chấp mại dâm.

Theo hồ sơ, tối 12/6, Đội Cảnh sát hình sự (Công an TP Quy Nhơn) phối hợp với Công an phường Ngô Mây kiểm tra hành chính nhà nghỉ Hoàng An, thì bắt quả tang 3 cặp nam nữ đang mua, bán dâm tại các phòng.

Khai với cảnh sát, Nguyễn Văn Thìn (chủ nhà nghỉ Hoàng An) cho hay đầu năm nay, anh ta làm quen với Tế qua mạng xã hội rồi rủ về TP Quy Nhơn chung sống như vợ chồng. Đến đầu tháng 3, Thìn và Tế bàn bạc thuê lại khách sạn cũ để kinh doanh lưu trú và chứa mại dâm. Tế trực tiếp tuyển 5 cô gái trẻ ở các tỉnh phía Bắc để bán dâm và liên hệ với chủ trang mạng đặt vấn đề ăn chia 50/50 tiền mua, bán dâm khi giới thiệu khách đến nhà nghỉ của mình.

Để phục vụ cho hoạt động chứa mại dâm, giữa tháng 4, Thìn thuê Liên làm lễ tân nhà nghỉ, bao ăn ở, tiền lương mỗi tháng là 4,5 triệu đồng, sau đó tiếp tục nhận Luật vào làm lễ tân cùng với Liên, bao ăn ở, cho tiền tiêu xài.

Thìn và Tế quản lý chung mọi hoạt động kinh doanh và mại dâm của nhà nghỉ Hoàng An. Cả hai sắp xếp phòng rồi nhắn tin báo lại số phòng, độ tuổi của khách để Liên, Luật sắp xếp gái bán dâm phục vụ. Riêng ngày 12/6, khi công an đến bắt quả tang các đối tượng vi phạm, đã có 32 lượt khách đến mua dâm ở nhà nghỉ này.

Tại Quảng Ninh, ngày 30/9, Công an huyện Bình Liêu cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phong, tạm trú xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu để điều tra về hành vi "Chứa mại dâm".

Theo cơ quan điều tra, lúc 23h45 ngày 23/9, khi kiểm tra hành chính tại quán karaoke Trung Xuân thuộc thôn Lục Nà, xã Lục Hồn, Công an huyện Bình Liêu bắt quả tang Phong là chủ quán đang có hành vi bố trí cho hai nhân viên nữ (35 tuổi) và (30 tuổi, cùng quê Kon Tum) bán dâm cho hai thanh niên (25 tuổi) và (23 tuổi cùng trú tại huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) tại hai phòng ngủ phía sau của quán.

Cảnh sát xác định, trong quá trình kinh doanh dịch vụ karaoke nếu thấy khách có nhu cầu mua dâm, Phong sẽ bố trí nhân viên bán dâm cho khách tại các phòng ngủ sau quán với giá 500 nghìn đồng mỗi lượt. Phong hưởng 300 nghìn đồng, còn nhân viên bán dâm hưởng 200 nghìn đồng.

Tại Vĩnh Phúc, ngày 1/9, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì phối hợp Công an huyện Bình Xuyên tiến hành kiểm tra hành chính đối với cơ sở kinh doanh Karaoke DJ Club, địa chỉ tại thôn Bá Cầu, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên do Trần Thị Hằng, sinh năm 1984 quản lý.

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện tại phòng hát Karaoke Vip 3 có 2 cặp nam, nữ đang có hành vi mua bán dâm gồm N.V.G (SN 1995) ở huyện Mê Linh, Hà Nội và H.T.T.H (SN 2007) ở TP Hòa Bình, Hòa Bình (nhân viên của quán); N.H.Q (SN 2000) ở huyện Mê Linh, Hà Nội và B.T.N.M (SN 2002) ở Hàm Yên, Tuyên Quang (nhân viên của quán).

Tổ công tác tiến hành lập biên bản và đưa đối tượng về trụ sở Công an huyện Bình Xuyên xử lý theo quy định.

Hiện nay, theo luật quy định, việc bắt giữ, lập biên bản các vụ án mại dâm là do cơ quan công an thực hiện. Tuy nhiên, lực lượng này ở các địa phương còn mỏng. Việc phạt gái bán dâm qua hành vi môi giới còn thấp, chưa đủ răn đe.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp

Tại sao đã siết chặt quản lý nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ việc

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội nói chung, tệ nạn mại dâm nói riêng đã được các cấp, ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. Trong đó, việc tăng cường quản lý địa bàn kết hợp với thanh, kiểm tra đã góp phần ngăn chặn, làm giảm đáng kể các hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, tại sao đã siết chặt quản lý nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ việc?

Theo Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Đoàn Luật sư Hà Nội, mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng công tác phòng chống mại dâm hiện nay vẫn gặp phải khó khăn, bất cập. Trong đó, khó khăn, phức tạp nhất là việc rà soát, lập danh sách quản lý các đối tượng bán dâm hoạt động lưu động vì các đối tượng này hoạt động cơ hội, thời vụ không qua các tổ chức môi giới. Mặt khác, công tác xử phạt của các cơ quan chức năng đối với cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống mại dâm còn mang tính hình thức, chủ yếu là cảnh cáo, phạt tiền ở mức thấp. Bên cạnh đó, Đội kiểm tra liên ngành 178 về phòng chống mại dâm các cấp không có thẩm quyền xử phạt nên còn khó khăn trong xử lý cơ sở vi phạm khi tổ chức thanh, kiểm tra.

Đối với người bán dâm, do bản thân lười lao động, sợ vất vả và cho rằng "hành nghề" mại dâm để làm giàu một nghề làm giàu nhanh nhất; nên bất chấp. Nhiều người vẫn tình nguyện bán dâm núp trá hình dưới nhiều danh nghĩa, vỏ bọc tinh vi. Bên cạnh đó, việc không có việc làm ổn định đã khiến nhiều nạn nhân chủ yếu là phụ nữ phải hành nghề mại dâm để kiếm tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho gia đình, người thân. Đặc biệt, hiện nay nhiều cô gái dễ dãi quá trong giao tiếp, lối sống cởi mở, sống thực dụng, coi việc quan hệ là bình thường chỉ cần tiền, cần việc.

Về phía các cơ sở kinh doanh, những đơn vị này vì mục đích lợi nhuận tổ chức hoạt động mại dâm, sử dụng gái mại dâm đi với khách nước ngoài để dễ thỏa thuận, ký kết các hợp đồng, thậm chí có những tour du lịch còn đưa cả gái mại dâm đi cùng đoàn cho khách nước ngoài tiện "sử dụng" và những kẻ môi giới bán dâm cấu kết với người nước ngoài hình thành đường dây gái gọi qua mạng ngày càng trở nên phổ biến, tinh vi hơn, gây nhiều khó khăn hơn cho việc theo dõi và quản lý.

Theo Sở LĐTB&XH TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động mại dâm nơi công cộng trên địa bàn TPHCM có xu hướng tăng trở lại, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát và các dịch vụ khách sạn, karaoke... quay lại nhịp bình thường trước đại dịch.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện TPHCM có 15.085 nhân viên, tiếp viên làm việc tại 10.495 cơ sở kinh doanh dịch vụ. Tại các khu vực công cộng, trên địa bàn Thành phố còn 15 điểm, tụ điểm, tuyến đường thuộc 16 phường, xã và có khoảng 70 đối tượng nghi vấn hoạt động mại dâm đứng đường hoặc dùng xe gắn máy chạy theo chèo kéo khách mua dâm làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố. Thành phố đã vận động 4.348 cơ sở ký bản cam kết (đạt hơn 41%) với UBND phường, xã, thị trấn, về việc không để tệ nạn mại dâm và các hành vi khiêu dâm, kích dục xảy ra tại cơ sở. Lực lượng chức năng TPHCM đã kiểm tra 2.540 lượt cơ sở, phát hiện và xử phạt hành chính 442 cơ sở vi phạm về lĩnh vực văn hóa, thông tin, phòng, chống tệ nạn xã hội, với tổng số tiền phạt là hơn 7,9 tỷ đồng. Ngoài ra, còn xử phạt hành chính 98 người, lập hồ sơ xử lý hình sự 13 đối tượng về hành vi chứa mại dâm.

Mới đây, từ ngày 8 đến 31/8/2022, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM ra quyết định xử phạt 5 cơ sở kinh doanh karaoke và quán bar vì vi phạm về phòng cháy chữa cháy, phục vụ khiêu dâm, kích dục hoặc hoạt động thâu đêm, ngoài giờ quy định. Các cơ sở bị xử phạt gồm: hộ kinh doanh karaoke Dubai, hộ kinh doanh Nguyễn Phi Thường, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ giải trí Diamond, Công ty TNHH MS Tokyo, Công ty TNHH Prince Restaurant. Sở đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Prince Restaurant về các hành vi: kinh doanh dịch vụ karaoke không có giấy phép; dùng phương thức phục vụ có tính khiêu dâm, tiếp viên nữ ăn mặc khiêu dâm phục vụ khách tại phòng Vip… Tổng cộng, Công ty Prince Restaurant bị phạt 100 triệu đồng.

Với quan điểm tăng cường kiểm tra để loại trừ việc lợi dụng các quán bar, karaoke, khách sạn có các nguy cơ tổ chức mại dâm hay môi giới mại dâm, Trung tá Trần Cao Cường, Đội phó Đội cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hạ Long) cho biết: Đơn vị sẽ tăng cường thanh, kiểm tra và sẽ kiên quyết xử lý khi phát hiện sai phạm.

Trung tá Trần Cao Cường
Thực tế cho thấy, dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường là loại hình vui chơi, giải trí luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh trật tự, cũng như các tệ nạn ma túy, mại dâm trá hình. Các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, bảo đảm các cơ sở tuân thủ nghiêm mọi quy định của pháp luật.

Giải pháp nào phòng, chống mại dâm hiệu quả?

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội vừa có Quyết định số 808/QĐ-LĐTBXH về việc ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm; tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.

Giải pháp nào để phòng, chống mại dâm hiệu quả? - Ảnh 5.

Mô hình hỗ trợ gái bán dâm hoàn lương tại TPHCM. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Trong đó, 6 nội dung chủ yếu của kế hoạch là nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm liên quan đến mại dâm; xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm; xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.

Cho ý kiến thêm về giải pháp phòng, chống mại dâm, luật sư Hoàng Trọng Giáp cho rằng cần mở rộng thêm cấp có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt khi phát hiện các vụ môi giới mại dâm, hành nghề mại dâm như các đơn vị văn hóa, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo luật sư Giáp, giải pháp lâu dài và bền vững là cần tăng cường tuyên truyền công tác phòng chống mại dâm, đồng thời xây dựng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm.

Sở LĐTB&XH TPHCM cho biết, thực hiện công tác tuyên truyền với phương châm "phòng ngừa là chính", Sở đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mại dâm và phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong nhân dân gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã xây dựng và phát hành hơn 205 nghìn bản tin, tài liệu, tờ rơi, tờ bướm; tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền (tuyên truyền trực tiếp và nhắn trên group Zalo của các khu phố, tổ dân phố) thu hút trên 128 nghìn lượt người tham dự.

Trong kỳ, các cơ quan chức năng của TPHCM đã phối hợp với Công an các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, tổ chức 244 lượt truy quét mại dâm nơi công cộng phát hiện 7 trường hợp bán dâm; triệt phá 24 vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ phát hiện 112 người vi phạm, gồm: 48 người mua dâm; 51 người bán dâm (có 1 người dưới 18 tuổi); 13 chủ chứa, môi giới mại dâm. Xử lý vi phạm hành chính 98 người và lập hồ sơ xử lý hình sự 13 đối tượng về hành vi chứa mại dâm theo quy định pháp luật.

Bên cạnh việc tuyên truyền, thanh kiểm tra, giám sát, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã xây dựng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm. Cụ thể, TPHCM tiếp tục duy trì mô hình thí điểm tại địa chỉ 143/7 đường Nguyễn Thị Tần, Phường 2, Quận 8 về "Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm" và "Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, cơ sở trợ giúp xã hội". Trong 6 tháng đầu năm, các nhân viên tiếp cận cộng đồng, cộng tác viên, các tổ chức dựa vào cộng đồng...của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã tiếp cận 12.654 lượt người bán dâm, tiếp viên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm", phân phát 378.120 bao cao su; xét nghiệm sàng lọc không chuyên cho 7.124 trường hợp; tư vấn xét nghiệm HIV cho 476 trường hợp (trong đó có 12 trường hợp có kết quả dương tính với HIV và đã được kết nối điều trị bằng thuốc kháng Virus ARV); chương trình cũng đã tư vấn, kết nối cho 254 trường hợp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).

Tại Hải Phòng, trong 2 năm 2019 và 2020, thành phố Hải Phòng đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai thí điểm Mô hình "Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới" và Mô hình "Cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng" tại quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên. Trong 2 năm 2019 và 2020, Thành phố đã thành lập được 2 Nhóm tự lực, hỗ trợ Nhóm thiết lập đường dây nóng, thực hiện tiếp cận được trên 600 lượt người lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, tổ chức 32 buổi sinh hoạt nhóm, mỗi buổi 20 người tham gia. Tổ chức 8 buổi khám sức khỏe sinh sản cho trên 200 lượt lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; 22 người được học nghề ngắn hạn; trợ giúp pháp lý cho 20 người. Thành phố cũng đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ (Trung tâm Y tế quận Đồ Sơn, Công ty Luật, Trường Trung cấp nghề Thăng Long) nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xã hội tại cộng đồng cho người bán dâm, người lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Giang Oanh

Top